Hiện tượng khách Tây tới Đông Nam Á ăn xin
Du lịch được đánh giá là một trong những điều tuyệt vời nhất mà con người hướng tới. Qua đó, mỗi cá nhân được mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng sự đồng cảm với con người ở mọi chủng tộc và nền văn hóa khác nhau, đồng thời giúp tạo ra nhiều kỷ niệm khó quên.
Ở nhiều quốc gia, du lịch mang tới nguồn thu nhập quan trọng. Một bài viết trên trang Bored Panda từng đưa ra nhận định, "mỗi du khách nên đi du lịch theo cách làm tối đa hóa lợi ích của người dân và doanh nghiệp địa phương. Nếu không đủ tài chính đi chơi, hãy ở nhà chăm chỉ kiếm tiền sao cho mỗi chuyến đi là một hành trình có đạo đức".
Một du khách xin tiền trên đường phố Hong Kong (Trung Quốc) với mục đích muốn du lịch vòng quanh thế giới (Ảnh: Bored Panda).
Xu hướng du khách nước ngoài xin tiền người dân địa phương để tài trợ cho chuyến du lịch đã trở thành vấn nạn xuất hiện ở châu Á, đặc biệt là những quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia.
"Begpacker" là thuật ngữ để gọi chung cho hành vi này. Đây là từ ghép của "beggar" (tạm dịch: ăn xin) và "backpacker" (tạm dịch: khách du lịch bụi).
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế ở Đông Nam Á, khiến nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhưng nó cũng dẫn tới một số "may mắn trá hình" - giảm số người ăn xin.
Vào giai đoạn đầu của đại dịch, các lệnh hạn chế đi lại, áp dụng biện pháp an toàn nghiêm ngặt khiến người dân hạn chế di chuyển. Điều này dẫn tới sự thay đổi của nhóm người ăn xin. Họ không thể xin tiền người địa phương tài trợ cho chuyến đi như trước nữa.
Những hình ảnh này không còn hiếm gặp trên khắp đường phố ở Đông Nam Á (Ảnh: Bored Panda).
Nhưng thời hậu Covid-19, khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ đồng nghĩa với việc đánh dấu sự xuất hiện trở lại của những nhóm khách như vậy, trong đó đa phần là du khách đến từ phương Tây.
Họ chỉ mang ngân sách tối thiểu sang các nước Đông Nam Á, ủy thác việc chi tiêu cho du lịch bằng cách lợi dụng lòng tốt của những người dân địa phương và xin tiền dù ở đây có mức thu nhập thấp hơn.
Hình thức ăn xin trên đường phố rất đa dạng, có thể là "những cái ôm miễn phí", bán vài món đồ thủ công hoặc giơ biển với nội dung "xin quyên góp để hoàn thành ước mơ vòng quanh thế giới". Tuy nhiên, tình trạng này lại là đòn mạnh giáng vào ngành du lịch của nước sở tại.
Các nước đối phó với tình trạng này ra sao?
Theo New York Post, từ năm 2017, chính quyền Thái Lan bắt đầu yêu cầu khách quốc tế chứng minh đủ khả năng tài chính để chi trả cho chuyến đi, mới được nhập cảnh.
Hải quan tại sân bay, cửa khẩu, có thể đề nghị du khách xuất trình ít nhất 20.000 baht (14,3 triệu đồng) tiền mặt. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với tất cả cửa khẩu hay du khách. Nhân viên hải quan sẽ yêu cầu cụ thể tùy từng trường hợp.
Nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp mạnh trước tình trạng này (Ảnh: Mashable).
Bên cạnh đó, năm 2016, quốc gia này áp dụng luật đối với việc ăn xin trên đường phố, quy thành hành vi bất hợp pháp. Động thái này giúp chính quyền sở tại xử lý người ăn xin bất hợp pháp, kể cả người địa phương hay nước ngoài, đều có thể bị tạm giam và phạt tiền.
Trong khi đó tại Singapore, ăn xin bị coi là hành vi bất hợp pháp. Với những cá nhân vi phạm nhiều lần có thể nhận án phạt hơn 2.000 USD (gần 50 triệu đồng) thậm chí ngồi tù tối đa 2 năm.
Theo Dân Trí