Sáng 11/1, bà Trịnh Thị Dung – Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Qua kiểm tra, tối 7/1, lực lượng chức năng phát hiện 2 quán karaoke trên địa bàn phường Trung Hòa (số 5 Trần Duy Hưng và số 45 Tú Mỡ) mở chui, đang phục vụ nhiều khách hát.
Thời điểm kiểm tra, 2 quán này có 16 nhân viên, 27 khách hát.
Tiến hành test nhanh Covid-19, lực lượng chức năng phát hiện 3 nhân viên đang tiếp khách có kết quả dương tính nên đã đưa đi cách ly tập trung.
Bước đầu, cơ quan chức năng đang lập hồ sơ để xử lý hành chính đối với 2 quán karaoke này. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý 2 quán theo quy định của pháp luật”.
Lực lượng chức năng phát hiện 3 nhân viên đang phục vụ khách tại quán karaoke số 45 Tú Mỡ, dương tính với Covid-19 khi test nhanh.
Theo luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội), các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động “chui” này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng chống Covid-19.
Căn cứ các quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế hành vi này sẽ phải chịu mức phạt vi phạm 20.000.000 đồng, thậm chí còn bị tước giấy phép kinh doanh dịch vụ khi không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan nhà nước khi thực hiện quy định của pháp luật về phòng chống Covid-19.
Nếu như hành vi vi phạm của các chủ quán trên gây phát sinh chi phí phòng chống Covid-19 từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tùy theo mức độ vi phạm của hành vi, bị can sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Những người đến sử dụng dịch vụ (khách hát) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trong đó có các F0) đã vi phạm quy định về phòng chống Covid-19 với hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19; sẽ bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, 20 triệu đồng đối với tổ chức.
Phân tích vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng nhận định: “Nguyên nhân xuất phát trước hết phải kể tới đó là ý thức của người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng như coi thường pháp luật khiến họ cả gan, bất chấp nguy cơ lây bệnh để sử dụng dịch vụ ''chui''.
Có cầu thì sẽ có cung, nguyên nhân thứ hai chính là việc các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không tuân thủ pháp luật, bất chấp hoạt động mặc dù biết được ngành nghề dịch vụ này có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao và đã bị cấm hoạt động trong thời gian này.
Thứ ba, đó là sự quản lý lỏng lẻo của cấp chính quyền quản lý, đặc biệt là công an các địa phương chưa đi sâu sát, kiểm tra giám sát gắt gao đối với khu vực có các quán karaoke hoạt động.
Điều này khiến chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi, liệu có tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu lợi ích gì ở đây không? Cần phải điều tra làm rõ vụ việc, xét xử nghiêm minh để tránh các trường hợp tương tự xảy ra gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch đến nay không còn là con số ít. Nếu mỗi người dân ý thức hơn trong việc phòng chống dịch cùng cộng đồng thì sẽ làm hạn chế hơn các ca mắc Covid-19, góp phần làm giảm gánh nặng của Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh.
Nhà nước cũng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ hay cơ quan quản lý Nhà nước thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như gia tăng các biện quản lý pháp mạnh để hạn chế thấp nhất những thiệt do Covid-19 gây ra cho xã hội”.
Theo Vietnamnet