Ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam, hối lộ tình dục thậm chí còn không bị coi là hành vi phạm pháp.

Ông Liao Ran - điều phối viên khu vực châu Á của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết: “Ở các nước như Trung Quốc và Việt Nam, luật pháp quy định hành vi hối lộ phải có liên quan đến tiền hoặc đồ vật. Đồ hối lộ phải là vật chất”.
 


Hối lộ tình dục là cách ít để lại bằng chứng hay dấu vết nhất - thực trạng đang rất phổ biến ở khắp các nước châu Á hiện nay.

Ông Ran nói về một vụ hối lộ tình dục điển hình: “Doanh nhân mời các quan chức tới một phòng tắm hơi. Các vị khách ra về rất vui vẻ, thoải mái và chẳng có gì trong túi cả. Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa tiền và vật hối lộ”.

Nhưng ở Việt Nam, chính quyền đang nghiêm túc xem xét việc hình sự hóa hối lộ tình dục. Một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên cho biết, đây là “một hành vi phạm tội cần được thảo luận kỹ lưỡng”.

Bợ đỡ quan chức bằng tình dục không còn là điều mới mẻ. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Indonesia,… đều đang đẩy mạnh điều tra các vụ hối lộ tình dục.

Ông Ran cho rằng đây là điều cần phải làm. Hầu hết các nước trên thế giới (ngoại trừ những nước như Somalia và Triều Tiên), đều đã ký kết Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc.

Các nước cần phải cam kết thực hiện những điều luật liên quan đến tham nhũng và điều tra các vụ án đó (Trên thực tế, các nước tham nhũng nhất như Myanmar, Yemen và Nga đã ký một công ước ngụ ý rằng những cam kết đó có thể dễ dàng bị phá vỡ).

Nhưng nhiều nước thậm chí còn không công nhận tình dục là hành vi hối lộ. Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc cấm các nhà chức trách được “trục lợi” hay “gây ảnh hưởng” lên người khác, nhưng lại không hề đề cập đến tình dục.

Điều này khiến các nghị sĩ quyền lực (phần lớn là nam) của các nước được quyết định có cho phép các doanh nhân thế lực “dụ dỗ” họ bằng tình dục hay không.

Quyết định nghiêm túc xem xét hành vi hối lộ tình dục của Việt Nam là một điều đặc biệt ở châu Á. Thậm chí Indonesia - quốc gia có số lượng người dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, có vẻ cũng không sẵn sàng theo đuổi việc này. Năm 2013, một quan chức chống tham nhũng cấp cao của Indonesia đã chua xót nhận xét: “Một hành vi hối lộ cần phải được chứng minh bằng vật cụ thể. Nhưng hối lộ tình dục thì lấy đâu ra vật đó?”

Tuy nhiên, Singapore đã thực hiện một ngoại lệ ở Đông Nam Á khi kết án 5 năm tù giam đối với một doanh nhân vì tội dùng gái mại dâm để hối lộ các trọng tài bóng đá.
 
Tập đoàn dược phẩm khổng lồ GlaxoSmithKline bị điều tra và truy tố
vì tội hối lộ cả tiền mặt và tình dục để tăng doanh số.

Một số tập đoàn phương Tây cũng đã bị cáo buộc có hành vi hối lộ tình dục. Điển hình là vụ tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline bị các nhà chức trách Trung Quốc điều tra và truy tố vì tội hối lộ cả tiền mặt và tình dục cho hàng chục bác sĩ và luật sư để tăng doanh số bán thuốc. Năm 2014, doanh nghiệp này bị phạt vì hành vi hối lộ tiền mặt, nhưng cáo buộc liên quan đến tình dục lại không bị quy kết là phạm tội.

Dù hầu hết các vụ hối lộ tình dục đều liên quan đến gái mại dâm, nhưng ông Ran cho biết, phụ nữ ở một số nước quan liêu nam quyền như châu Á khó có thể chống lại ý muốn của cấp trên trong việc dùng tình dục để đổi lấy thăng tiến.

Ông nói rằng: “Những người phụ nữ này rất thiệt thòi. Đó là xã hội gia trưởng. Nếu một quan chức trong chính phủ đề nghị quan hệ tình dục, tôi không nghĩ họ có thể từ chối mãi được”.

Theo Infonet