Những cú sốc văn hóa khi vươn tới "giấc mơ Mỹ"
Trò chuyện với phóng viên Dân trí trong ngày đầu Xuân, Cam Do (Đỗ Thái Cẩm, SN 1997), không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về những khó khăn chật vật trong ngày đầu đặt chân tới "xứ cờ hoa" để bắt đầu hành trình vươn tới "giấc mơ Mỹ".
Không lâu sau khi sinh Cam Do, cha mẹ ly hôn. Trong khi mẹ bôn ba nơi xứ người để gây dựng cuộc sống, Cam Do sống cùng gia đình ông bà ngoại. Suốt những năm tháng tuổi thơ, anh chỉ gắn bó với ông bà và cuộc sống ở TPHCM. Từ nhỏ, Cam chưa từng mường tượng tới ngày mình sẽ tới Mỹ ra sao.
Cam Do chụp hình cùng ông bà ngoại khi còn nhỏ.
"Trong số các môn, tôi dở nhất tiếng Anh. Điểm số luôn ở hạng lẹt đẹt. Tôi cũng chưa từng được người thân định hình trước chuyện sẽ sang nước ngoài sinh sống", Cam Do tâm sự.
Vào một buổi tối năm 2012, ông bà ngoại nói với Cam sẽ được mẹ bảo lãnh qua Mỹ sinh sống. Lúc này, chàng trai 15 tuổi rất sốc. Chưa từng chuẩn bị trước tinh thần và tâm lý, lại chẳng hề có sẵn nền tảng tiếng Anh, Cam thừa nhận rất hoang mang.
Đúng như những gì lo lắng, ngày đầu đặt chân tới Hawaii (Mỹ) là một cú sốc lớn trong cuộc đời chàng trai sinh năm 1997.
Sốc với môi trường và văn hóa mới, Cam bị trầm cảm nặng suốt thời gian dài vì không có ai ở bên. Mẹ hàng ngày bận rộn công việc nên không thể lo lắng quan tâm nhiều tới con trai, Cam suy sụp tinh thần tới mức thường xuyên tự nói chuyện với bản thân.
Chàng trai người Việt từng chật vật khi tìm hướng đi riêng của bản thân tại Mỹ.
Bên cạnh việc trau dồi ngoại ngữ để giao tiếp thuận lợi, Cam từng nung nấu giấc mơ trở thành lính cứu hỏa hoặc cảnh sát nhưng chẳng ngờ nghề không chọn người. Mỗi lần dự tính theo ngành học nào đó, gia đình anh lại xảy ra chuyện. Cuối cùng, anh quyết định chuyển hướng kiếm việc nào đó để nhanh kiếm tiền.
Trước khi đến với nghề tóc, Cam từng làm đủ việc, từ lái xe, chăm sóc người già ở viện dưỡng lão cho tới nhân viên chạy bàn tại nhà hàng, làm móng...
Cộng đồng người Việt ở Mỹ hiện chiếm lĩnh thị trường làm móng và trở thành một trong những ngành tỷ đô tại xứ cờ hoa. Lại được người thân hướng sang làm móng, Cam cũng thử mày mò nhưng không thấy bản thân hứng thú nhiều.
Một đêm vào năm 2019 khi tìm kiếm các video trên Youtube để học kỹ thuật làm móng, anh tình cờ xem một clip của một thợ cắt tóc người Mỹ khá nổi tiếng. Nội dung video chia sẻ về cách người thợ đã biến hình một người vô gia cư ở Mỹ thành người hoàn toàn khác, tạo ra sự tự tin và cuộc sống mới cho con người này.
Cam Do (người đeo hoa) đứng chụp ảnh cùng các bạn trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường dạy nghề cắt tóc.
Quá bất ngờ, Cam ngồi lỳ xem liên tục 7-8 tiếng không chán. Anh tìm thấy ngọn lửa đam mê bùng lên và quyết định thử sức với nghề mới.
"Có lẽ tôi hợp với cầm kéo và tông đơ hơn là cầm kiềm làm móng cho khách", Cam nói.
Đầu năm 2020, Cam ghi danh theo học nghề tóc tại trường Hawaii Institute of Hair Design. Tại đây, chàng trai người Việt được dạy những kỹ thuật cắt tóc cơ bản. Sau một năm ra trường, anh nhận bằng chính thức và có thể hành nghề.
Khi mới tiếp xúc với ngành tóc, Cam gặp rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm anh bị nản chí muốn buông xuôi vì nhận thấy quá nhiều người giỏi. Nhưng không vì thế anh bỏ cuộc.
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, Cam thường lặn lội tới nhà từng người bạn để xin cắt tóc miễn phí. Nếu cắt hỏng hoặc khiến bạn không ưng ý với kiểu đầu mới, anh sẵn lòng gửi tiền để họ tới tiệm khác sửa lại tóc. Cuối tuần, anh lại tới các tiệm làm tóc ở địa phương để làm miễn phí.
Một vị khách vui vẻ chụp hình cùng Cam Do.
Sau một thời gian tay nghề cứng hơn, Cam làm việc tại tiệm tóc Việt Nam ở đảo Hawaii. Làm việc hơn một năm nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100 USD - 200 USD, anh thấy không ổn nên chuyển sang làm ở các tiệm tóc do người Mỹ quản lý.
Tuy vậy, chàng trai người Việt nhận thấy bản thân có thể phát triển hơn nữa. Anh muốn tìm kiếm một điều gì đó để thay đổi bản thân, kích thích sự phát triển tối đa.
Bất ngờ thành ngôi sao mạng xã hội
Song hành cùng việc cắt tóc, Cam nhận thấy mạng xã hội rất phát triển. Đây là một kênh tiếp thị rất tốt để nhiều người biết tới mình. Nếu chỉ mỗi ngày cần mẫn đi làm từ sáng tới tối trong một cộng đồng nhỏ, mãi mãi anh khó lòng phát triển thêm.
Nghĩ là làm, Cam lập tức mua toàn bộ dụng cụ quay phim, tự học cách dựng video, cắt ghép clip sao cho hợp thị hiếu người xem. Ngoài việc nâng cao tay nghề cắt tóc, Cam còn đăng ký khóa học media (truyền thông) để dựng video sao cho mượt mà, hút khách.
Trong quá trình cắt tóc cho khách, Cam luôn hỏi trước ý kiến khách có đồng ý cho ghi hình hay không. Khi có tư liệu về những cảnh làm việc, 19h về nhà, anh lại lọ mọ cắt dựng video đến khuya. Sau đó, video được anh chia sẻ lên trang cá nhân.
Bắt đầu từ tháng 5/2023, tài khoản của Cam mới nhận được khoảng 3.000 lượt theo dõi, thì chỉ tới tháng 10/2023, lượng theo dõi lên tới gần 500.000.
"Tôi rất sốc vì không ngờ video của mình nhận được sự chú ý như vậy. Có những video cắt tóc lên xu hướng, thu hút hơn 45 triệu lượt xem", Cam tự hào nói.
Không lâu sau, chàng trai người Việt còn nhận được lời mời phỏng vấn từ kênh truyền hình Channel NewsAsia (CNA) có trụ sở tại Singapore. Đây cũng là lần Cam được trải lòng, chia sẻ hành trình khởi nghiệp của mình tới cộng đồng quốc tế.
"Kỷ luật, kiên trì và chăm chỉ"
Bản thân Cam cũng không ngờ mọi thứ đến với mình nhanh tới vậy. Bên cạnh sự nổi tiếng, Cam nhận thấy giá trị bản thân cũng thay đổi.
Từ ngày đầu khi mới là người thợ cắt tóc chỉ 10-15 USD/đầu, giá cắt tóc của anh lên dần 40 USD rồi 60 USD. Đến nay mức giá là 120 USD một lần cắt.
Trong khi giá cắt tóc trung bình tại Hawaii là 40 USD/lần thì giá cắt của anh cao gấp 3 lần nhưng lượng khách vẫn quá đông. Có những người phải đặt lịch trước 1-2 tháng mới tới lượt cắt nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận.
"Trước kia tôi từng nỗ lực hết sức để cắt được càng nhiều đầu cho khách càng tốt thì nay tôi chỉ cắt tối đa 8 đầu một ngày để đảm bảo chất lượng cho khách hàng", anh chia sẻ.
Hiện giá cắt tóc của anh là 120 USD/lần cắt.
Để nâng cao tay nghề, anh liên tục theo học các khóa học trực tuyến ở Mỹ và Việt Nam và cập nhật thêm nhiều xu hướng mới. Anh nhận thấy các kiểu tóc thịnh hành ở Mỹ có phần khác biệt so với sở thích của khách Việt. Trước khi cắt tóc, Cam luôn tư vấn để khách lựa chọn kiểu nào phù hợp nhất với gương mặt.
"Tôi không thể dùng một kiểu kỹ thuật để cắt cho tất cả khách hàng mà phải lựa chọn cho phù hợp với thị hiếu, sở thích và ngoại hình của họ. Nhiều khách tới tiệm than phiền phải đặt lịch và chờ được tôi cắt tóc lâu quá. Họ muốn tôi ra mở tiệm riêng. Thậm chí có người sẵn lòng bỏ tiền đầu tư cho tôi mở tiệm. Nhưng với những lời đề nghị này, tôi đành lịch sự từ chối vì cho rằng bản thân vẫn đang trong quá trình cần tích lũy thêm kinh nghiệm, muốn được học hỏi nhiều thêm trước khi tự ra làm chủ", anh bộc bạch.
Nhận định về sự cạnh tranh trong ngành tóc ở Mỹ, Cam cho biết bất cứ ngành nào cũng rất khốc liệt. Anh từng nghe những điều xì xào không đúng về bản thân. Nhưng chàng trai người Việt cho rằng đây là điều rất bình thường. Mỗi khi gặp phải tình huống như vậy, anh luôn nghĩ theo hướng tích cực để mọi chuyện dễ hóa giải.
Cam tâm sự, mục tiêu tiếp theo anh muốn tập trung làm sản phẩm riêng tạo kiểu tóc cho nam. Khi mọi thứ ổn định hơn, Cam sẽ mở tiệm tại Mỹ. Anh muốn bản thân vững vàng hơn trong nghề để có thể giúp đỡ thêm cộng đồng người Việt tại đây.
Anh chụp hình cùng ông ngoại trong lần trở về Việt Nam trước đó.
"Từng trải qua những khó khăn nên tôi rất thấu hiểu cảm giác của ai đó khi sang xứ người lập nghiệp nhưng không có ai chỉ dẫn. Tôi mong mình sẽ trở thành người giúp họ có lối đi đúng hơn. Người Việt sang Mỹ không nhất thiết chỉ có thể làm nghề móng hoặc bán rẻ sức lao động cắt tóc chỉ 10 USD/khách. Đây là mục tiêu lớn để tôi phấn đấu", anh nói.
Và Cam cho rằng bản thân không phải là người thực sự quá giỏi cũng không tài năng xuất chúng. Nhưng điều anh tự tin nhất về bản thân đó là cần cù, chịu khó tìm hiểu, làm nhiều hơn người khác.
"Điều này đã tạo ra sự khác biệt của Cam Do. Kỷ luật, kiên trì và chăm chỉ là 3 thước đo quan trọng nhất mà tôi luôn hướng tới cho bản thân", anh khẳng định.
Theo Dân Trí