Emily - một bà mẹ 33 tuổi và là TikToker với tài khoản @alwayssingingmom - đã chia sẻ câu chuyện của mình trong một video thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Theo lời kể của cô, sự việc xảy ra vào ngày 5/2 khi chuyến bay còn khoảng hai tiếng rưỡi nữa mới hạ cánh.
Sau hơn 10 giờ ngồi yên tại chỗ, cô lần đầu tiên đứng dậy để đi vệ sinh thì bất ngờ cảm thấy một cơn đau âm ỉ trong lồng ngực. “Tôi ho ba lần và đó là điều cuối cùng tôi nhớ được”, Emily kể lại. Cô ngã gục ngay tại chỗ, đầu đập mạnh xuống sàn, dẫn đến chấn thương mắt và tay.
![]() |
Nữ hành khách chia sẻ chuyến bay kinh khủng của mình trên nền tảng TikTok. Ảnh: @alwaysingingmom/TikTok. |
May mắn thay, một bác sĩ có mặt trên chuyến bay cùng với đội ngũ tiếp viên đã kịp thời cấp cứu. Emily được thở oxy, đưa đến khoang hạng thương gia để nằm nghỉ trong tình trạng liên tục nôn ói và đổ mồ hôi dữ dội.
Sau khi hạ cánh, Emily được đưa ngay đến phòng khám sân bay trước khi chuyển đến bệnh viện ở Dubai. Tại đây, bác sĩ xác định cô bị thuyên tắc phổi yên ngựa hai bên - một tình trạng nguy hiểm khi cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch phổi, có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Các bác sĩ cho biết việc cô sống sót là một “phép màu”, do thời gian nhập viện quá muộn so với tiêu chuẩn điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng của cô bao gồm việc ngồi yên suốt nhiều giờ trên chuyến bay dài, sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen - một loại hormone làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và mặc vớ nén nhưng không kết hợp vận động.
Sau sự cố, Emily nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động trong các chuyến bay dài: "Hãy đứng dậy và đi lại trên máy bay. Nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh rủi ro".
Theo Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), các chuyến bay dài hơn 4 giờ làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) - tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, đặc biệt ở chân.
Ngoài thuốc tránh thai, các yếu tố khác như tuổi tác, tiền sử bệnh lý, chiều cao bất thường và yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Kết thúc video chia sẻ, Emily nhấn mạnh: "Tôi suýt chết chỉ vì không biết những nguy cơ này. Tôi muốn nói ra câu chuyện của mình để mọi người hiểu rõ hơn về rủi ro của cục máu đông và trân trọng cuộc sống hơn".
Câu chuyện của Emily là lời nhắc nhở quan trọng cho những ai thường xuyên di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trên các hành trình dài. Vận động đúng cách và hiểu rõ nguy cơ sức khỏe có thể giúp tránh những sự cố đáng tiếc, thậm chí đe dọa tính mạng.
Theo Tiền Phong