Đại đô thị Trường An của Trung Quốc có bề dày 3.000 năm lịch sử, từng là kinh đô của 13 triều đại trong lịch sử Trung Hoa. Ngày nay, Trường An còn gọi là thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây.

Dưới triều đại nhà Đường (618-907), Trường An đặc biệt hưng thịnh. Theo tờ People, nơi này từng được xem là kinh đô phát triển phồn vinh nhất trong lịch sử Trung Quốc thời phong kiến, và trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế.

Hơn 1.000 năm trước, thành phố ở Trung Quốc bao nuôi ăn ở cho du khách-1
Thành Trường An với lịch sử 3000 năm, từng là kinh đô của 13 triều đại ở Trung Quốc (Ảnh cắt từ clip).

Khi nhà Đường hưng thịnh, các sứ giả từ nhiều nước có thể không cần làm theo nghi thức quỳ lạy Hoàng đế. Tài liệu cổ ghi chép cho thấy, thành phố thậm chí còn áp dụng chính sách miễn phí ăn ở, đi lại, để người nước ngoài tới sống cùng người dân bản địa.

Chính sách này đã thu hút rất đông người Hồ (tộc người du mục săn bắt tại Trung Á, Tây Á) ở các vùng Trung Á và Tây Á tới Trường An định cư. Và cũng nhờ sự cởi mở này đã tạo nên nét văn hóa vô cùng đa dạng, biến Trường An thành trung tâm văn hóa nhiều quốc gia.

Suốt thời gian dài, Trường An được coi là "thánh địa phương Đông", thu hút nhiều du khách phương Tây tới thám hiểm và tìm hiểu.

Vào thời nhà Đường, Trường An có rất nhiều quý tộc nước ngoài tới sinh sống. Họ ở lại kinh thành để làm quan và được triều đình đón tiếp trọng thị.

Để tiện quản lý, giới quan lại Trường An thời đó đã chia đô thị thành 108 hình chữ nhật, còn gọi là "108 phường". Đây còn là kiểu "quy hoạch hình bàn cờ".

Trong đó, mỗi "phường" là một cụm dân cư. Ngày nay, thành phố Los Angeles (Mỹ) cũng có kiểu quy hoạch này.

Theo bản đồ cổ, con đường Chu Tước chia Trường An thành phía Đông và phía Tây. Khu vực phía Đông là nơi người dân, thương nhân tới buôn bán, chủ yếu là những mặt hàng xa xỉ như gốm sứ cao cấp, mã não ngọc bích hay ngọc trai nhập từ Sri Lanka chuyển tới.

Trong khi đó, phía Tây lại là nơi buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, từ quần áo, thuốc men cho tới sáp nến. Ước tính có hơn 220 ngành nghề kinh doanh ở Trường An vào thời điểm cực thịnh.

Hơn 1.000 năm trước, thành phố ở Trung Quốc bao nuôi ăn ở cho du khách-2
Xưa kia, Trường An được quy hoạch như ô bàn cờ để tiện quản lý (Ảnh cắt từ clip).

Ngoài ra, đô thị còn có vô số cửa hàng ăn uống, tạp kỹ, quán rượu, khu vực biểu diễn… Sự nhộn nhịp của Trường An đã biến nơi này trở thành khu vực tập trung của hàng quán ngon nhất, nhiều mặt hàng nước ngoài cao cấp, tạo nên nét đặc sắc riêng cho văn hóa nhà Đường.

Bên cạnh đó, thời gian hưng thịnh cũng là lúc Trường An sở hữu tới hơn 100 ngôi đền, chùa nổi tiếng. Chùa Cảm Nghiệp được coi là ngôi chùa tiếng tăm nhất, nơi từng đón Hoàng hậu Võ Tắc Thiên xuống tóc đi tu.

Các nhà sử học Trung Quốc đánh giá, nhà Đường là triều đại thực hiện nhiều chính sách mở cửa toàn diện, an lòng dân chúng, giúp xã tắc yên vui. Tuy nhiên, sự hưng thịnh không kéo dài mãi mãi.  

Hơn 1.000 năm trước, thành phố ở Trung Quốc bao nuôi ăn ở cho du khách-3
Trường An là thành phố Tây An ngày nay (Ảnh: CGTN).

Sau này, khi mâu thuẫn trong triều tăng lên khiến nội bộ tranh đấu nhau, tới năm 907, nhà Đường bị lụi tàn. Tới gian đoạn 907-960 là thời "Ngũ Đại Thập Quốc", gồm 5 triệu đại ngắn kế tiếp nhau, rồi mới tới nhà Tống (960-1279).

Theo Dân Trí