Tôi sống cùng mẹ chồng, hay nói chính xác, 2 năm trước, vợ chồng tôi mua được nhà trên thành phố, mẹ chồng nói lên chơi một vài tuần, tiện đi thăm mấy họ hàng trên này. Tuy nhiên sau đó, bà quyết định ở lại đây luôn với lý do, ở quê không hợp với gia đình con trai cả.

Tôi không có ý thoái thác trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già, thế nhưng, vợ chồng tôi vừa vay mượn mua nhà, lại đang phải nuôi con nhỏ nên việc có thêm người trong nhà không phải là điều dễ dàng. Đó cũng là lý do khiến suốt thời gian qua, tôi luôn phải gồng mình lên để lo chi tiêu trong gia đình và đáp ứng những yêu cầu của mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi không phải người quá cay nghiệt hay khó tính nhưng bà lại là người hay để bụng, kể cả những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình. Mỗi lúc tôi làm điều gì đó không vừa ý, mẹ chồng không nói trực tiếp để tôi sửa hoặc rút kinh nghiệm mà thường đi nói với hàng xóm xung quanh.

Hôn nhân rạn nứt vì những yêu sách của mẹ chồng trong lúc bão lũ, ngập lụt-1
Hôn nhân rạn nứt vì mẹ chồng. Ảnh minh họa.

Chính điều này nhiều lúc đẩy tôi vào thế bị mang tiếng mà không biết. Mãi đến khi được nghe lại từ người khác, tôi mới biết trong mắt mẹ chồng, tôi là đứa con dâu vụng về, nhiều thiếu sót như vậy.

Không những thế, dù ở cùng vợ chồng tôi trên thành phố nhưng mẹ chồng rất hay gợi ý tôi đưa tiền cho bà. Rồi mỗi lần nhà tôi về quê, mẹ chồng thường bảo tôi mua rất nhiều quà bánh biếu họ hàng và các cháu trong khi bà thừa biết, kinh tế trong gia đình tôi không hề dư dả gì.

Suốt gần 6 năm kết hôn, trong đó, 2 năm sống chung với mẹ chồng thực sự là quãng thời gian sóng gió đối với cuộc hôn nhân của tôi. Từ ngày mẹ lên sống cùng, chồng tôi không còn quan tâm quá nhiều đến cảm xúc của tôi như trước.

Thay vào đó, anh luôn nhắc tôi phải nấu những món mẹ yêu thích, ăn uống theo khẩu vị của mẹ rồi làm gì cũng phải để ý đến cảm xúc của mẹ, tránh làm mẹ buồn.

Ấm ức hơn cả là mỗi khi giữa tôi và mẹ chồng bất hòa, không đồng nhất ý kiến, chồng không phân xử mà luôn yêu cầu tôi phải là người nhẫn nhịn để cho êm ấm cửa nhà. Điều này cũng khiến vợ chồng tôi nhiều lúc mâu thuẫn, tranh cãi thậm chí là chiến tranh lạnh cả tuần.

Và việc mới xảy ra đang khiến tôi vô cùng bức xúc khi bị mẹ chồng và chồng bắt làm những việc mà bản thân thấy quá vô lý.

Hơn 1 tuần trước, khi nghe thông tin về cơn bão số 3 sắp đổ bộ, mẹ chồng sốt sắng liên tục gọi điện giục tôi từ công ty xin về nhà gấp để đi mua sắm lương thực, thực phẩm dự trữ vì bà đọc báo thấy siêu thị, chợ đều đã "cháy hàng".

Tôi nói nhà vẫn còn nhiều đồ ăn, tan làm sẽ ghé mua thêm ít để dự phòng cho 1-2 ngày bão nhưng mẹ chồng nhất định không nghe. Qua điện thoại, bà mắng tôi nghĩ nông cạn, không biết lo xa, đến lúc bão vào, không đi được đâu thì chỉ có nước chết đói. Cuối cùng, theo yêu cầu của mẹ chồng, tôi đành phải đi mua đồ ăn tích trữ cho cả tuần với giá không hề rẻ.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ngay sau đó vài hôm, khi bão đi qua, nhiều nơi ngập lụt, mẹ chồng lại bắt tôi đi "vét" siêu thị lần 2 trong khi vẫn còn đầy đồ ăn trong tủ lạnh.

Rồi lần này, bà còn yêu cầu tôi đi mua gạo, muối, nước uống, áo phao, bếp gas, đèn, quạt tích điện… trong khi chỗ tôi ở chưa hề có hiện tượng ngập lụt. Đỉnh điểm, mẹ chồng còn bắt tôi xin nghỉ việc ở nhà để dọn hết đồ đạc từ tầng 1 lên tầng 2 vì sợ "đêm đang ngủ, nước tràn vào bất ngờ không kịp phản ứng".

Tôi biết, mẹ chồng lo lắng không phải là sai. Thế nhưng, khu tôi ở vẫn an toàn, chưa bị ngập nên những việc mẹ chồng yêu cầu tôi làm là dư thừa, không cần thiết.

Cũng vì không làm theo lời mẹ chồng mà suốt cả tối hôm qua, gia đình tôi trong tình trạng căng thẳng. Trước mặt chồng tôi, mẹ chồng khóc lóc nói bà một lòng lo cho cả gia đình nhưng con dâu lại hỗn láo, không tôn trọng lời nói của bà. 

Vì vậy, mẹ chồng nói bà không còn lý do gì ở lại. Bà sẽ về quê ở một mình trong căn nhà cũ và giận dỗi nói chúng tôi không cần quan tâm đến bà nữa.

Dĩ nhiên, chồng tôi không cho mẹ về. Anh yêu cầu tôi xin lỗi mẹ và thực hiện theo những gì bà nói. Vì quá ấm ức nên lần này tôi không nhịn nữa. Vậy là giữa tôi và chồng xảy ra tranh cãi và hiện đang chiến tranh lạnh.

Tôi quá mệt mỏi với mẹ chồng, giờ lại đến chồng cũng như vậy. Giờ tôi phải làm thế nào để cuộc sống "dễ thở" hơn đây?

Theo Sức khỏe đời sống