- Chặng đường từ Mỹ về Việt Nam của chị thế nào?
Đó thực sự là một chặng đường dài. Tôi và các con ngồi máy bay 14 tiếng mới về đến Việt Nam vào đêm 27/7. Chúng tôi mất cả đêm để hoàn thành các thủ tục khai báo y tế, bốc dỡ hành lý, phun khử trùng, hải quan... với bộ đồ bảo hộ trên người.
Chuyến bay dài cộng với cảm giác bức bí khi mặc đồ bảo hộ giữa trời nóng suốt nhiều tiếng đồng hồ khiến Tôm và Tép mệt mỏi. Một mình tôi phải lo cho hai đứa con cộng với rất nhiều hành lý nên cũng không hề dễ dàng.
Hơn 200 hành khách trong chuyến bay ấy được chia làm ba đoàn, trong đó hai đoàn đi cách ly tại khách sạn và hai đoàn về doanh trại quân đội. Tôi và các con nằm trong danh sách 39 người được phân về doanh trại quân đội của Trung đoàn 244 (Uông Bí - Quảng Ninh). Tôi không để ý mình về đến phòng lúc mấy giờ mà chỉ nhớ lúc đó đã trời đã gần sáng.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho các con từ trước nhưng khi trải qua, tất cả vẫn không thể tránh khỏi cảm giác mệt mỏi. Thế nhưng, con trai chính là chỗ dựa cho tôi những lúc khó khăn.
Thấy mẹ mệt, Tôm cứ liên tục nói: "Mẹ phải nhìn vào mặt tốt". Tôi hỏi: "Mặt tốt là như thế nào?", thì cậu bảo: "Mẹ mong về nhà lắm cơ mà. Bây giờ mình sắp về đến nơi rồi".
Hồng Nhung và hai con Tôm, Tép mặc đồ bảo hộ khi về Việt Nam.
- Hai bé Tôm - Tép nhà chị thích nghi với cuộc sống cách ly ở doanh trại quân đội ra sao?
Nhận phòng khi trời đã gần sáng, sau một ngày dài như thế nên trẻ con như cái lá héo. Lần đầu tiên đến một doanh trại quân đội cộng với cảm giác mệt mỏi sau chuyến đi dài khiến các con thấy lạ lẫm. Thế nhưng, hai bé vẫn giúp mẹ soạn vali để mang vào phòng.
Cậu cả Tôm còn nói với tôi bằng tiếng Anh: "We need to use everything we have to survive" (Chúng ta phải dùng tất cả những gì mình có để sống sót). Qua vài ngày ở đây, tôi thấy các cháu thay đổi nhanh chóng, dần thích nghi tốt hơn với cuộc sống cách ly tập trung.
- Theo chị, đâu là lý do cho sự thay đổi đó ở Tôm và Tép?
Tôi không hiểu các chú bộ đội trong doanh trại ở đâu khi đã nhường phòng cho mình. Đi cách ly ở doanh trại quân đội thì tất nhiên thì tất nhiên không thể tiện nghi như ở nhà nhưng để mình được như thế này, chắc chắn đã có rất nhiều người phải hy sinh, vất vả.
Qua chuyện ấy, tôi dạy các con rằng cái gì được nhận dù ở mức độ nào thì cũng phải do người khác hy sinh chứ không tự nhiên mà có. Nghe vậy, Tôm - Tép tự nhiên ngoan hẳn lên, nghe lời hơn và còn tự động làm một số việc.
Mẹ con tôi được giúp đỡ rất nhiều khi cách ly tập trung tại đây. Trước hết là chú Trung đoàn trưởng rất quan tâm đến trẻ em nên cũng dành cho chúng tôi sự ưu tiên, ưu ái nhất định. Bên cạnh đó còn có một cô rất xinh đẹp tên Thắm phụ trách đoàn cực kỳ quan tâm đến Tôm và Tép.
Thấy phòng có trẻ em nên chỉ cần tôi nhờ gì là cô sẽ hỗ trợ ngay. Các chú bộ đội biết tôi là ca sĩ Hồng Nhung nên cũng rất quý mến. Những người trong đoàn cách ly dù không quen biết cũng dành sự quan tâm cho mẹ con tôi.
Thấy tôi một mình cùng hai con xếp hàng, họ vẫy vẫy hỏi số phòng rồi lặng lẽ mang bánh trái để trước cửa. Vì không được gặp nhau nên họ chỉ gõ cửa rồi rời đi. Tình cảm của mọi người nơi đây khiến tôi rớm nước mắt vì cảm động.
- Cách ly tập trung ở doanh trại quân đội phòng Covid-19 khiến chị nhận ra điều gì?
Khi ở Mỹ, tôi đã tìm hiểu nhiều về việc cách ly tập trung và cứ nghĩ rằng khi về nước, mình có thể được chọn phương án cách ly trả phí ở khách sạn. Thế nhưng, chuyến bay này không áp dụng chính sách đó và ai được phân đi đâu thì phải đi đấy.
Hai ngày đầu, tôi gần như không ăn không ngủ được bởi vì quá lo khi một nách hai đứa trẻ và suy nghĩ chắc ai cũng phải lo thân người ta, đâu có thời gian giúp mình.
Thế nhưng, sự quan tâm và tình cảm của chú Trung đoàn trưởng, cô Thắm, các chú bộ đội và nhiều người trong đoàn dành cho hai đứa trẻ con đã khiến tôi thấy mình thật may mắn khi đến đây. Được như vậy với tôi là quá sướng rồi. Ở trong khó khăn mới thấy tình người thật lớn lao.
Bây giờ tôi thấy cách ly tập trung ở doanh trại quân đội còn sướng hơn ở khách sạn. Nếu như ở khách sạn, chúng tôi sẽ phải ở trong phòng suốt 14 ngày, chỉ được mở cửa mỗi lúc nhận cơm để sẵn ở hành lang thì ở đây, chỉ cần mở cửa là đã thấy núi đồi, cây cối và tận hưởng không khí đồng quê thoáng mát.
Điều kiện vật chất thì tất nhiên là ở doanh trại quân đội không thể bằng khách sạn được nhưng tình cảm mà ba mẹ con nhận được nơi đây khiến tôi thấy ấm lòng.
Bé Tép ăn ngon lành suất cơm được phát cho 3 mẹ con ở khu cách ly tập trung. Ảnh: H.N.
- Cuộc sống mấy hôm nay của chị và hai con ở khu cách ly tập trung diễn ra như thế nào?
Hôm nay tôi mới có chút thời gian rảnh rang chứ hai hôm đầu chỉ suốt ngày thu dọn, cọ rửa, sửa soạn đồ đạc cho các con thôi. Ban đầu, ba mẹ con tôi được phân cho một căn phòng không có ban công nhưng chỉ huy của doanh trại thấy thương các cháu nhỏ nên đã cho chuyển sang một căn phòng thoáng mát hơn.
Sau khi cọ sạch căn phòng đầu tiên, tôi chuyển đi và lại tiếp tục cọ sạch căn thứ hai. Mất ngủ vì chưa quen với múi giờ mới nên nửa đêm tôi cũng dậy lau nhà.
Sàn nhà sạch bong nên Tôm, Tép giờ có thể thoải mái lăn lê bò toài trong phòng rồi. Con gái còn trêu, giờ mới phát hiện ra mẹ mắc bệnh quá sạch sẽ (cười).
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi được yêu cầu ai ở phòng nào biết phòng nấy, không được trò chuyện hay gặp gỡ. Một ngày ba bữa, các chú bộ đội mang cơm để trước cửa tất cả các phòng rồi thổi còi báo mọi người ra nhận.
Khu chúng tôi ở có một cái hành lang đi xuống cầu thang là đến khu đổ rác ngăn cách với bên ngoài. Có một tin vui là cả 39 người trong đoàn đều đã âm tính lần một với nCoV. Vì thế, chúng tôi hy vọng mấy ngày tới có thể xuống sân đi bộ một chút cho thoáng.
- Thế còn điều kiện vật chất thì sao?
Tôi chưa nhận tiếp tế từ gia đình nhưng ở đây cũng chẳng thiếu gì. Các cô chú xung quanh cho đủ thứ, từ trái cây, ấm đun nước, giấy ăn... Chúng tôi hay được cho các loại đặc sản, thích lắm.
Ai chẳng muốn chỗ tiện nghi tốt đẹp hơn nhưng đây cũng là dịp trải nghiệm tốt với trẻ em. Những ngày ở đây, tôi dạy được cho con nhiều thứ, đặc biệt là tình người dành cho nhau đáng quý thế nào. Cùng hai con đi cách ly tập trung ở doanh trại quân đội giờ đây cũng là điều khiến tôi có chút tự hào.
Bé Tép, con gái của Hồng Nhung, kéo rác đi đổ.
- Các con chị nói gì về cuộc sống ở doanh trại quân đội?
Trước khi về nước, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho các con về cuộc sống nơi cách ly tập trung. Tôi bảo con ở một số nơi, mọi người phải ở ghép 6-8 người một phòng.
Vì thế, khi thấy ba mẹ con được ở phòng riêng, cái gì cũng đầy đủ và được mọi người giúp đỡ, liên tục cho đồ ăn thì cậu cả Tôm thường bảo "đây là cách ly 5 sao đấy mẹ ạ". Cả hai bạn chẳng những không khóc lóc hay kêu ca gì cả mà còn tỏ ra hiểu chuyện, nói nhiều câu động viên mẹ.
Tôm và Tép thích nhất là đi đổ rác vì đó là cơ hội duy nhất được ra khỏi phòng ngắm núi đồi, bãi cỏ to có nhiều bò. Ngày hai lần, hai anh em chia nhau làm.
Có lần Tép nhận nhiệm vụ đổ rác nhưng đến giữa cầu thang thì túi bị bục nên chạy ngược trở lại gọi ông anh ra cứu trợ. Hai đứa giúp nhau mang túi khác ra, nhặt hết rác rồi cho vào để mang đi.
- Thế còn chị Hồng Nhung thì sao?
Không ai thích khổ cả, nhưng đấy là việc mình phải làm và mình không nên chỉ nghĩ đến bản thân. Xác định được tinh thần như vậy, mọi chuyện đều tốt đẹp hơn. Trẻ con còn không khóc thì mình kêu gì bây giờ (cười).
- Chị mong đợi điều gì sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly?
Tất cả các show diễn của tôi trong tháng 8 đều bị hoãn hoặc hủy hết rồi. Tôi hơi tiếc nuối vì đã mong đợi rất lâu để được hát nhưng không sao cả, rồi mọi chuyện sẽ tốt cả thôi.
Theo Ngoisao.net