Justin Timberlake là ca sĩ biểu diễn chính tại giờ nghỉ trận chung kết Super Bowl năm nay. Trận đấu vừa kết thúc cách đây ít phút tại Mỹ với chiến thắng nghiêng về đội Philadelphia Eagles.
Như mọi năm, nóng không kém là màn biểu diễn giữa trận.
Có nên khoét sâu sự cố của Janet Jackson?
Việc lựa chọn Justin Timberlake gây tranh cãi vì nam ca sĩ từng là "thủ phạm" gây ra vụ lộ ngực tai tiếng của đồng nghiệp Janet Jackson khi hát chung trên sân khấu Super Bowl năm 2004.
Biết rõ sự quan tâm của dư luận về việc này, Timberlake đã không ngần ngại đưa một màn "tưởng nhớ" tai nạn hi hữu. Anh chọn ca khúc Rock Your Body, ca khúc anh từng thể hiện cùng Janet năm 2004, để hát sau khi bước lên sân khấu.
Justin Timberlake có màn biểu diễn bùng nổ ở Super Bowl. Ảnh: AP.
Năm 2004, đến câu hát "Bet I’ll have you naked by the end of this song" (Anh sẽ khiến em khỏa thân khi bài hát này kết thúc) thì Timberlake quay sang xé rách áo của Jackson khiến cô lộ ngực trên truyền hình trực tiếp. Còn năm 2018, đến trước câu này, Timberlake đột nhiên ngừng nhảy, xua tay và hô to "Khoan đã, dừng lại". Tiếp đó, anh và dàn vũ công tiếp tục nhảy múa.
Theo Washington Post, việc gợi nhớ lộ liễu đến tai nạn của Janet Jackson là quyết định thiếu tinh tế của Timberlake. Bởi như dư luận đã biết, vụ lộ ngực chính là tai nạn kết liễu sự nghiệp của Jackson. Kể từ đó, tên tuổi cô đi xuống không phanh. Còn Timberlake, thủ phạm gây ra vụ việc, lại lên như diều gặp gió.
Washington Post cho rằng không có gì vui vẻ về sự việc đó khiến Timberlake phải nhắc lại với vẻ trào phúng như vậy. "Nhiều người đã quên chuyện đó rồi, vậy có phải là khôn ngoan khi còn đùa cợt về nó?", tờ báo đặt câu hỏi.
Justin Timberlake và Janet Jackson sau màn lộ ngực năm 2004. Ảnh: CNN.
Nhận xét về việc này, khán giả Elgin Charles viết: "Giống như xát thêm muối vào nỗi đau" và gắn hashtag kêu gọi chấp nhận Janet Jackson "#JanetJacksonAppreciationDay". "#JanetJacksonAppreciationDay" cũng là trào lưu rộ lên trên Twitter những ngày qua.
Ấn tượng đi liền với tranh cãi
Bên cạnh tranh cãi chính về Jackson, qua cơ hội lớn này, Timberlake vẫn khẳng định được đẳng cấp của một nghệ sĩ biểu diễn tài năng.
Trang USA Today dành lời khen cho trang phục biểu diễn năng động và hiện đại, trong đó có chiếc áo sơ mi với hình ảnh gắn với đĩa đơn Man of the Woods. Tiếp đó, là tiết mục tôn vinh nghệ sĩ quá cố Prince, người có màn biểu diễn hay nhất mọi thời đại tại Super Bowl năm 1984.
Để hát cùng Prince, Timberlake chọn ca khúc I Will Die 4 U, ca khúc được chính Prince biểu diễn năm 1984. Đây cũng là bài hát nói về bang Minnesota, nơi tổ chức trận chung kết Super Bowl năm nay. Hình ảnh khổng lồ của Prince được tái hiện trên sân khấu bằng công nghệ hologram. Cùng lúc đó, toàn bộ thành phố cũng được phủ màu tím, màu của Prince.
Mặc dù vậy, màn biểu diễn ấn tượng này cũng vấp phải một số chỉ trích từ người hâm mộ của Prince. Lý do là chính huyền thoại âm nhạc này từng tuyên bố ông không muốn sau này hình ảnh của mình được tái hiện bằng hologram.
Sheila E., cựu hôn thê của Prince kiêm người cộng sự lâu năm, cũng viết trên Twitter rằng Prince từng nói đừng để bất cứ màn chiếu hologram nào về ông diễn ra. Nữ nghệ sĩ cho biết, cô đã trao đổi với Timberlake vào đêm 3/2 và anh hứa không dùng hologram cho màn này, nhưng thực tế lại trái ngược.
Bên cạnh đó, phần vũ đạo trong toàn bộ màn biểu diễn của Timberlake được Hollywood Reporter khen là "tuyệt đỉnh" và "chưa bao giờ phải thắc mắc về tài năng của Timberlake ở khoản này". Nam ca sĩ cũng đươc khen đã tận dụng mọi không gian đa dạng của sân khấu Super Bowl tốt hơn hẳn những nghệ sĩ biểu diễn trước đó.
Nhưng mặt khác, Hollywood Reporter cũng cho rằng nhạc nền, tiếng ồn sân vận động đã che lấp giọng ca của Timberlake trong nửa đầu của màn diễn. Việc này chỉ được khắc phục khi anh chuyển sang hát ballad, từ ca khúc Until the End of Time.
Theo Zing