Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore. Ảnh: Straits Times
Hôm 16/11, báo The Australia công bố nội dung cuộc phỏng vấn Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 13/11. Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ vài giờ trước khi những vụ khủng bố liên hoàn xảy ra ở thành phố Paris. Ông Lý nhận định đối tượng gia nhập IS không chỉ gồm những “cá nhân ngẫu nhiên” nhiễm tư tưởng cực đoan.
Người đứng đầu chính phủ Singapore lấy Malaysia làm ví dụ. Ông nhấn mạnh rằng rất nhiều binh sĩ Malaysia tới Syria để gia nhập IS.
“Chính quyền Malaysia vừa bắt hai lính đặc nhiệm có ý định đào ngũ để gia nhập IS. Trước đó, gần một chục quân nhân cũng có kế hoạch tương tự”, ông kể.
Vị thủ tướng cũng đề cập tới Indonesia. Theo ông, nhiều vùng ở Indonesia ở quá xa và không chịu nhiều ảnh hưởng từ chính phủ trung ương. “Nếu những phần tử cực đoan thành lập một trại nhỏ ở đây và tự xưng là chi nhánh của IS tại Đông Nam Á hay một cái tên đại loại như thế, trại của họ sẽ trở thành điểm thu hút các tín đồ, giống như thánh địa Mecca”, ông lập luận.
Ngay cả những phần tử khủng bố đang chấp hành án tù cũng có thể gây nên hiểm họa, ông Lý cảnh báo. Ông nhấn mạnh rằng dù ngồi trong tù, nhiều phần tử cực đoan vẫn có thể thực hiện những nghi lễ để tuyên thệ trung thành với IS.
“Khi các tù nhân mãn hạn tù, nhà chức trách sẽ thả họ và chúng ta không thể biết mức độ nguy hiểm của họ đã giảm hay chưa”, ông nhận định.
Vài trăm tù nhân tại Indonesia sẽ mãn hạn trong năm nay và năm sau. Thủ tướng Lý nhấn mạnh rằng, mặc dù chính phủ Indonesia rất lo ngại những nguy cơ từ các tù nhân mãn hạn, họ cũng không thể tìm ra giải pháp hiệu quả để sàng lọc những đối tượng có thể gây họa.
Đối với tình trạng bạo lực do tư tưởng, ông Lý thừa nhận đây là vấn đề rất khó.
“Bạo lực do tư tưởng không chỉ xuất phát từ tôn giáo thuần túy mà liên quan tới quan điểm méo mó về tôn giáo. Một số người tự huyễn hoặc bản thân họ rằng tử vì đạo là cách nhanh nhất để lên thiên đường nên họ quyết tâm theo cách đó. Nhiều kẻ khủng bố khác biết rất ít về tôn giáo hay các học thuyết. Họ mất thứ gì đó quan trọng trong cuộc sống và gây bạo lực là cách để họ trả thù thế giới hay xã hội xung quanh”, ông lập luận.
Theo Thủ tướng Singapore, một số thanh niên tôn thờ chủ nghĩa khủng bố do lạc lối về tư tưởng. Họ đang ở giai đoạn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và vô tình gặp chủ nghĩa khủng bố. Họ để tư tưởng cực đoan ngấm sâu dần vào tâm trí sau từng ngày và khi xã hội phát hiện ra tình trạng ấy thì họ đã không thể trở lại trạng thái trước đây.
“Có thể những người như thế không có bạn bè là phần tử cực đoan song bằng cách nào đó họ quan tâm tới chủ nghĩa khủng bố”, ông giải thích.
Chi nhánh chính thức của IS có thể ra đời tại Đông Nam Á
Trong khi đó, Straits Times đưa tin, những phiến quân Malaysia ẩn náu ở miền nam Philippines đang lên kế hoạch thành lập “chi nhánh chính thức” của IS tại Đông Nam Á bằng cách ghép các nhóm khủng bố ở Malaysia, Indonesia và Philippines – bao gồm nhóm Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf .
Nhóm chiến binh Hồi giáo người Malaysia khoe cờ của IS tại một địa điểm ở miền nam Philippines. Ảnh: Straits Times
Ngoài Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf, những tổ chức khủng bố trong khu vực bao gồm Tanzim Al-Qaeda, Kumpulan Mujahidin Malaysia và Darul Islam Sabah.
Một số nguồn tin trong quân đội Philippines nói họ vẫn đang nỗ lực bắt giữ các chiến binh Malaysia ẩn náu ở miền nam.
P. Sundramoorthy, giáo sư tội phạm học của Đại học Sains tại Malaysia, nói với Sunday Times rằng các chiến binh muốn thành lập lực lượng khủng bố đa quốc gia do chúng không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào sự ủng hộ từ những nước riêng lẻ. Theo ông, chiến binh Hồi giáo ở Đông Nam Á đang vươn ra ngoài phạm vi tôn giáo.
“Nhiều người vẫn nghĩ IS đấu tranh cho quyền của tín đồ Hồi giáo, song sự trỗi dậy của chúng liên quan tới bất công xã hội, chênh lệch về thu nhập, sự áp bức chính trị và nhiều lý do khác. Nhưng thật không may, IS dùng tôn giáo để biện minh cho động cơ của chúng”, ông lập luận.
Số lượng phần tử khủng bố ở Đông Nam Á đang gia tăng
Hồi tháng 5, ông Lý Hiển Long từng cảnh báo IS tại Iraq và Syria đã tăng cường các hoạt động ở Đông Nam Á một cách hiệu quả đến nỗi chúng đã có một nhóm khủng bố được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia và Singapore. Khoảng hơn 500 người Indonesia và vài chục người Malaysia là thành viên của nhóm khủng bố.
“Đông Nam Á là khu vực quan trọng đối với hoạt động tuyển người của IS. Số lượng chiến binh Indonesia và Malaysia của IS nhiều đến nỗi những phần tử này tự thành lập một lực lượng mang tên Đơn vị Chiến đấu Quần đảo Mã Lai”, ông nói.
Ngay tại những nước nhỏ và được kiểm soát chặt chẽ như Singapore, nhiều thanh niên đã tới Syria để gia nhập hàng ngũ IS. Ông Lý cho biết, nhà chức trách Singapore từng bắt hai thanh niên, 17 và 19 tuổi, vì họ có ý định tới Syria. Thanh niên 19 tuổi muốn ám sát các quan chức chính phủ Singapore nếu anh ta có thể tới Trung Đông.
Vị thủ tướng nói IS đã tung video tuyên truyền và tuyển mộ lên mạng. Nội dung video nói về cảnh những đứa trẻ nói tiếng Mã Lai tập luyện cùng vũ khí bên trong lãnh thổ do IS kiểm soát. Một video khác cho thấy cảnh hai thanh niên Malaysia chặt đầu một người đàn ông Syria.
Cảnh sát Malaysia đã bắt nhiều người – bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang - có ý định tới Syria để gia nhập IS. Trong khi đó, nhiều nhóm thánh chiến ở Đông Nam Á đã tuyên thệ trung thành với IS, bao gồm nhóm Jemaah Islamiyah ở Indonesia. Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh của Jemaah Islamiyah, thề trung thành với IS trong xà lim vào năm 2014.
IS từng tuyên bố chúng muốn thành lập một tỉnh thuộc “Nhà nước Hồi giáo” ở Đông Nam Á. Ông Lý nhận định đây là ý tưởng hão huyền, song vẫn cảnh báo rằng nhóm Hồi giáo cực đoan có thể lợi dụng một số vùng mà chính phủ không thể quản lý để thành lập căn cứ trước khi mở rộng hoạt động tuyển mộ và vạch kế hoạch tấn công ở nước sở tại.
“Viễn cảnh đó có thể dẫn tới hiểm họa nghiêm trọng đối với toàn bộ Đông Nam Á”, ông Lý nói.
Theo Zing