Xếp hàng khoảng 30 phút để mua được một bát bánh, đợi 10 phút để tìm được chỗ ngồi nhưng vừa đưa miếng trôi tàu lên miệng, Lan (24 tuổi, Hà Nội) phải vội vàng bỏ xuống, ôm đồ di chuyển đi chỗ khác.

Một buổi ăn bánh trôi tàu, cô gái trẻ này phải đứng lên ngồi xuống khoảng 4 lần. Vì ngồi giữa cửa nhà dân, cứ mỗi lúc nghe tiếng lạch cạch mở cửa, Lan lại phải nhấc người dậy, nép vào một bên để nhường đường.

Nhìn bộ dạng một tay ôm túi xách, cầm bát trôi tàu nóng bỏng, một tay kéo lê chiếc ghế nhựa của bạn mình, Hương Trà (23 tuổi, Hoàn Kiếm), vừa buồn cười, vừa bực mình vì "ăn uống sao khổ sở quá".

Khách nín thở ăn bánh trôi tàu vừa bưng bát, vừa sợ bị đuổi ở Hà Nội-1
Khách xếp hàng dài, người ngồi ăn và xe máy để hàng loạt trước cửa nhà dân (Ảnh: Thanh Thúy).

Gánh trôi tàu vỉa hè của bà Vân (Đê Tô Hoàng, Hai Bà Trưng) được mệnh danh là "quán trôi tàu đông nhất Hà Nội". Bà Vân đã mở bán gần 30 năm, song thời gian gần đây,  bất ngờ nổi tiếng trên các trang mạng xã hội, thu hút rất đông thực khách đến thưởng thức vì tò mò.

Gọi là "quán" nhưng thực chất đây chỉ là gánh trôi tàu nhỏ. Hàng ngày, lúc 15h, bà Vân (chủ quán) sẽ chuẩn bị chiếc nồi đựng bánh trôi tàu và nước súp đã nấu chín, còn nóng hổi. 

Bà Vân ngồi lọt thỏm giữa hai nồi chè sắn và bánh trôi tàu, chỗ ngồi của bà chỉ chiếm một vị trí nhỏ trước cửa một căn nhà. 

Khách nín thở ăn bánh trôi tàu vừa bưng bát, vừa sợ bị đuổi ở Hà Nội-2
Gánh trôi tàu vỉa hè "đuổi khách" không kịp, bán vèo vèo mỗi ngày 1.000 viên (Ảnh: Thanh Thúy).

Hương thơm nồng của gừng, mè đen tỏa dọc con đường Đê Tô Hoàng chỉ rộng khoảng 3m, là tín hiệu báo cho thực khách biết đã đến "khuôn viên" của quán trôi tàu, không cần biển hiệu hay lời mời gọi nào.

7-8 năm đầu nhận lại nghề làm bánh gia truyền của nhà chồng, bà Vân thường gánh hàng từ nhà ở phố Đê Tô Hoàng lên dọc đường phố Huế. Đến những năm 2000, bà ngồi bán cố định ở địa chỉ hiện tại.

Khách đến gánh trôi tàu của bà Vân không chỉ được thưởng thức một món ăn vặt truyền thống mà còn được trải nghiệm kiểu ăn vỉa hè "rất Hà Nội".

Quán không có chỗ ngồi trong nhà, khách ăn tại chỗ sẽ ngồi hàng loạt trên đoạn vỉa hè dài khoảng 6m, rộng 1m. Những chiếc ghế nhựa xanh được xếp thành hàng dài, thực khách tự chọn chỗ, tự đứng đợi đến khi người khác đứng lên. 

Khách nín thở ăn bánh trôi tàu vừa bưng bát, vừa sợ bị đuổi ở Hà Nội-3
Khách ngồi ăn trên vỉa hè, trước cửa nhà dân. Một buổi ăn, có khách phải đứng lên ngồi xuống 4-5 lần khi người trong nhà đi ra, đi vào (Ảnh: Hồng Hạnh).

Những người lần đầu đến quán, đặc biệt là các bạn trẻ thường cảm thấy bất tiện với kiểu ăn "còng lưng, mỏi gối" này. Đặc biệt, vị trí ngồi ngay trước cổng ra vào của nhà dân khiến nhiều thực khách vừa ăn vừa thấp thỏm vì đang ngồi sợ bị đuổi, hoặc phải đứng lên nhường đường cho người, xe ra vào nhà.

Phương Linh (22 tuổi, Cầu Giấy), cho biết: "Tôi biết quán nhờ xem Tiktok, đây là lần đầu tiên tôi ngồi ăn như thế này, cảm thấy hơi bất an. Lần sau nếu đến tôi sẽ mua mang về, hoặc mang vào quán nào đó ngồi ăn thoải mái hơn".

Được mệnh danh là "quán trôi tàu đắt khách nhất Hà Nội", mỗi ngày từ 15-17h, gánh hàng nhỏ của bà Vân bán khoảng 1.000 viên trôi tàu, một thùng chè đỗ đen nóng, một thùng chè bà cốt và một thùng chè sắn cốt dừa.

Theo bà Vân, thứ làm nên sự khác biệt ở mỗi quán bánh trôi tàu là hương vị của nước đường. Để nước đường thơm, ngon, bà Vân dùng gừng già nấu cùng đường mật mía để có màu nâu đậm gần giống mật ong. Khi nước đường sôi, cho tất cả bánh vào đun tiếp, đến khi bánh nổi trên bề mặt là đã chín.

Khách nín thở ăn bánh trôi tàu vừa bưng bát, vừa sợ bị đuổi ở Hà Nội-4
Các món chè nóng, bánh trôi tàu ở quán bà Vân đồng giá 20.000 đồng/bát. Nếu mua về thêm 10.000 đồng tiền hộp (Ảnh: Thanh Thúy).

Khi khách gọi món, bà Vân dùng muôi múc từng viên bánh trôi cho vào bát. Tuy tất cả các nhân đều được thả chung vào nồi nhưng bà Vân có cách riêng để phân biệt từng loại.

Mỗi bát bánh trôi giá 20.000 đồng có ba viên bánh, nước đường, thêm sợi dừa tươi nạo và một thìa mè đen, lạc rang giã nhỏ rắc bên trên.

Bát bánh trôi tàu có màu nâu đậm của nước đường ngọt, hơi sánh, đặc, mùi cay nồng của gừng và hương thơm của mè đen. Viên bánh trôi quán bà Vân có kích thước lớn, đường kính khoảng 3-4cm, thực khách khó mà có thể ăn hết trong một miếng.

Dale (35 tuổi), thực khách người Mỹ, lần đầu thưởng thức trôi tàu bà Vân, chia sẻ: "Hương vị bánh trôi tàu khá đặc trưng, nhân thịt ăn lạ miệng vì vị mặn ngọt lẫn lộn, cùng với nước gừng nóng hổi. Món này khá hợp ăn vào mùa đông".

Khách nín thở ăn bánh trôi tàu vừa bưng bát, vừa sợ bị đuổi ở Hà Nội-5
Khách Tây trải nghiệm món ăn vặt vỉa hè của người Hà Nội (Ảnh: Hồng Hạnh).

Khi cắn viên bánh, thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của vỏ gạo nếp dai, bùi, nhân bánh nhuyễn mịn và nước đường ngọt, dừa tươi giòn sần sật, lạc rang và mè đen béo bùi.

Đưa thêm một thìa nước đường vào miệng, cổ họng sẽ nóng ran bởi vị cay nồng của gừng. Hơi nóng cùng với vị ngọt của nước đường đọng lại, át đi cái lạnh của mùa đông.

Nước đường của bà Vân có độ ngọt khá đậm nhưng không gắt, thực khách có thể thưởng thức hết bát bánh trôi mà không cảm thấy khó chịu ở cổ họng.

Ngoài chè trôi tàu nhân 3 vị khác nhau, bà Vân còn bán chè sắn, chè bà cốt, xôi vò. Đặc biệt chè sắn dừa non (bên phải, ảnh) chỉ bán vào mùa đông, có trân châu nhân dừa, sắn hấp, nước cốt dừa, chè đỗ xanh. Một bát chè sắn dừa non giá 20.000 đồng.

Thực khách lưu ý quán chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản. Do nằm trên đường nhỏ, quán không có chỗ để xe. Khách đến tự tìm chỗ để xe ở đối diện phía bên đường, tự đảm bảo tài sản cá nhân.

Theo Dân Trí