Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, tất niên được tính vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch. Đúng như tên gọi của nó - tất niên như 1 ngày để mọi người tổng kết lại năm cũ, gom góp hết nỗi buồn, khổ nạn để quên đi, rũ bỏ những bụi bặm, lo toan của năm cũ.
Có 2 phong tục đặc trưng, rất quan trọng trong ngày này là tắm tất niên và làm cơm cúng. Người dân thường dùng lá mùi già, pha nước tắm như 1 cách gột bỏ những điều cũ để đón năm mới. Đây cũng được xem là thời điểm mọi người trong gia đình tụ họp đông đủ nhất, quây quần bên mâm cơm. Theo quan niệm của người Việt, bữa cơm tất niên gia đình nào đông đủ mọi người nhất thì chứng tỏ gia đình đấy càng có nhiều may mắn.
Tất niên thường được tiến hành vào chiều 30 Tết. Ảnh: Báo Phụ Nữ
Bữa cơm tất niên thường được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Lễ vật cúng tuy không cần cầu kỳ nhưng phải thể hiện được tấm lòng của gia chủ lên bàn thờ gia tiên. Người xưa thường có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chỉ trong một câu thơ đã liệt kê được hết đầy đủ những yêu cầu dành cho mâm cúng Tất niên.
Theo phong tục, mâm cũng tất niên thường bao gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét)… Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, mâm cơm cúng ngày này cũng có những sự thay đổi nhất định.
Mâm cúng tất niên miền Bắc
Theo quan niệm của người miền Bắc, mâm cúng tất niên thường có 4 bát 4 đĩa được bày trên mâm.
Các món ăn trên mâm được bài trí hài hòa với nhau. Ảnh: Cooky.vn
Đĩa cúng của mâm tất niên bao gồm thịt gà, giò, chả quế, thịt lợn. Ngoài ra, người miền Bắc còn có thêm 1 đĩa xôi gấc để cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn. Các bát trên mâm cúng miền Bắc gồm có bát chân giò hầm măng, bát bóng thả, bát miến dong và bát mọc nấm thả. Một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cúng là bánh chưng ăn kèm là một đĩa hành muối.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn biến tấu mâm cúng với nhiều món ăn khác nhau nhưng đều mang đậm hương vị đặc trưng của miền Bắc như thịt đông, men rán, nộm, gà tần…
Mâm cúng tất niên miền Trung
Ở miền Trung cũng như miền Bắc, mâm cúng tất niên sẽ tùy theo hoàn cảnh mà có món mặn gồm đĩa dưa món, giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả cuốn, đĩa thịt heo luộc, giá chua, măng khô hầm móng giò, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram…
Ảnh: Cooky.vn
Mâm cúng tất niên miền Nam
Vì đặc trưng thời tiết ở miền Nam nắng nóng nên mâm cỗ cúng tất niên ở đây thường ưu tiên đồ nguội.
Cỗ cúng gồm có: bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.
Ảnh: Cooky.vn
Người Việt luôn quan niệm rằng, nếu mong muốn có một năm mới thực sự sung túc thì mâm cỗ tết cần phải đủ đầy, tươm tất. Mâm cỗ Tết còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.
Cùng với sự thay đổi của thời gian, mâm cỗ Tết cũng đã có nhiều thay đổi. Nhiều món ngon truyền thống mất đi vì ngày nào giờ cũng có thể như là tết vì các bà mẹ đảm có thể nấu bất cứ lúc nào. Mỗi gia đình bày trí mâm lễ cúng một khác. Thế nhưng mâm cỗ cũng vẫn mang đậm một nét phong tục vốn. Dù cỗ mặn hay chay, mâm cúng đều được đặt ngay ngắn ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính được bày hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng.
Mâm ngũ quả dành cúng Gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Đĩa/mâm ngũ quả không đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính, mà nên để ở hai bên.
Có thể nói, bữa cơm tất niên là một nét văn hóa, in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Theo Sao Star