Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền với 194 hành vi vi phạm giao thông sẽ được điều chỉnh tăng lên khá nhiều, có thể tăng thêm đến 8 triệu đồng/lỗi. Những mức tăng này sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1 tháng Tám, tức chỉ 1 tuần nữa thôi nên mọi người hãy nắm thật kỹ.

Trong số 194 hành vi trên, có những lỗi vi phạm giao thông khá phổ biến như:

Lỗi lái xe khi nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá quy định (80mg/100ml máu trở lên, hoặc 0,4mg/1l khí thở trở lên) sẽ bị phạt 16-18 triệu (mức phạt cũ là từ 10-15 triệu). Trong trường hợp phát hiện người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy thì người này sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng, phạt tiền 16-18 triệu (mức phạt cũ là từ 8-10 triệu).

Lỗi sử dụng các loại thiết bị di động, thiết bị âm thanh (trừ máy trợ thính), sử dụng ô (dù) khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường cũng bị tăng mức phạt từ 60.000-80.000 lên thành 100.000-200.000.

Lỗi không tuân thủ đèn giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng) sẽ bị tước bằng lái xe từ 1-3 tháng, phạt từ 300.000-400.000 đồng (tăng 200.000 đồng so với mức cũ).

Cũng liên quan đến đèn khi tham gia giao thông là lỗi sử dụng đèn xe. Theo quy định, các phương tiện xe cơ giới, gắn máy bắt buộc phải bật đèn xe khi lưu thông từ 19 giờ tối ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau; nếu không tuân thủ, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự sẽ bị xử phạt từ 80.000-100.000 đồng; người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự bị xử phạt từ 600.000-800.000 đồng.

Ngoài ra, khi bạn đi xe không đúng phần đường của mình, đi ngược chiều hoặc điều khiển xe trên vỉa hè... sẽ bị phạt từ 300.000-400.000 đồng (tăng 100.000 so với mức phạt cũ).

(Ảnh: Internet)

Kể cả khi không có cảnh sát giao thông “bắt tại trận”, bạn vẫn có thể bị phạt nếu hành vi của mình bị người dân ghi hình lại và gửi đến cơ quan công an.

Ngoài ra, còn một lưu ý nữa bạn cần biết là sắp tới, ngoài cảnh sát giao thông là lực lượng chính thì nhiều lực lượng khác cũng được huy động phối hợp theo chỉ đạo của cảnh sát giao thông và theo kế hoạch đã được phê duyệt. Những lực lượng cũng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt bao gồm: cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, công an phụ trách xã, công an phường và công an xã, công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức công an chính quy. Tuy nhiên, các lực lượng này không được tùy tiện dừng phương tiện để kiểm tra nếu như phương tiện không vi phạm giao thông hoặc không có dấu hiệu vi phạm.

Tổng hợp
Theo Trí thức trẻ