Nhiều người mắc bệnh tiểu đường vẫn tưởng chất càng ngọt càng có hại với bệnh này. Nghĩ vậy là không sai nhưng chưa chính xác. Lượng đường trong máu khó mà không tăng nếu gia chủ quá mạnh miệng với bánh kẹo, chè mứt.
Nicotin và “bè lũ”
Đường huyết tất nhiên vọt lên như pháo thăng thiên, đến độ phải kêu xe cấp cứu nếu gặp món đại kỵ như sầu riêng, lồng mứt… Tuy nhiên, chuyện đó không dễ xảy ra phần vì đa số bệnh nhân cũng biết “tránh ngọt chẳng hổ mặt nào”, phần vì đường huyết nếu thỉnh thoảng xé rào cũng không đến độ khiến bệnh nhân suy thận ngay tức khắc.
Có một chất khác tuy không ngọt chút nào trên đầu lưỡi nhưng hại gấp trăm lần đường phèn, ngay cả trong trường hợp đường huyết của nạn nhân vẫn ổn định. Đó là nicotin và bè lũ độc chất trong thuốc lá!
Nếu tưởng bị bệnh tiểu đường lại thêm hút thuốc thì nguy cơ tai biến mạch máu não cũng như nhồi máu cơ tim tăng gấp đôi như 1 + 1 = 2 thì lầm to. Nguy cơ trong trường hợp này cao gấp 4-12 lần nếu so với người tuy cũng bị tiểu đường nhưng không hút thuốc. Nếu thêm vào đó là bệnh cao huyết áp và tăng mỡ trong máu thì đừng hy vọng xác suất rủi ro chỉ 2 + 2 = 4 mà là 4 x 4 = 16 lần, nếu so với người chỉ có vấn đề với đường huyết.
Sức công phá của cơ chế ôxy hóa
Thuốc lá có hại là cái chắc nhưng sở dĩ có hại cho người tiểu đường hơn người chưa bệnh là vì:
- Hơn 7.000 độc chất trong thuốc lá là lý do khiến hệ miễn dịch và biến dưỡng bù đầu chống đỡ. Thêm vào đó, tác dụng công phá qua cơ chế ôxy hóa khiến cơ thể bên bờ “gỉ sét” của người bệnh tiểu đường sớm nhanh chân về hướng thoái hóa, lão hóa, thậm chí biến thể ác tính. Kiệt sức đề kháng chỉ là vấn đề không sớm thì muộn. Ung thư - cụ thể là ung thư phổi, vòm hầu, thanh quản… - vì khói thuốc từ lâu không còn xa lạ trong bệnh tiểu đường.
Nicotin và “cộng tác viên” trong thuốc lá là “cảm tình viên” tích cực của hiện tượng xơ vữa mạch máu vì vừa làm co mạch khiến thiếu dưỡng khí cục bộ vừa gây tổn thương mặt trong mạch máu giúp cho huyết cầu, chất béo… có nơi bám cứng.
- Thuốc lá là nguyên nhân gây tiêu hao nguồn dự trữ nhiều loại sinh tố có công năng kháng ung thư như A, E, C… và khoáng tố vi lượng cần thiết cho sức đề kháng như kẽm, selen, crôm… trong cơ thể vốn lúc nào cũng cần nhiều sinh và khoáng tố của người bệnh tiểu đường. Dễ hiểu nếu vết thương ngoài da, nếu bệnh bội nhiễm ở người tiểu đường cộng thêm khói thuốc bao giờ cũng kéo dài, cũng trầm kha, cũng dễ gây biến chứng nghiêm trọng.
Lời khuyên vô nghĩa
Người bệnh tiểu đường vì thế phải cai thuốc lá cho bằng được. Đừng ngụy biện bằng cách dựa vào trường hợp cá biệt nào đó tuy hút thuốc liên hồi nhưng vẫn sống khỏe re rồi lững lờ bỏ quên số người vừa mất mạng đêm qua vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, ung thư… do cả đời tự xông khói thuốc… lá!
Bỏ thuốc lá đúng là không dễ, nhất là với người bệnh tiểu đường đang trầm uất vì thất vọng trong nghề nghiệp, vì cô đơn trong gia đình, vì mỏi mệt với bệnh tình dai dẳng… nhưng cũng không là “điệp vụ bất khả thi” nếu người bệnh may mắn tìm được thầy thuốc quán triệt chương trình cai thuốc lá bằng biện pháp sinh học như nhĩ châm, dưỡng sinh, dinh dưỡng…, thay vì lời khuyến cáo ngắn gọn vô nghĩa “bỏ thuốc đi, không bỏ chết ráng chịu!”. Tất nhiên là đúng vì xưa nay đâu có thầy thuốc nào chịu chết thay cho người bệnh dù “nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Thấy quan tài rồi bao giờ cũng dễ đổ lệ. Có lẽ không quá khó để cai thuốc lá nếu người bệnh tiểu đường đồng thời là người hâm mộ của khói thuốc tận mắt nhìn thấy vết thương hoại tử đen sì, hôi thối trên bàn chân sắp bị cưa; chứng kiến cảnh cấp cứu đặt ống khí quản, ép tim, hô hấp nhân tạo bệnh nhân tiểu đường hôn mê chỉ vì bỏ không nổi mấy điếu thuốc bạc tình.
Theo Người lao động