Hiện tại tôi đang ngồi trên taxi để mang vali váy cưới đi trả lại cho cửa hàng. Thế nhưng không phải với tâm thế vui vẻ sau khi đã lên xe hoa về nhà chồng mà là trả lại chiếc váy bỏ tiền triệu ra thuê nhưng không hề mặc lên người lấy một giây một phút nào.

Ngồi trên xe nhìn lại album ảnh cưới đã được chụp trước đó cả tháng, rồi lại nghĩ đến tình cảnh trớ trêu của mình ngay lúc này… Quả thật đến nước mắt tôi cũng không rơi nổi nữa.

Có một tin nhắn vừa gửi đến, nhìn thông báo lóe lên trên màn hình tôi biết được đấy là tin nhắn của chồng mình. À! Đúng hơn thì phải là người suýt thành chồng mình chứ…

Tôi chưa bao giờ nghĩ đám cưới mà mình luôn mơ mộng lại trở thành trò hề mà chẳng có một cô gái nào mong muốn nó sẽ xảy ra cả. Thế nhưng lúc này tôi vẫn phải kiên định và chấp nhận khi mọi chuyện đã chẳng thể cứu vãn nổi nữa.

Tôi và anh yêu nhau gần 7 năm trời. Khoảng thời gian đủ để chúng tôi hiểu nhau cũng phần nào hiểu được gia đình của nhau nhưng cũng chẳng đủ để lường trước tất cả mọi chuyện có thể xảy ra.

Phải cho đến ngày hai bên gia đình ngồi xuống nói chuyện trăm năm của hai đứa với nhau. Tôi lờ mờ nhận ra hôn sự của mình khó lòng mà êm đềm. Mọi chuyện bắt đầu từ việc ông bà thông gia liên tục gọi bố mẹ tôi là “cô, chú” rồi xưng “anh, chị”.

Có lẽ với lứa trẻ bây giờ chuyện xưng hô không quá hệ trọng, chính bản thân tôi cũng không hề nhận ra vấn đề gì nếu như sau khi nhà trai về bố tôi không gọi tôi vào và nói gia đình nhà họ không tôn trọng nhà mình.

Bởi lẽ hai bên thông gia đáng ra bằng vai phải lứa với nhau thì họ lại cố tình muốn “trên cơ” nhà mình.

Hôn sự của tôi tan tành mây khói vì đĩa phở xào ngày dạm ngõ-1

Tôi có ý nhị nói với anh chuyện này nhưng cho dù anh đã có nhắc nhở thì đến ngày dạm ngõ, bố mẹ anh vẫn giữ nguyên cách xưng hô này với gia đình tôi.

Bà nội tôi vốn là người rất khó tính, ngày hôm đó bà đã có hành động “đáp trả” bằng cách liên tục xoáy vào việc kinh tế gia đình anh không bằng gia đình tôi.

Đến bữa cơm, bà cẩn thận làm rất nhiều món ăn để thiết đãi nhà trai. Thế nhưng khi ngồi vào mâm, bà lại đủng đỉnh nói một câu khiến cho tất cả mọi người đều không muốn động đũa nữa.

- Anh chị ăn đi này, phở xào này là cao lương mĩ vị. Chắc nhà anh chị chưa được ăn bao giờ đâu nhỉ?

Tôi nhìn thái độ của bà nội là đủ hiểu bà cố tình, mục đích chắc hẳn là để “dằn mặt” nhà trai vì chuyện xưng hô kia. Thế nhưng bà là bậc tiền bối, cháu chắt như tôi làm sao dám ý kiến gì cơ chứ.

Sau ngày dạm ngõ đó thì quan hệ hai bên gia đình thật sự rất căng thẳng. Bố mẹ anh càng ngày càng không ưa nhà tôi và nhà tôi thì cũng chẳng khá khẩm gì hơn.

Cuối cùng, sự căng thẳng ấy lan đến hai đứa chúng tôi, trước ngày ăn hỏi và ngày cưới tôi và anh gần như lúc nào cũng cãi vã và không thể tìm được tiếng nói chung.

Ngày ăn hỏi đã trôi qua chẳng vui vẻ gì. Thế nhưng kinh khủng hơn là đến ngày cưới của tôi thì chỉ thấy mẹ chồng đến đón dâu còn ngoài ra không có một ai, kể cả là chú rể. Lý do nhà thông gia đưa ra là tập tục vùng miền của họ như vậy.

Thôi thì cứ coi mỗi nơi một lề lối thế nhưng vì sao gia đình bên đó lại không thông báo tình hình trước với nhà tôi.

Thậm chí ngay cả anh cũng không thể nhắn cho tôi một lời. Để rồi bắt nhà tôi rơi vào cái thế đã rồi, làm gì có ai cưới xin mà không có chú rể cơ chứ?

Lần này thì cả nhà tôi quyết định lành làm gáo, vỡ thì thôi vứt đi! Từ bà nội đến bố mẹ tôi đều không đồng ý cho đón dâu và đôi bên đã xảy ra cãi cọ to tiếng. Vậy là cái ngày tưởng chừng như vui nhất đời tôi lại trở thành ngày tôi không muốn nhớ nhất trong đời.

Tôi và anh sau đó cũng chẳng thể có nổi một cuộc nói chuyện nào tử tế, như vậy cũng đủ để biết chúng tôi có lẽ phải dừng lại rồi…

Theo Phụ nữ Việt Nam