"Chuẩn bị cho cái chết chu đáo hơn đám cưới"
Đó là lời thoại của nhân vật Công trong tập 50 Gia đình mình vui bất thình lình. Chính nhân vật này cũng nhận ra màn kịch của cả gia đình và bản thân mình ngày càng trở nên lố bịch.
“Anh khiến cho cả nhà phải buồn, phải khổ tâm tới mức nghĩ ra kế hoạch lố bịch như vậy. Mọi người phải cố gắng làm lố lên, anh cố gắng hùa theo mớ bòng bong khổ sở này”, nhân vật Công nói với hai em Thành và Danh.
Còn về cảm nhận của khán giả, nhiều người ngán ngẩm cho rằng bộ phim càng về cuối càng dở hơi hay kịch bản nhảm nhí kiểu cố dặn cười trên nỗi đau người mắc bệnh ung thư.
Chi tiết cả gia đình dẫn người bệnh ung thư đi xem đất xây mộ được cho là khiên cưỡng, gượng ép.
Những chi tiết thiếu thực tế trong phim được kể đến như tình huống trong tập 49, Công nói với cháu trai đòi ngủ cùng mình rằng: “Chả biết được ngủ với cu Long mấy lần".
Công cũng thẳng thắn nói mình sắp chết khiến cậu bé mới mấy tuổi đầu gào lên trong nước mắt: “Bác sắp chết rồi á. Không, con không muốn bác chết đâu. Con không muốn bác lên bàn thờ ăn cơm giống các cụ đâu".
Lối ứng xử vô lý có phần “dở hơi” của nhân vật Công được Thành (Doãn Quốc Đam) lý giải anh thuộc típ người có tâm lý sầu muộn trầm kha. Tức là dùng sự tiêu cực để giúp Công vực dậy tinh thần theo kiểu “lấy độc trị độc”.
Từ đó, các diễn biến phim tiếp theo càng trở nên lố bịch hơn. Trong tập 50, gia đình bà Cúc (NSND Lan Hương) tiếp tục ủng hộ lối sống tiêu cực của Công.
Sau khi cả gia đình dẫn Công đi tái khám ở bệnh viện bằng xe 16 chỗ, gặp bác sĩ tư vấn như họp cổ đông, các thành viên chuẩn bị quần áo đẹp để Công chụp ảnh thờ. "Đằng nào cũng chết thì thay vì trốn tránh, bây giờ mọi người sẽ đối diện trực tiếp với nó", Hà (Lan Phương) lý giải.
Không dừng lại ở đó, Thành và Danh còn nghĩ ra chiêu đưa Công đi xem đất xây mộ. Ở tình huống khác, khi cánh đàn ông ngồi nhậu ở ven hồ, ông Toại (NSND Bùi Bài Bình) nói với Công: "Thèm cứ uống đi, sống được bao lâu mà phải nhịn". “Em với bố sắp tới còn có bia tươi chứ anh thì chỉ có bia lon mà uống”, Danh bồi thêm.
Đến lúc này, khán giả kêu trời vì kịch bản phim dường như đã đi quá xa. Một số ý kiến được ghi nhận lại như: “Tưởng vui mà cười không nổi”, “Phim ngày càng nhảm nhí, không còn hay nữa”, “Biên kịch cạn ý tưởng tới mức này sao?”, “Diễn biến lan man, khiên cưỡng. Phim nên kết thúc từ lâu rồi mới phải”, “Sau khi khóc cạn nước mắt vì bi kịch, khán giả chuyển sang cười như một người ngớ ngẩn”, “Hệ luỵ nhìn thấy rất rõ từ việc phim vừa quay vừa viết kịch bản. Tôi cho rằng biên kịch, đạo diễn đã quên mất ý tưởng ban đầu mà bộ phim xây dựng, các nhân vật cũng không biết mình là ai. Là đóng phim hay diễn hài nhảm?”…
Phim Việt liên tục rơi vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột": Vì đâu nên nỗi?
Thực tế, các phim Việt hiện nay đang thực hiện theo phương thức “cuốn chiếu” với tốc độ cực nhanh, cực gấp gáp từ cách tiếp cận đến quy trình làm phim. Không chỉ Gia đình mình vui bất thình lình, rất nhiều dự án ở trong tình trạng vừa quay vừa viết kịch bản.
Khi được hỏi, hầu hết diễn viên đều chia sẻ phim được quay song song với quá trình phát sóng. Chính họ không biết kết cục nhân vật mình đảm nhiệm sẽ như thế nào. Đây được xem là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Biên kịch đưa ra nhiều tình tiết, nhân vật nhưng không đủ sức kiểm soát dẫn đến đuối dần khiến nội dung phim bị đứt gãy, thiếu hợp lý. Nhà sản xuất cùng đạo diễn thấy phim thu hút nên yêu cầu biên kịch kéo dài thêm nội dung để tăng số lượng tập dẫn đến lê thê.
Tạo hình của Lan Phương trong phim Gia đình mình vui bất thình lình.
Chia sẻ với Tiền Phong, diễn viên Lan Phương cho biết cách làm phim cuốn chiếu không mới, nhiều nền điện ảnh trên thế giới đã áp dụng phương thức này. Theo đó, ê-kíp làm phim sẽ dựa trên cảm xúc của khán giả để đưa câu chuyện theo chiều hướng phù hợp nhất.
“Với tôi, khó khăn khi quay cuốn chiếu là lúc bắt đầu câu chuyện. Tôi không biết nhân vật của mình sẽ đi đâu về đâu, kết cục như thế nào và phát triển tích cách ra sao. Tuy nhiên, tôi xem đó là thử thách thú vị. Cách làm của tôi đó là tìm hiểu nhân vật rất kỹ trong thời gian đầu, hiểu nhân vật, như chính nhân vật. Khi đã hiểu nhân vật dù có chuyện gì xảy ra, họ vẫn giữ quan điểm, suy nghĩ, cách nhìn từ ban đầu của nhân vật đó để giải quyết tình huống, sự việc sau này”, Lan Phương nói.
Bên cạnh đó, Lan Phương nhấn mạnh cô không đánh giá cách làm việc của mọi người trong ê-kíp, chỉ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. “Một bộ phim hay bất cứ sản phẩm nghệ thuật nào khi ra mắt đều nhận nhiều đánh giá từ phía khán giả. Mỗi người có quan điểm riêng.
Trong ê-kíp Gia đình mình vui bất thình lình, công việc của nhà sản xuất và đạo diễn khó hơn, họ phải tổng hợp các yếu tố và quyết định tạo câu chuyện đi theo chiều hướng nào mang lại hiệu quả tốt nhất theo góc nhìn của họ. Chúng tôi tôn trọng cách xây dựng câu chuyện của đội ngũ sáng tạo. Là diễn viên chuyên nghiệp, tôi cố gắng hiểu nhân vật, hiểu câu chuyện của mình và thể hiện tốt nhất những gì kịch bản mang tới”, nữ diễn viên chia sẻ.
Theo Tiền Phong