- "12 tuổi, biết Sài Gòn có cuộc thi hát, tôi cố tìm cách vào cho bằng được. Lúc đó, tôi đâu có tiền bạc gì. Không hiểu tôi xin thế nào mà chú tài xế hay chở bắp cải vào Sài Gòn cho nằm ở sau xe. Lần đó ở Sài Gòn, tôi hát đứng hạng hai".

- "Tôi cứ hát dù biết không biết hát có được đồng xu nào không. Lúc đó, tôi nghèo xác xơ".

- "Và lúc đó, ông Sơn cũng rất nghèo. Chúng tôi có những tháng ngày ăn chung đĩa cơm và hút chung điếu thuốc, nhưng anh em chúng tôi thân tình"

...

Khánh Ly: Tôi không đi tìm Trịnh Công Sơn-1

Danh ca Khánh Ly kể về một góc sự nghiệp và chặng đường mà bà đã đi qua trong cuộc đời. Và trong chia sẻ của bà không bao giờ thiếu được bóng dáng thấp thoáng của một người anh, tri kỷ trong âm nhạc - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Những kỷ niệm buồn hay vui giữa hai người ở quá khứ thông qua lời giọng kể của Khánh Ly lại khoác một màu sắc mới. Không hề bi lụy, chẳng quá buồn bã hay xót xa, người nghe cảm nhận được giữa hai chân dung âm nhạc ấy một sự gắn kết khăng khít.

Họ đồng điệu về tâm hồn, đồng cảm trong suy nghĩ và đồng hành trong những năm tháng khó khăn để làm nên những ca khúc bền vững cùng thời gian. Nhưng cũng có lúc Khánh Ly rơi nước mắt khi nhớ về Trịnh Công Sơn

"Tôi và ông Sơn từng ăn chung đĩa cơm"

Một ngày trước khi đêm nhạc kỷ niệm 60 năm ca hát diễn ra, Khánh Ly có buổi trà đàm thân mật tại Đà Lạt.

Giữa những hậu bối, bạn cũ, danh ca chia sẻ sở dĩ bà chọn Đà Lạt làm nơi để đánh dấu chặng đường ca hát của mình bởi thành phố này là nơi bà bắt đầu sự nghiệp vào năm 1962. Vì thế, Khánh Ly mang ơn Đà Lạt cũng giống như với Trịnh Công Sơn.

"12 tuổi, biết Sài Gòn có cuộc thi hát, tôi cố tìm cách vào cho bằng được. Lúc đó, tôi đâu có tiền bạc gì. Không hiểu tôi xin thế nào mà chú tài xế hay chở bắp cải vào Sài Gòn cho nằm ở sau xe. Lần đó ở Sài Gòn, tôi hát đứng hạng hai", bà kể kỷ niệm lần đầu đi hát vào năm 12 tuổi.

Khánh Ly: Tôi không đi tìm Trịnh Công Sơn-2
Khánh Ly kể về Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, theo danh ca, khi ấy, mọi người luôn nghĩ ca hát là nghề "xướng ca vô loài". Vì thế, việc bà đi hát không bao giờ được gia đình ủng hộ.

Danh ca kể bà từng gặp gỡ Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt như một cái duyên tình cờ. Tuy nhiên, sau lần gặp đó, bà không bao giờ liên lạc hay đi tìm nhạc sĩ. Và ngược lại, Trịnh Công Sơn cũng vậy. Đến năm 1967, khi về lại Sài Gòn, Khánh Ly có thêm một lần nữa tình cờ gặp Trịnh Công Sơn.

"Lúc đấy, ông Sơn chỉ bảo tôi một câu thôi: 'Mai lên đây hát với anh'. Khi đó, tôi đến hát. Cũng không biết là hát sẽ được cái gì, nhưng tôi cứ hát như thế, không có đồng xu nào cả. Tôi vẫn nghèo. Những năm ở Đà Lạt làm được tiền thì để nuôi con và nuôi mình. Nên khi về đến Sài Gòn, gặp ông Sơn, tôi vẫn nghèo lắm", bà chia sẻ.

"Mặc bộ đồ đi mượn, đi đôi giày xơ xác, không phấn son. Đến hát, tôi hoàn toàn không có gì cả. Ông Sơn cũng rất nghèo. Chúng tôi có những tháng ngày ăn chung đĩa cơm và hút chung điếu thuốc, nhưng anh em chúng tôi thân tình. Cho đến bây giờ, chúng tôi tương kính như tân", Khánh Ly kể tiếp.

Khánh Ly: Tôi không đi tìm Trịnh Công Sơn-3
Danh ca xúc động khi nhớ về những kỷ niệm trong quá khứ.

Khánh Ly cho biết trong cuộc đời, bà không có quá nhiều ân nhân. Nhưng Trịnh Công Sơn là ân nhân lớn nhất của bà. Nhờ ông, bà có một đời sống tốt đẹp hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.

"Ông Sơn hay dạy tôi 'sống trong đời sống cần có một tấm lòng'. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng khi mình nghèo thì tấm lòng không ăn được, nó không cho mình cái áo hay đôi giày thì tại sao mình lại cần tấm lòng.

Hồi nhỏ tôi còn ngây ngô lắm, tôi nói như vậy thì ông Sơn cười. Thật tình lúc đó tôi chẳng nghĩ nhiều, nhưng về sau, khi trải qua nhiều gian truân, khổ ải, tôi mới nghiệm ra được điều ông Sơn nói", danh ca nói.

"Trịnh Công Sơn là người duy nhất tôi nghe lời"

Tự nhận là người thẳng tính, Khánh Ly cho biết bà ít khi nghe lời ai nhưng tác giả Để Gió Cuốn Đi là người duy nhất khiến bà phải kính phục.

Khi nhìn vào cố nhạc sĩ, bà luôn thấy ở đó hình dáng của một người cha nghiêm khắc, ít nói và muốn làm những điều tốt đẹp cho các con.

"Tôi chẳng nghe ai ngoài ông Sơn cả. Đôi khi, tôi nghĩ ông Sơn thương tôi vì tôi nghe lời, thương như cha mẹ thương con biết nghe lời vậy", Khánh Ly bộc bạch.

Khánh Ly cho rằng nhờ cơ hội được hát, đồng hành với Trịnh Công Sơn, tên tuổi của bà mới được nhiều người biết đến. Dù giờ đây, nhạc sĩ đã đi xa, nhưng vì nhiều người thương ông nên họ yêu mến luôn cả bà.

Khánh Ly: Tôi không đi tìm Trịnh Công Sơn-4
Danh ca Khánh Ly ở tuổi 77.

"Không có tôi, Trịnh Công Sơn vẫn nổi tiếng, chẳng làm sao. Nhưng nếu không có ông Sơn thì chẳng ai biết đến tôi cả. Chính vì thế mà tôi biết ơn ông ấy", bà nói.

Lần lượt nhìn từng bức ảnh ghi lại kỷ niệm với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly cho biết mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ họ Trịnh rất đơn thuần, chỉ có thể gọi tên là tình anh em.

Bà chỉ vào bức hình chụp chung với Trịnh Công Sơn và vui vẻ nói: "Trong hình này có hai người đàn ông".

"Ông Sơn có một đám bạn. Các bạn của ông cứ nhìn tôi như một thằng con trai. Mười mấy người đàn ông đó mà chẳng ai thích tôi. Chắc là tôi vô duyên lắm", Khánh Ly kể.

Tiền nhiều để làm gì?

Khánh Ly tiết lộ ngoài công việc, bà là người hiếm khi ra khỏi nhà, ít mua sắm, không tốn nhiều chi phí cho ăn uống. Vì thế, bà không cần nhiều tiền.

"Tiền nhiều để làm gì?. Tôi không hiểu. Tôi nhớ có một người ở Việt Nam từng nói tương tự. Rõ ràng, có tiền chưa chắc đã sung sướng đâu, tôi nghiệm thấy như thế.

Nhiều người sống xung quanh tôi ở bên Mỹ, họ rất giàu có nhưng tôi lại thương hại họ vì sao phải sống khổ như vậy. Muốn nấu một món ăn trong nhà cũng sợ con la, muốn mở tivi lên coi lại sợ cháu không thích", danh ca chia sẻ.

Giọng ca Cát Bụi nói tính cách bà khá đặc biệt. Bà không thích ở gần hoặc nói chuyện với những người cùng tuổi hoặc già cả. Ngược lại, Khánh Ly muốn đi chơi, ăn cơm, trò chuyện với những người trẻ tuổi.

Khánh Ly: Tôi không đi tìm Trịnh Công Sơn-5
Khánh Ly viếng mộ Trịnh Công Sơn.

Danh ca dành sự tôn trọng cho những ca sĩ trẻ tuổi. Bà nói giới trẻ bây giờ hát hay, đầy kỹ thuật nhờ được đào tạo bài bản, tới nơi tới chốn.

"Việc so sánh người 70 tuổi với người 20 tuổi là không công bằng, đặc biệt là trong nghệ thuật. Chúng ta nên chấp nhận điều đó. Các bạn trẻ bây giờ đẹp và tài năng. Hãy cho họ được tự do, muốn hát kiểu nào cũng được, miễn là họ yêu bài hát đó. Không ai không yêu mà hát cả, yêu cách nào cũng là yêu", bà nói.

Theo Zing