Hương Tràm: 'Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học'

Rút khỏi ánh hào quang, rời Việt Nam, Hương Tràm quyết “hàn gắn” chính mình sau chuỗi năm tháng miệt mài vì nghệ thuật, để lại đằng sau đó những câu chuyện chưa từng được bật mí.

Một cuộc điện thoại dài từ xứ cờ hoa xa xôi, Hương Tràm chia sẻ những mảng màu rất khác của giấc mơ ca sĩ.

Chứng kiến Tràm trưởng thành từ những ngày đầu tiên đó, hôm nay, vẫn là cái giọng đầy hứng khởi, nhiệt tâm, cô tỉ tê thật nhiều về hành trình đã qua giữa khoảng thời gian nghỉ ngơi tại Mỹ. Màn đêm dễ khiến người ta trút ra những điều thành thật nhất.

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-1

- Điều gì trong suốt năm tháng bảo vệ và theo đuổi giấc mơ khiến Tràm còn nhớ mãi?

Tôi tranh cãi nhiều với gia đình về quyết định “đầu quân” tuổi trẻ của mình cho âm nhạc, dành cả thanh xuân theo đuổi ánh đèn sân khấu. Thật khó để diễn tả cho những người thân thương nhất hiểu về ngọn lửa đam mê cháy bỏng, định hình chắc chắn trong lòng của đứa trẻ 16 tuổi là tôi khi đó. Hoàng tử thì tôi chưa có, nhưng tôi có một ước mơ lớn để chăm chút như một “người tình”.

- Với Hương Tràm, thời điểm này âm nhạc là gì? 

Là một người tình mà mình nhất mực chung thủy! Chỉ có những kẻ mộng mơ, ôm trong lòng một giấc mơ lớn mới thấu hết nỗi chông chênh giữa những lần lựa chọn, áp lực khủng khiếp từ nhiều phía và từ chính mình.

Tôi như chơi một ván cược tuổi trẻ, dốc cạn vào ước mơ ca sĩ đó, mà có khi sẽ ra về tay trắng. Hỉ, nộ, ái, ố trong suốt hành trình theo đuổi một giấc mơ, với tôi, cũng khắc khoải, cũng bất an, đầy thử thách như theo đuổi một tình yêu nam nữ.

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-2
Khán giả khó quên hình ảnh Hương Tràm cống hiến trên sân khấu, trước khi sang Mỹ du học. 

- Bắt đầu hành trình âm nhạc, bí mật nào đến giờ mà Tràm chưa từng chia sẻ với khán giả?

Là con gái rượu, nhưng lớn lên từ “đòn roi” nghiêm khắc của bố, chuyện tôi ôm mộng ngôi sao là một việc thật… tày đình, nếu vì giấc mơ này mà học hành dang dở thì còn khủng khiếp hơn.

Dẫu vậy, tôi vẫn liều. Ngay mùa hè vào cấp ba, tôi cố tình chểnh mảng việc học, để thi trượt trường điểm. Đây là cách duy nhất để tôi được bố mẹ cho ra Hà Nội thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia. Thế mà không hiểu sao, “Thị Tràm” vẫn thừa 2 điểm vào trường điểm. Đúng là “học tài thi phận”, nhưng phận tôi bỗng dưng… tốt quá đáng để có thể thi trượt.

- Và Tràm đã tìm ra “chiêu” nào mới để chạm tay đến giấc mơ của mình?

Tôi đi thi The Voice, có cho mình tấm vé vàng đầu tiên, với động lực có được từ một người chị lớn…

- Người chị lớn mà Tràm nhắc đến, đó là ai?

Chị Diệp Chi - MC của chương trình Điều ước thứ bảy, một phần “chìa khóa” cho giấc mơ The Voice của Hương Tràm nhưng tôi chưa từng nhắc đến.

Tôi nhớ mãi hình ảnh của chị năm 18 tuổi, bước lên xe đi thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền rồi trở thành nữ MC duyên dáng của một loạt chương trình nổi tiếng. Hình ảnh lấp lánh ấy truyền cho tôi biết bao động lực, nhưng cũng tự thấy mình quá nhỏ bé, chơ vơ với giấc mộng trong tim.

Tôi ôm vào lòng một ước mơ lớn đến mức vượt khỏi lồng ngực mình, có lúc như quả bóng căng “nổ tung” bất cứ khi nào, nhưng cũng như chiếc lò xo nén đến vô cùng, tôi tự hỏi: Đến bao giờ mình đủ mạnh để bật lò xo này phóng một bước thật xa đến giấc mơ như cách mà chị Chi đã làm.

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-3
Hương Tràm và thần tượng của mình - MC Diệp Chi.

- Thật bất ngờ khi Hương Tràm – một người trong giấc mơ của nhiều người, cũng có cho mình một thần tượng như thế?

Đúng vậy, tôi và chị là hai đứa trẻ lớn lên cùng nhau tại miền quê Nghệ An trong hai gia đình gần như… đối lập. Bố cô chị là quan võ, còn bố của “Thị Tràm” là quan văn, đều là hai người cha đức độ, tài năng nức danh một vùng. Không ruột rà, nhưng yêu thương nhau như người một nhà, tuổi thơ hai nàng công chúa vui chơi, ca hát rồi lớn lên cùng nhau.

Không một người bố nào muốn đặt lên vai con gái áp lực lớn, vì kỳ tích nào cũng tạo ra từ rất nhiều vất vả. Người trấn an con bằng chữ nghĩa, còn bố tôi thì thậm chí dùng đòn roi. Nhưng chúng tôi, vẫn đi ngược con đường nhung lụa đó, chọn cho mình hào quang và chấp nhận “cuộc chơi” đầy chông gai.

Kẻ ôm mộng như tôi khi nhìn lên bầu trời qua khung cửa sổ, không thấy gì ngoài 7 sắc cầu vồng chạy khóa son và những nốt nhạc. Tôi còn nhìn thấy trên đó cả hai người cha yêu dấu và chị Diệp Chi của Điều ước thứ bảy.

- Và nghệ thuật đã không phụ cả hai chị em?

Thật may mắn là thế. Giờ đã là một Diệp Chi của Điều ước thứ bảy, một Hương Tràm “em gái mưa”, dõi theo nhau trên từng chặng đường mới với thật nhiều thử thách.

Nhìn thấy nhau thành công qua bao thăng trầm tuổi trẻ, tôi hạnh phúc. Có lẽ giữa bộn bề cuộc sống, cảm nhận hạnh phúc của người trẻ cũng gọn gàng, gấp gáp hơn, nhưng thành công này dạy cho tôi một điều: Phụ nữ hay đàn ông cũng vậy, muốn thành công thì đàn nào cũng vất vả, công bằng lạnh băng.

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-4

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-5

- Tài năng, nổi tiếng, thành công, còn điều gì mà Tràm khao khát đạt được?

Rốt cuộc, tôi chẳng phải thiên thần, nhưng tin chắc mãi là nàng công chúa nhỏ của bố, rồi cũng tự “bẻ gãy đôi cánh” bảo bọc của gia đình, để được sống, được thở, được hiện thực hóa giấc mơ của đời mình. Tôi không cần cánh để bay lên bầu trời, vì có một bầu trời ngự trị nơi lồng ngực trái – tim tôi, đó chính là khao khát trở thành người cống hiến, chứ không chỉ là người nổi tiếng đơn thuần.

- Phụ nữ hay đàn ông cũng vậy, muốn thành công thì đàn nào cũng vất vả, công bằng lạnh băng. Nghe có một chút… than thân không, Hương Tràm?

Thật vậy. Tôi cứ ước mình có sức khỏe như một người đàn ông, để cáng đáng được mọi việc, nhưng ông Trời không cho ai tất cả.

Nhìn tôi và chị Diệp Chi ngày hôm nay, ánh hào quang lấp lánh đôi khi khiến mọi người lầm tưởng, ao ước, nhưng quên đi một cái giá đắt phải trả. Chúng tôi thậm chí chẳng có thời gian để khóc cho phận mình...

Chọn gạt bỏ nhanh vì thời gian không chờ đợi, có thể những cô gái như chúng tôi không có thời gian để buồn, kể cả cho những điều tổn thương lớn trong cuộc đời mình bởi, mỗi ngày già đi thì quỹ thơi gian để đem lại nguồn vui cho mọi người lại cạn bớt.

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-6

- Vậy tổn thương lớn mà Hương Tràm nhắc đến, đó là gì?

“No pain no gain” – Không đớn đau, không thành tựu, dẫu là thế, tôi vẫn khó tránh cảm giác đau lòng, khi ngồi ở ghế giám khảo các cuộc thi và phải nói thực sự về con đường và định hướng của các bạn trẻ.

Có những lúc thật khó khăn khi nói ra nhưng rồi vẫn phải làm, mình thật sự phải đứng giữa ranh giới của việc bảo vệ các bạn và bảo vệ nghề nghiệp, ở phía nào mọi sự cũng như là bão lòng, nói gì trước dư luận cũng thành… trật.

Bản lĩnh của những tài năng trẻ bây giờ cũng là điều tôi ngưỡng mộ, suy cho cùng, tôi không phải là người thầy mà chỉ là người định hướng, mong các bạn vượt qua chính gã khổng lồ đang lớn lên bên trong mình.

- Con người sẽ có ba lần trưởng thành: Lần đầu tiên là khi phát hiện bản thân không phải là trung tâm của vũ trụ, lần thứ hai là khi phát hiện cho dù có nỗ lực đến thế nào đi nữa, thì vẫn có một số chuyện khiến bản thân bất lực, lần thứ ba là khi biết một số chuyện bản thân bất lực nhưng vẫn phải cố gắng để giành lấy. Tràm đang ở giai đoạn nào của tuổi trưởng thành?

Đó là giai đoạn thứ ba, khi “trầy da tróc vẩy” vượt qua hai giai đoạn đầu, thứ cuối cùng tôi cố gắng để giành lấy là sức khỏe, để cống hiến như những người đàn ông. Khao khát sự công bằng, rằng phụ nữ vừa có thể sinh con, lo lắng được cho mọi người, hoàn thành mọi cột mốc sự nghiệp nhưng vẫn có sức khỏe, tôi không làm được điều này.

Tôi kiệt sức trước khi dừng lại công việc, để sang Mỹ. Cơ thể tôi như chiếc điện thoại cạn pin, tôi cố nấn ná đến vạch đỏ cuối cùng, đến lúc “sập nguồn” mới chịu rời đi để “hàn gắn” chính mình, từ sức khỏe đến tâm lý, tinh thần.

- Khoảnh khắc nào khiến Hương Tràm nhận ra sự cô độc, khắc nghiệt của tuổi trưởng thành?

Đó là lúc tôi biết có những người đi tạo niềm vui cho người khác thì lại chẳng được chọn niềm vui cho riêng mình, càng khó để chia sẻ thẳng thắn với khán giả mọi điều, như tôi.

Đến cuối cùng, chúng tôi muốn trở thành người cống hiến thực sự, tạo ra những giá trị tốt nhất cho đời, chứ không chỉ là người nổi tiếng.

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-7

- Cuộc sống bên Mỹ như thế nào? Điều gì thú vị nhất nơi này?

Cuộc sống bây giờ của tôi có rất nhiều điều mới để tập, đôi lúc mình cũng lo lắng nhưng chưa bao giờ hối hận. Thực ra, tôi từng rất nhạy cảm và tự ti. Tôi biết việc mình bỏ đi đã khiến nhiều người hâm mộ buồn, làm gia đình mình lo lắng nhưng cuối cùng tôi đã dám đối diện với bản ngã và những nỗi sợ thẳm sâu trong mình.

Điều khác biệt đầu tiên tôi có được chính là sự tích cực cố gắng. Tôi học mỗi ngày, tự lập trong mọi thứ. Bây giờ, tôi làm mọi thứ từ A đến Z. Tôi trưởng thành hơn rất nhiều và điều này kỳ thực được quyết định bởi chính… Hương Tràm. Đôi khi âm nhạc cũng là thứ giúp tôi định hướng giữa mông lung, luôn có giá trị thức tỉnh.

- Cuối cùng, diện mạo mà Hương Tràm mong muốn nhất ở chính mình khi trở về Việt Nam là gì? 

Tôi có đi xa đến mấy thì vẫn luôn không quên mục đích của mình khi xuất phát, đó là âm nhạc. Âm nhạc là điều tôi theo đuổi chứ không phải là thứ bậc hay cát-xê khủng.

Tôi nghĩ nhiều về tâm thế ngày trở về ấy, cũng có chút sợ hãi và hoang mang nhưng chắc chắn là đầy cảm xúc chứ không lạc lõng như khi vừa bước xuống sân khấu trong vài năm nay...

Đôi lúc tôi nghĩ về ngày mình đã vượt qua mọi sự chông chênh trong cuộc sống như một cách tự kỷ ám thị để não bộ tìm cách giải quyết. Bây giờ, tôi chưa nghĩ về ngày đó vội để toàn bộ năng lượng của mình được giải phóng. Nghệ sĩ mà đòi an toàn, thì tôi nghĩ đã đến lúc nghỉ hưu hoặc chuyển hướng sang nghề khác. Tôi không tìm kiếm sự an toàn, mà là tìm hiểu lại chính mình. 

Tôi muốn sống bằng trái tim, thay vì là lý trí, vì dù đầy bất an nhưng tôi tin con đường của trái tim mới là con đường can đảm, thành thật nhất. 

Hương Tràm: Không hối hận vì dừng ca hát sang Mỹ du học-8

Theo Zing


Hương Tràm

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao