Người bạn này biết tiếng Việt, am hiểu không ít về văn hóa Việt Nam. Những nhận xét của anh khi trải nghiệm tiệc cưới của người Việt rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Trước kia, tới giờ làm lễ, một bánh pháo được đốt lên để chào đón và chúc mừng cô dâu chú rể. Giờ, khi không còn tiếng pháo, những chùm bóng bay được thay thế.

Sau khi MC tuyên bố lý do, khách khứa chào đón, chúc mừng cô dâu chú rể thì bóng bay được chích nổ. Tại sao lại bắt đầu ngày hạnh phúc đôi lứa bằng những tiếng nổ vô cảm và kết cục là những mảnh vỡ te tua, rách rưới của bong bóng?

Trong cuộc sống, cụm từ "bóng xì hơi" thường được dùng để chỉ tâm trạng đang bế tắc, chán nản, thất vọng của con người. Điều này tương phản với ý nghĩa trọng đại của ngày vui nhất cuộc đời.

Hiệu ứng âm nhạc, ánh sáng và những tràng pháo tay của quan khách chính là sự thay thế rất hay, đầy ý nghĩa và tránh lãng phí. 

Khách Tây dự đám cưới Việt, bối rối ngồi chung với toàn người không quen-1
Ngày vui văn minh, lịch sự là cách chúc phúc tốt nhất dành cho cô dâu chú rể. Ảnh minh họa: PX

Việc dự tiệc cưới cũng có những chuyện đáng nói. Trong thiệp ghi rõ mời "ông bà", "anh chị" hoặc "anh", "bạn" là hiểu được rằng đã có sự sắp xếp chỗ ngồi nhưng đôi khi "ông bà" lại dắt theo cả cháu tới dự.

Chẳng lẽ để trẻ con đứng ăn, gia chủ đành phải dành riêng ghế cho cháu. Một số gia đình chuẩn bị 1-2 bàn cho trẻ nhỏ nhưng rất hiếm bởi phải tốn thêm chi phí.

Ở một góc độ khác, nhiều gia đình mời khách vô tội vạ dẫn đến trường hợp khách không đi, bàn tiệc bị dư thừa.

Việc tiếp đãi tại đám cưới rất quan trọng, thể hiện tính trang trọng và lòng hiếu khách của gia chủ. Người tiếp khách của hai họ phải mở thiệp ra xem ai là khách của nhà trai, ai là khách của nhà gái để mời vào đúng vị trí.

Ở nhiều đám cưới, khách ngồi chung bàn đều là những người mới gặp nhau lần đầu. Những bàn tiệc như thế thật lạc lõng.

"Để tránh tình trạng này, sao không viết sẵn những tấm giấy cứng để trên bàn tiệc, ghi bàn dành cho ai để khách dễ dàng ngồi đúng vị trí của mình và không khí được vui tươi hơn trong lúc dự tiệc", người bạn của tôi cho ý kiến. 

Trong đám cưới, nhiều người có thói quen gắp thức ăn cho nhau. Nhìn từ góc độ văn hóa, điều này không trái với thuần phong mỹ tục của người Việt nếu dùng muỗng, đũa riêng biệt để san sẻ thức ăn cho nhau trên bàn tiệc.

Tuy nhiên, có người sử dụng muỗng, đũa của chính họ để làm việc đó. Với những người kỹ tính, điều này làm cho họ không hài lòng. Chưa kể, mỗi người có khẩu vị khác nhau, gắp thức ăn mà họ không thích sẽ khiến họ khó chịu.

Để giữ gìn văn hóa và duy trì thói quen này, chúng ta cũng có thể gắp thức ăn cho người khác với một dụng cụ riêng biệt và đặt ra những câu hỏi gợi mở để biết được rằng người nhận có thích món ăn mà chúng ta san sẻ hay không.

Nhiều vị khách lên hát mừng cô dâu chú rể lại là những ca khúc chia ly như: Sầu tím thiệp hồng, Được tin em lấy chồng... Nếu không biết những bài hát chúc mừng đám cưới, mọi người nên chọn ca khúc có giai điệu vui tươi, có ý nghĩa lạc quan.

Ban nhạc nên sưu tập những bài hát đám cưới và lưu vào một thư mục. Khi cần, mọi người chỉ cần mở lên thật tiện lợi và phù hợp. Nhiều bài hát nước ngoài rất hay nhưng không thích hợp với ngày vui của những cặp đôi. 

Đám cưới nhằm mục đích tạo ra sự gắn bó lâu dài nên không thể bỏ qua về hình thức. Dù lớn hay nhỏ, tiệc cưới phải thể hiện được sự nghiêm túc, trang trọng.

Xã hội phát triển, đám cưới cũng thay đổi dần theo thời gian. Tuy nhiên, những gì thuộc về bản sắc dân tộc vẫn cần được gìn giữ và bảo tồn. Nhiều việc không nên chạy theo thói quen chưa được tế nhị của một số người.

Mong rằng trong những buổi tiệc cưới ngược đời sẽ giảm dần, nhường chỗ cho tiệc cưới văn minh và lịch sự.

Theo VietNamNet