Bi hài chuyện "trai thành gái"
Một năm trước, anh T.C.T (ngụ Bến Tre) đưa cậu con trai 13 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) kiểm tra vì nghi ngờ giới tính thực của bé.
Anh cho biết, khi sinh ra, thấy bộ phận sinh dục của bé giống con trai nên làm giấy khai sinh với giới tính nam. Bé lớn lên như một cậu bé bình thường, tuy nhiên thời gian gần đây, thấy bé có những biểu hiện khác lạ nên anh đưa con đi khám.
Các bác sĩ xác định, bệnh nhi không có tinh hoàn, dương vật thực ra chỉ là âm vật nữ phát triển bất thường. Siêu âm thấy bé có buồng trứng, tử cung, âm đạo. Kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể cũng cho thấy bé là nữ.
Bác sĩ xác định đây là trường hợp lưỡng giới giả nữ, bệnh do chứng tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh dẫn đến hormone nam phát triển mạnh khiến bé có những biểu hiện về ngoại hình, tính cách và bộ phận sinh dục gần giống con trai.
Bác sĩ đang kiểm tra một trường hợp sai giới tính tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: H.Y
Một trường hợp khác là bệnh nhi 6 tuổi, được gọi là con gái, mặc trang phục bé gái, để tóc dài, nhưng gần đây, trong một lần tắm cho con, mẹ bé bất ngờ phát hiện bộ phận sinh dục của cháu phình to, có dấu hiệu lạ.
Đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ nhận định bé là con trai, bị dị tật vùng kín, có tinh hoàn ẩn. Bệnh nhi được can thiệp phẫu thuật, đưa bộ phận sinh dục trở về đúng giới tính là bé trai.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện là một trong ba cơ sở tại Việt Nam được Bộ Y tế chấp nhận là nơi có thể xác định lại giới tính cho trẻ.
Với những trẻ có những khiếm khuyết bẩm sinh sẽ được làm các xét nghiệm lâm sàng, chẩn đoán, can thiệp bằng các phương pháp phẫu thuật để xác định lại giới tính.
Đặc biệt, sau khi can thiệp y khoa, những bệnh nhi này tiếp tục được chăm sóc tâm lý. Bệnh viện sẽ có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ liên quan để trẻ sống đúng với giới tính thật của mình cả về mặt pháp lý.
Cần thiết xác định sớm giới tính thực của con từ sớm
Tính từ năm 2013 đến tháng 6/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận 144 hồ sơ yêu cầu xác định lại giới tính.
Đa số trẻ tới xác định lại giới tính có hình dạng bên ngoài là nam giới, tập trung nhiều từ 6-10 tuổi. Trong đó, 105 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính, 9 trường hợp đang chờ xác định, còn lại là hồ sơ không đủ điều kiện.
Theo BS CK2 Phan Tấn Đức – Trưởng khoa Thận Niệu, có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị nhầm lẫn giới tính như nam lưỡng giới giả nữ, nữ lưỡng giới giả nam, lưỡng giới thật, trẻ vừa có buồng trứng vừa có tinh hoàn…
Trong đó, thường thấy nhất là trẻ bị dị dạng đường sinh dục như lỗ tiểu đóng thấp, phì đại âm vật do tăng sản tuyến thượng thận làm cho các nhân viên y tế, thậm chí bác sĩ sản khoa bị nhầm lẫn giới tính ngay khi bé chào đời.
Điều này đã khiến nhiều trẻ phải sống với giới tính sai qua nhiều năm, thậm chí qua tuổi trưởng thành mới phát hiện ra, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cuộc sống, công việc và gia đình.
Vì thế, cần xác định lại giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt, nếu bị dị dạng đường sinh dục, bé có thể can thiệp trong giai đoạn 4-6 tuổi. Một số trường hợp đặc biệt như em bé song tính, lưỡng tính,… cha mẹ cần chờ đợi bé lớn hơn (khoảng 12-15 tuổi), khi bé biết được giới tính thật sự của mình, cha mẹ sẽ cùng bé chọn lựa.
“Cần hiểu rõ xác định lại giới tính thật khác với chuyển đổi giới tính. Một bệnh nhân gửi hồ sơ yêu cầu xác định lại giới tính sẽ được thực hiện các xét nghiệm cần thiết như siêu âm, nội soi, chụp CT, MRI, xét nghiệm nhiễm sắc thể, nội tiết… sau đó mới có kết luận về giới tính. Bệnh viện không có quyền xác định giới tính cho người chuyển giới”, BS Đức nói.
Theo VietNamnet