Kha Mỹ Vân phản ứng khi bị công ty cũ tố làm việc thiếu chuyên nghiệp

Người mẫu lên tiếng khá mạnh mẽ về chuyện cô bị BeU Model tố ngày 24/11.



 - Cảm nghĩ của chị khi bị công ty cũ liệt vào danh sách “dàn người mẫu qua cầu rút ván”?

- Ai chấm dứt hợp đồng và dừng làm việc với họ đều bị nói xấu thậm tệ. Tôi cảm thấy mình may mắn khi không còn làm việc với BeU nữa. Nếu công ty thật sự chuyên nghiệp và tạo cơ hội phát triển thì không người mẫu nào “ngu” mà lần lượt bỏ đi như vậy. Nhiều người mẫu cùng lúc lên án, các quán quân á quân đều lần lượt chấm dứt hết hợp đồng thì công ty nên xem lại cách làm việc và quản lý người mẫu của mình.

- Đối với chị, khó khăn lớn nhất khi làm việc tại môi trường thời trang chuyên nghiệp quốc tế là gì?

- Với tôi, khó khăn lớn nhất là người mẫu phải luôn vận động và biến đổi không ngừng. Kinh đô thời trang thế giới là nơi khởi nguồn và phát triển những xu hướng mới nhất của thời trang. Vì vậy, việc luôn phấn đấu theo đuổi xu hướng và đấu tranh để tìm lấy cơ hội cho bản thân mình cũng là một điều không phải dễ dàng. Cùng với việc phải đáp ứng được những yêu cầu khắc nghiệt của các nhà thiết kế và khách hàng, người mẫu cũng phải tự thân vận động từ việc casting đến việc trình diễn. Tất cả mọi thứ bắt buộc bạn phải hoàn thành thật tốt.

- Vai trò của BeU Models trong việc giúp chị có được cơ hội làm việc tại các kinh đô thời trang thế giới là gì?

- Tôi không phủ nhận vai trò của công ty trong việc hợp tác với các agency nước ngoài để đưa người mẫu được tiến gần hơn với thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tất cả cũng chỉ là công việc kinh doanh “thuận mua thì vừa bán”. Nếu nhắm không thể tìm ra lợi ích cho bản thân, thử hỏi có ai lại đi đầu tư mà biết chắc sẽ không thể nào hoàn vốn.

Tôi cảm thấy thật vô lý khi phải nghe câu nói “nếu không có BeU thì đời nào em được ra nước ngoài”. Tôi không đếm xuể mình đã nghe câu này bao nhiêu lần trong suốt hai năm làm việc tại công ty, vì khoảng thời gian đó tôi chỉ biết lao đầu làm việc vì đam mê. Nhưng đến khi tôi nhận ra một điều, tôi làm việc cật lực như vậy là vì cái gì? Tôi không muốn mình mang danh là một người mẫu làm việc ở nước ngoài mà khi quay về Việt Nam, ngay cả cầm đến tiền mình làm được còn khó hơn là đi xin xỏ bất kỳ ai.
 

kha-my-van-cong-ty-nen-xem-lai-cach-quan-ly-nguoi-mau-cua-minh

Kha Mỹ Vân khẳng định, cách làm việc của công ty cũ thiếu chuyên nghiệp, chính vì lẽ đó mà hàng loạt quán quân, á quân đã lần lượt ra đi.

 

- Lý do chị từ bỏ công ty để phát triển sự nghiệp người mẫu tự do là gì, dù rằng trước đó đã chủ động nhờ sự hỗ trợ?

- Trong công việc, người ta thuận mua thì mình vừa bán, tôi sẽ ngoan ngoãn làm việc cho một ai đó nếu như lợi nhuận của tôi được đảm bảo. Còn việc bảo tôi chủ động nhờ sự hỗ trợ của công ty thì hãy xem xét lại. Nếu bên đó không nhớ thì tôi sẽ nhắc lại cho họ nhớ, họ đã gọi tôi lên nói chuyện thế nào, rồi bảo tôi gửi hồ sơ ra sao để có thể đến với Milan.

- Chị giải thích thế nào về thông tin mình làm việc thiếu chuyên nghiệp và khiến công ty nhiều lần phải xin lỗi đối tác?

- Tôi làm việc chuyên nghiệp hay không tất cả mọi người đã làm việc với tôi đều biết rất rõ. Tôi nhớ có lần tôi bị sốt rất cao, nhưng do lịch làm việc đã fix trong ngày ấy nên tôi phải tuân thủ đến chụp hình cho thương hiểu Polo Shirt. Nhưng trớ trêu thay, nhãn hàng thể thao này bố trí một buổi chụp ở một villa trên núi, càng lên cao nhiệt độ càng hạ, người tôi lạnh cóng mà lại chụp gần hồ bơi, ảnh hưởng của hơi nước và gió đã làm bệnh tôi trở nặng. Vì vậy khi hoàn thành xong công việc, cơ thể tôi đã đừ ra. Tôi nhắn tin cho bên agency để xin phép họ hủy buổi làm việc vào ngày hôm sau, bởi tôi không tài nào bình tĩnh khi ở trong trạng thái sốt cao.

Nhưng khi chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, tôi đã nhận được một cuộc điện thoại với giọng nói trách mắng rằng, tôi không chuyên nghiệp, tôi là một super star. Thử hỏi tôi có dại đến mức phải làm vậy không? Nếu muốn thể hiện mình là một super star tôi hoàn toàn có thể làm điều đó ở Việt Nam, không phải đợi đến nơi đất khách quê người để thể hiện cá tính của bản thân. Tôi luôn biết vị trí của mình ở đâu và phải làm gì, vì thế tôi luôn vững tin về những quyết định của mình.

- Công ty quản lý cũ cho rằng, để được biết đến như ngày hôm nay, chị đã được chăm lo và đầu tư rất nhiều. Điều này hơi đối nghịch với phát biểu “được tiếng nhưng không được miếng” của chị. Chị nói sao?

- Tôi là á quân - top 2 và cũng chịu thiệt thòi như các bạn nằm trong top 10, top 20. Cuộc thi kết thúc, công ty chỉ chăm lo cho quán quân, còn chúng tôi thì tự thân vận động. Cho đến khi tôi làm việc chung thì bảo là o bế tôi, thực chất đó cũng chỉ là công việc đôi bên cùng có lợi. Tôi biết khi tôi kể ra những điều này, tôi sẽ bị nói là kẻ “ăn cháo đá bát” nhưng tôi tin rằng bản thân mình đã sống đúng nên “cây ngay không sợ chết đứng”. Ngày xưa, tôi thường hay thắc mắc vì sao nhiều quán quân hay á quân khi không làm việc chung lại có cách cư xử như thế. Đến bây giờ tôi mới thấu hiểu, tôi cảm giác bản thân mình như là một con rối của công ty. Họ muốn tôi đi đâu, làm gì, tôi không có quyền quyết định.

Tại Tuần lễ thời trang quốc tế 2015, tôi đã phải chật vật vì không nhận được bất kỳ thông tin nào từ công ty yêu cầu tôi sẽ quay trở lại Việt Nam để tham gia sự kiện thời trang đó. Mãi cho đến sát ngày diễn ra thì tôi nhận được email lúc 10h sáng báo rằng, 16h chiều tôi phải bay về Việt Nam. Khi quay về, tôi trình diễn cho tất cả là 9 nhà thiết kế nhưng tôi không nhận được một xu nào chỉ vì lý do, tôi không muốn quay lại Pháp để làm việc. Không chỉ vậy, chuyến làm việc của tôi tại Singapore cũng hoàn toàn không do tôi quyết định mặc dù bản thân tôi đã phản đối rất nhiều vì biết rằng thị trường bên đó không phù hợp. Nhưng họ vẫn nhất quyết đưa tôi qua, tôi phải chịu hoàn toàn chi phí ăn ở.

Tôi sốc hơn và quyết tâm đường ai nấy đi khi biết công ty có hành động muốn tịch thu passport của tôi. Khi tôi đang ở Việt Nam, mọi chuyện chưa được giải quyết thì nhân viên của công ty đã gọi cho tôi và yêu cầu đem passport lên công ty vì visa của tôi đang có vấn đề. Cảm thấy không hợp lý, tôi đã gửi mail và hỏi trực tiếp xem visa của tôi có vấn đề gì thì nhận được câu trả lời là hoàn toàn bình thường. Từ đó tôi mới nhận ra, họ đã cố tính làm vậy để hòng giam giữ passport của tôi nhằm tránh tình trạng tôi sẽ xuất ngoại qua một nước khác.
 

kha-my-van-cong-ty-nen-xem-lai-cach-quan-ly-nguoi-mau-cua-minh-1

Người mẫu cho biết, hiện tại cô đã trở thành người 'độc lập, tự do' rồi nên hạnh phúc vô cùng.

 

- Thực hư về chuyện số tiền chị kiếm được còn chưa đủ để bù lại những chi phí mà công ty trong nước đã đầu tư là thế nào?

- Nếu không đủ để bù lại chi phí mà công ty đã đầu tư thì họ khó lòng để tôi ra đi dễ dàng như vậy. Tôi nhớ như in trong đầu khoảng thời gian tôi không còn tiền để chi trả tiền nhà bên Pháp, tôi đã gọi cho chị Trang giám đốc công ty nhiều lần. Tôi tìm cách nhắn tin từ facebook, viber cho hết các app khác chỉ để kết nối với chị và nhờ chị chuyển khoản để tôi chi trả cho bản thân, nhưng nhận được sự im lặng đáng sợ. Ngày chi trả gần đến mà tôi vẫn không thể nào liên lạc được, tôi đành tìm mọi cách khác, để mình không phải ngủ ở ngoài phố trời Tây.

Việc ăn chặn cát-xê, tôi không có ý kiến, nhưng chuyện cấm người mẫu diển ở fashion week là hoàn toàn có thật. Trong chương trình tổ chức ở TP HCM vào tháng 4, đã có khá nhiều nhà thiết kế mời riêng tôi trình diễn cho họ. Nhưng cuối cùng họ đều phản hồi lại rằng, bên BeU không cho tôi diễn, ai cũng được ngoại trừ tôi và Lê Thúy. Tôi nhớ rất rõ đó là nhà thiết Cory, Lê Thanh Hòa, vài nhãn hiệu thời trang và các nhà thiết kế khác. Theo tôi, đừng bao giờ bao biện bằng cách trả lời rằng, chúng tôi không đủ tiêu chuẩn để trình diễn, vì nhà thiết kế đã chọn chúng tôi.

- Sau một thời gian làm việc tại New York, theo chị, điểm khác biệt lớn nhất giữa các model agency thế giới và trong nước là gì?

- Ở nước ngoài không có khái niệm nguời mẫu tự do, khách hàng không bao giờ làm việc với người mẫu tự do. Agency bên nước ngoài làm việc qua hợp đồng và email rất rõ ràng. Agency có trách nhiệm giới thiệu hồ sơ của người mẫu cho các khách hàng và ăn chia 20-30% trên mỗi công việc mà người mẫu nhận được. Họ là cầu nối rất quan trọng giữa người mẫu và khách hàng. Một số agency trong nước ăn trên 50% số tiền người mẫu kiếm được và thậm chí không trả cát-xê khi họ tổ chức tuần lễ thời trang, hoặc làm bao nhiêu đến cuối tháng chỉ nhận được số tiền mỗi tháng mà công ty đưa ra. Thị trường ở Việt Nam rất nhỏ, cát-xê các show đều không cao (trừ hợp đồng quảng cáo) nên nếu người mẫu làm việc với một agency ăn chia theo kiểu đó thì khó sống nổi.

 

Theo Ngoisao.net


phản ứng thiếu chuyên nghiệp Kha Mỹ Vân làm việc lên tiếng công ty người mẫu

Tin tức mới nhất