Đầu tháng 4, một du khách chia sẻ hình ảnh mặt biển vịnh Hạ Long ngập tràn phao xốp từ việc ngư dân phá bỏ bè nổi nuôi trồng thủy sản.
Người này cho biết, dù rất muốn tham gia các hoạt động tại đây nhưng thấy cảnh bốn bề là rác, cô không thể thoải mái vui chơi và cảm giác khá thất vọng.
Rác thải nổi lềnh bềnh trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) (Ảnh: H.H).
Tại tọa đàm "Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch", chiều 13/4 tại Hà Nội, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết: "Chúng tôi luôn tự hào với du khách quốc tế về cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam, giới thiệu với họ về mặt biển xanh, bãi cát dài… nhưng đâu đó lại xuất hiện rác thải rất nhiều trên biển, trên vịnh. Đây là một sự phản cảm lớn với khách nước ngoài".
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết, việc ô nhiễm rác thải ảnh hưởng rất lớn đến du lịch (Ảnh: Thanh Thúy).
Theo các báo cáo thống kê từ Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (ITDR), lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn.
Trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni-lông; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm đến du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên.
Đơn cử, tại Vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày đêm.
Mặt khác, tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày đêm có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày. Tại Tuy Hòa (Phú Yên), rác thải nhựa chiếm 18,31% trong 524 tấn rác thải/ngày đêm.
Tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), lượng rác thải nhựa mỗi ngày lên tới 32,1 tấn, chiếm 19% trong 155 tấn rác thải/ngày đêm.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm. Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Đồng quan điểm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường.
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam trên đà khởi sắc, ngày càng đón nhiều khách du lịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của du khách góp phần làm tăng rác thải nhựa.
Cũng tại tọa đàm, nhiều đề xuất trong việc giảm thiểu rác thải nhựa cũng được các chuyên gia đưa ra. Đáng chú ý, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Dự án hướng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các hoạt động truyền thông.
Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch
"Việt Nam cần có sự chuyển biến thực sự trong công tác xử lý rác thải nhựa, thà đưa ra một ý kiến nhỏ nhưng ứng dụng được trong thực tế, còn hơn đề xuất những kế hoạch vĩ đại nhưng không ai thực hiện cả", ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Theo Dân trí