Mới đây, nghệ sĩ Hứa Minh Đạt chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình trên mạng xã hội. Cụ thể, nghệ sĩ Hứa Minh Đạt cho biết bị một nam thanh niên gọi điện thoại thông báo con trai bị ngã cầu thang, đang phải cấp cứu và cần anh chuyển khoản tiền ngay lập tức.

Hứa Minh Đạt: Tôi bị gọi điện lừa con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp-1
Nghệ sĩ Hứa Minh Đạt chia sẻ trên mạng xã hội.

"Các bậc phụ huynh cần cảnh giác nha. Có một người nam thanh niên điện thoại cho mình nói là con trai bị té cầu thang và đang cấp cứu. Nói mình chuyển khoản gấp để lo cho bé", Hứa Minh Đạt chia sẻ.

Tuy nhiên, nam diễn viên đã bình tĩnh hỏi lại người đàn ông này về trường học của con trai để xác nhận thông tin. Kẻ lừa đảo liền trả lời vòng vo bé học ở trường cũ cách đây mấy năm trước. Sau đó, người này đã tắt và khoá máy ngay khi Hứa Minh Đạt nói gọi công an tới đưa tiền mặt.

Hứa Minh Đạt: Tôi bị gọi điện lừa con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp-2
Gia đình Hứa Minh Đạt - Lâm Vĩ Dạ.

Nam diễn viên tiết lộ ban đầu định không chia sẻ nhưng thấy cần phải cảnh báo đến các bậc cha mẹ để mọi người cảnh giác.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh cũng hoang mang khi nhận liên tiếp các cuộc gọi lừa đảo, nội dung cho biết con của họ đang bị tai nạn và yêu cầu các phụ huynh phải chuyển tiền gấp để lo cho con.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này rất tinh vi. Chúng thường tự xưng là giáo viên của trường, hoặc người làm việc trong phòng y tế, nhân viên thu ngân của bệnh viện...

Sau đó chúng sẽ bịa đặt vụ việc con em nhà phụ huynh đó đang bị tai nạn, cần cấp cứu nhưng không đủ viện phí. Với giọng nói gấp gáp, thúc giục, chúng đánh thẳng vào tâm lý phụ huynh lo lắng cho con mà vội vã chuyển tiền.

Rất nhiều phụ huynh đã bị lừa một số tiền lớn từ 20 triệu đến 200 triệu đồng.

Hứa Minh Đạt: Tôi bị gọi điện lừa con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp-3

Chính vì vậy, khi gặp các cuộc gọi với nội dung tương tự, phụ huynh cần:

- Bình tĩnh để xác nhận lại thông tin. Nếu bé đang học ở trường thì cha mẹ có thể gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm của em hoặc giáo viên phụ trách, quản lý tại trường...

- Hỏi ngược lại kẻ gian đó một số thông tin để xác nhận lại, ví dụ như bắt kẻ đó cung cấp hình ảnh của con đang nằm viện, hỏi con học trường gì, mặc quần áo thế nào... Càng nhiều thông tin càng tốt, bởi kẻ lừa đảo chắc chắn sẽ chột dạ và để lại sơ hở.

- Không vội vàng chuyển tiền khi chưa biết chính xác con mình có bị tai nạn hay không.

- Cha mẹ cần dạy con biết cách từ chối người lạ, tốt nhất không leo lên xe, không đi nhờ bất kỳ ai trừ khi được bố mẹ dặn trước. Khi con cảm thấy nguy hiểm, cần đến thật nhanh những nơi đông người, la hét to hoặc cầu cứu người đi đường khác.

- Luôn cảnh giác với những lời xin xỏ, đề nghị được giúp đỡ, nhất là những đoạn đường vắng, không có người qua lại. Bởi có rất nhiều kẻ gian thường lợi dụng lòng tốt của người khác.

- Không cung cấp thông tin của con, gia đình rộng rãi trên mạng xã hội tránh để kẻ gian lợi dụng.

- Không nhận đồ từ người lạ và cũng dạy con không nên tự ý nhận đồ của người mình không quen biết.

Theo Gia đình Việt Nam