IS đe dọa dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt, châu Âu "thấp thỏm" lo sợ

Các nước châu Âu đang lo sợ trước mối đe dọa IS dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt, giới chuyên gia Mỹ nhấn mạnh cách duy nhất để đập tan IS là ngăn dòng tiền tài trợ và các chiến binh đầu quân cho nhóm khủng bố này.

Trong bản báo cáo trình lên Quốc hội châu Âu sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris hôm 13/11 cướp đi sinh mạng của 130 người, nhà phân tích chính trị Beatrix Immenkamp cho rằng Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên cần chuẩn bị sẵn cho khả năng bị IS dùng vũ khí hóa học và sinh học tấn công. 

Sputnik đưa tin ông Immenkamp nhấn mạnh "kế hoạch của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt vốn bị cộng đồng quốc tế cấm, trong các vụ tấn công tương lai". 

 
IS âm mưu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tấn công châu Âu và mở rộng mạng lưới khủng bố toàn cầu. 

Cụ thể, lực lượng khủng bố đã chiêu mộ hàng loạt nhà khoa học và đánh cắp nhiều loại vũ khí hóa học và sinh học ở châu Âu. Do đó, khả năng IS sẽ sử dụng bom hạt nhân, vũ khí sinh học hoặc hóa học trong các cuộc tấn công sắp tới. Với mục tiêu tấn công phương Tây, nhiều báo cáo cho biết IS đã tiến hành hơn 150 vụ buôn bán hạt nhân bất hợp pháp mỗi năm. 

Các cơ quan tình báo cũng đã nhiều lần đưa ra lời cảnh báo về đe dọa an ninh liên quan tới việc những tay súng khủng bố IS "vốn là chuyên gia trong lĩnh vực hóa học, sinh học và hạt nhân", quay trở về quê hương.  

Kể từ tháng 10 năm nay, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công khủng bố ở Ankara, bán đảo Sinai của Ai Cập, Beirut, Paris và Tunis, khiến hơn 500 người thiệt mạng.

Trong đó, vụ tấn công khủng bố bất ngờ ở thủ đô Paris hôm 13/11 cho thấy IS đang âm mưu thực hiện nhiều vụ tấn công khác ở các thành phố khắp châu Âu. Thậm chí, IS còn ra tuyên bố tiến hành thêm các cuộc tấn công với quy mô thảm khốc hơn bao giờ hết. 

Cách nào ngăn IS mở rộng mạng lưới toàn cầu?

Theo hai chuyên gia người Mỹ Benjamin Bahney và Patrick B. Johnston thuộc tổ chức phi chính phủ RAND Corporation, cách duy nhất để đập tan âm mưu IS mở rộng tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu, Mỹ và các đồng minh cần tập trung vào nghiên cứu cắt đứt nguồn tài chính hỗ trợ cũng như ngăn dòng chiến binh nước ngoài tới đầu quân cho tổ chức khủng bố khét tiếng này. 

"Đầu tiên, Mỹ và các quốc gia đồng minh cần có thêm sáng kiến mới để cắt đứt nguồn lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động buôn bán phi pháp của IS ở Iraq và Syria. Ngoài nỗ lực cô lập các nhà tài trợ lắm tiền chuyển tiền cho IS, Washington và các đồng minh có thể ngăn hoạt động của IS ở các nước khác bằng cách xác định và trừng phạt những cá nhân giúp nhóm khủng bố hoạt động ở nước ngoài hoặc những tổ chức cung cấp thiết bị và chuyên gia hỗ trợ IS vận hành các mỏ khai thác dầu mỏ", hai nhà nghiên cứu Bahney và Johnston chia sẻ trên tạp chí The National Interest.

 
Việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được xem là trọng tâm chiến lược hoạt động của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. 

Thứ hai, Mỹ và các đồng minh nên "có thêm những hành động" ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài tiến tới lãnh thổ Syria và Iraq. Hành động này sẽ cần các bên "tăng cường khả năng chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp bảo vệ biên giới và tấn công mạng lưới truyền thông của IS vốn dùng để chiêu mộ các tay súng nước ngoài". 

Song theo hai chuyên gia Mỹ, "những bước tiến ngắn hạn này" vẫn chưa đủ sức ngăn chặn mối đe dọa an ninh từ IS. Do đó, về lâu dài, các bên cần tăng cường hoạt động hỗ trợ an ninh và ngoại giao thiết thực hơn.  

Trong khi IS có những động thái đe dọa chính phủ Iraq và Syria, cuộc chiến chống IS có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính phủ hai nước cùng nhượng bộ cộng đồng người Sunni. 

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong các cuộc thảo luận vẫn là sự phân chia quyền lực ở Syria. Cụ thể, chuyên gia nghiên cứu cấp cao James Dobbins tại tổ chức RAND Corporation đã nhiều lần nhấn mạnh sự phân chia quyền lực ở Syria là điều kiện đầu tiên được đưa ra trong mọi cuộc bàn thảo nhằm đập tan mạng lưới khủng bố IS. 

Cũng theo ông Dobbins, mọi vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Syria và quân đội Ả Rập Syria nên được giải quyết thông qua một hiệp ước ngừng bắn. Ngoài ra những lực lượng khác cũng cần ngừng giao tranh để tập trung tiêu diệt IS. Song tiến trình đàm phán hòa bình ở Syria giữa các bên với sự góp mặt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út sẽ còn mất hàng năm trời. 

Câu hỏi đặt ra, ai là người bảo hộ cho chi nhánh của lực lượng Mặt trận al-Nusra và al-Qaeda ở Iraq và Syria? Ai sẽ là người tiến hành đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với al-Qaeda, đối thủ lâu đời của Washington? Và cuối cùng, liệu người dân Syria có đồng thuận với ý kiến phân chia quyền lực mà ông Dobbins đưa ra?

Trong khi đó, nhà phân tích địa chính trị ở Bangkok, ông Tony Cartalucci khẳng định mục đích chính của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu là phân chia quyền lực ở Syria và lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo ông Cartalucci, có một điều phi lý là nhiều người cho rằng mọi vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc chia nhỏ lãnh thổ và quyền lực ở Syria. Song phương pháp tiếp cận này sẽ chỉ dẫn tới tình trạng hỗn loạn thêm gia tăng và Libya là minh chứng rõ nhất. 

Cuối cùng, hai chuyên gia Mỹ Bahney và Johnston đặt ra câu hỏi tại sao trong cuộc chiến chống IS, Washington lại không thể ngăn chặn dòng tiền và tay súng nước ngoài đổ xô tới Iraq và Syria chiến đấu trong 4 năm qua? Và tại sao Mỹ lại làm ngơ trước việc Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ cho các tay súng IS?

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

                                                                                                                            Theo Infonet


Tin tức mới nhất