128 người phải cách ly tập trung, 651 người là F1
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, tính tới thời điểm chiều 14/3, số trường hợp tiếp xúc gần trực tiếp (F1) với 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận được xác định là 128 người đang được cách ly tập trung. Những trường hợp tiếp xúc với F1 là 651 người, địa phương vẫn đang xác minh thêm.
Tất cả trường hợp trên đều bắt nguồn từ bệnh nhân "siêu lây nhiễm" thứ 34 (nữ doanh nhân kinh doanh vật liệu xây dựng), trong đó bao gồm 10 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều địa phương khác cũng bị ảnh hưởng, điển hình là ca nhiễm số 45 và 48 ở TP. HCM.
Không khai báo thành khẩn
Ngay sau khi phát hiện dương tính virus corona, bệnh nhân 34 đã khai báo không thành khẩn với cơ quan chức năng.
Theo thông tin điều tra dịch tễ được Sở Y tế Bình Thuận công khai thì số 34 không nhớ rõ mình tham quan ở địa điểm nào của New York và Washington (Mỹ). Bệnh nhân khai cũng không tiếp xúc với ai có biểu hiện ho khi tham quan. Khi xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), người này nói mình đi thẳng về nhà bằng xe riêng, "không ghé đâu".
Theo lịch trình của số 34 thì trong 8 ngày ở nhà, bà khai "chỉ ở nhà, rất ít ra công ty". Nếu có ra công ty cũng "chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty". Do vậy, ban đầu danh sách F1 chỉ có 14 người, sau đó lên 17 người, rồi 18 người và đến ngày 12/3 là 21 người.
Bệnh nhân 34 nhiều lần khẳng định mình từ sân bay Tân Sơn Nhất đi thẳng về nhà bằng xe riêng, chỉ ở nhà, rất ít ra công ty, chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, bệnh nhân số 34 có tiếp xúc với nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH TOTO Việt Nam chi nhánh TP HCM.
Theo đó, một số nhân viên kinh doanh của chi nhánh đã gặp mặt trực tiếp với nữ bệnh nhân này trong khoảng 20 phút tại cửa hàng ở Bình Thuận vào ngày 3/3, nhưng không tiếp xúc trực tiếp như bắt tay. Tối cùng ngày, nhóm nhân viên này ăn tối cùng một số người thân của ca 35.
Cụ thể, ngày 3/3, ông S. (người Nhật, Tổng quản lý Chi nhánh TP HCM của Công ty TOTO) cùng 2 nhân viên kinh doanh đã lái xe đến đại lý TOTO tại Phan Thiết do bệnh nhân số 34 làm chủ để làm việc. Cả hai người này hiện đều đã nhiễm Covid-19 (bệnh nhân 45 và 48).
Bệnh nhân số 34 hiện đang điều trị ở Bình Thuận
Gây khó khăn cho cơ quan chức năng, ảnh hưởng tới nhiều người
Trả lời trên Trí Thức Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết bệnh nhân đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương.
Cụ thể như việc bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, tuy nhiên sau này mới phát hiện bệnh nhân từng ở lại TP HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, bệnh nhân còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống.
Một số người tiếp xúc với bệnh nhân 34 là do họ chủ động đến cơ quan chức năng khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm.
Việc có tổng cộng 9 ca nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận đều bắt nguồn từ bệnh nhân thứ 34, đặc biệt phần lớn người bị lây đều trong gia đình. Một bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với Tổ Quốc: "Tất cả sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, mà trước tiên không đi đâu xa chính là gia đình của mỗi người. Đặc biệt, nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, nguy cơ nhiễm bệnh lại càng cao, càng nguy hiểm".
Công an Bình Thuận điều tra hành trình số 34
Liên quan đến nữ bệnh nhân thứ 34 mắc Covid-19 biểu hiện không trung thực trong khai báo, thông tin trên Zing.vn, ngày 14/3, đại tá Đào Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết cơ quan này đã vào cuộc điều tra hành trình của bệnh nhân này.
Đại tá Nghĩa cho biết công an đã đến những nơi có thông tin bệnh nhân này đã tiếp xúc để điều tra. "Đã có điều tra sơ bộ, chúng tôi đang kiểm tra lại để báo cáo cho Tỉnh ủy", ông Nghĩa nói.
Nên công khai danh tính người nhiễm COVID-19
Việc không trung thực (hoặc thật sự không nhớ) của bệnh nhân đã khiến công tác dập dịch gặp khó khăn khi các ca nhiễm bệnh ở TP.HCM. Bởi chỉ đến khi biết ca 34 bị nhiễm bệnh thì các ca ở TP.HCM mới tự cách ly và tìm đến các cơ quan y tế.
Nếu có những người đã tiếp xúc nhưng bệnh nhân số 34 không nhớ để khai và cơ quan chức năng không thể biết để giám sát thì ai sẽ bảo vệ họ và những người xung quanh họ? Thực tế, với việc tiếp xúc hàng trăm người của ca 34 (có người thân, có người không) ở cả chặng đường rất dài thì việc công khai danh tính người bệnh để người tiếp xúc phòng ngừa là cần thiết.
Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền nhân thân của công dân, nhưng quyền nhân thân của một cá nhân không thể lớn hơn tính mạng, sức khỏe của cả cộng đồng.
Nhiều người lo ngại rằng việc công khai danh tính người bệnh khiến cho họ bị kỳ thị, nhưng thực tế những người nhiễm bệnh đã bị đưa đi điều trị, gia đình họ bị cách ly, hàng xóm, đồng nghiệp cũng bị cách ly luôn nên không ai kỳ thị những người nhiễm bệnh. Thực tế họ chỉ cũng là những người nhiễm bệnh và không ai mong muốn mình bị bệnh trong lúc dịch bệnh nguy hiểm trên toàn cầu như hiện nay.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần khởi tố ngay những người khai báo gian dối về y tế gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch khiến dịch bùng phát làm tổn hại đến nền kinh tế và nhân lực của Nhà nước.
MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet