Vất vả lên non đón cô bé mồ côi cha đi học
Cô bé mồ côi cha Ly Thị Dính đang học lớp 6B, trường THCS nội trú Sủng Là (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Bé có gương mặt xinh xắn, lanh lẹ, học khá và rất chịu khó.
Nhưng từ khi khai giảng chưa một lần bé xuống trường học. Cô Phạm Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B đã mấy lần trèo núi tới nhà vận động gia đình cho bé đi học, nhưng đều thất bại vì gia cảnh bé phức tạp và quá khó khăn.
Lần này cô Vừ Thị Kía, Phó hiệu trưởng nhà trường cùng cô Huyền lên non với mong muốn đưa bé Dính về trường đi học.
Nhà bé Dính bé tí teo nằm chon von trên sườn núi, mái và xung quanh nhà phải quây bằng ván mỏng, gió nhẹ cũng lùa hiu hắt khắp nơi. Bé Dính có cậu em trai học lớp 3 ở trường tiểu học Sủng Là. Bố bé mất sớm, bé và em trai hiện đang ở với ông nội ruột và bà nội kế.
Ông nội Dính có hai vợ, mỗi bà sinh được một người con trai. Khi con trai bà nội cả là bố của Dính chết, theo tục nối dây của người Mông nên ông nội bắt mẹ Dính phải lấy người chú mới 24 tuổi, là con của bà nội kế.
Tục nối dây của người Mông cũng có cái tốt, bởi họ coi con dâu là con cái trong nhà, chồng chết họ không muốn dâu đi lấy chồng nhà khác vì sợ các cháu sẽ bơ vơ. Vì vậy mới “nối dây” cho người chú cũng là ruột rà, có tình máu mủ mà thương xót cho các cháu đỡ tủi vì cha mất sớm.
Đầu tiên mẹ Dính không muốn “nối dây”, nhưng sau đó không hiểu sao lại đồng ý. Sau khi “nối dây”, bà nội kế bảo con trai bà năm nay có hạn, vì thế bố dượng chỉ làm thuê gần nhà. Còn mẹ Dính phải vượt biên sang làm thuê bên Trung Quốc luôn, lâu rồi chưa thấy về.
Cô Vừ Thị Kía và bé Dính.
Không cho đi học để có người làm nương và chuẩn bị lấy chồng
Khi các cô giáo vào nhà, bé Dính đang lui cui bên bếp củi rang bột ngô làm mèn mén buồn bã ngẩng lên chào. Cái bếp bé tí, củi ướt nên khói cay sè cả mắt. Nghe các cô giáo vận động cho bé Dính đi học, bà nội kế của Dính nhất quyết không nghe, còn dọa nếu các cháu mà đi học, bà sẽ bỏ đi, không nuôi hai cháu nữa.
Bà lấy cớ “mẹ cháu dặn bà là không cho cả hai cháu nội đi học”, rằng con gái học xong cũng chẳng làm gì. Ở đây 13 tuổi là con gái đã bỏ học, ở nhà làm nương rẫy giúp gia đình, rỗi thì may áo váy, rồi lo kiếm tiền để 14 - 17 tuổi là lấy chồng. Rồi bà chửi mắng bé Dính ngay trước mặt các cô.
Biết bé Dính chỉ có em trai và ông nội là ruột thịt bên cạnh. Còn bà nội kế thì thái độ ngày càng quá gay gắt, khiến các cô giáo tưởng phải bỏ cuộc.
May thay đúng lúc đó cha dượng và anh con rể của bà về. Người con rể phân tích cho bà những lợi ích của việc cho các cháu đi học. Đi học cháu sẽ biết con chữ, có kiến thức và biết làm nhiều thứ hơn là đi làm nương. Cuộc sống sau này sẽ tốt hơn. Các cháu đi học còn không bị mất tiền, các chế độ ăn học đầy đủ…, bà cũng đỡ phải nuôi.
Người con rể cũng nói thêm, nếu bà muốn, bé sẽ ăn sáng, ăn trưa tại trường nội trú (theo quy định nhà xa từ 3km trở lên là học sinh được ở nội trú). Buổi tối cháu về nhà ăn tối và làm bớt việc nhà.
Các cô giáo cũng nói Đảng và Nhà nước có nhiều ưu đãi học sinh miền núi, có khó khăn gì thì có các thầy cô giúp đỡ…
Nghe vậy bố dượng của bé Dính nhất trí cho con đi học. Bà nội kế đành phải hứa theo là sẽ cho hai cháu đi học. Nhưng hai cô giáo vẫn lo bà không thả cháu về trường. Sáng hôm sau thấy bé Dính tới trường sớm, các cô mừng quá. Hỏi han mới biết khi các cô về rồi bà nội kế đã mắng bé cả đêm vì “tội đi học”.
Bé Ly Thị Dính buồn bã trong gian bếp chờ các cô giáo vận động bà nội kế cho đi học. Ảnh: C. K
Không muốn trở thành hòn đá kê cột nhà
Hiện tại cuộc sống của bé Dính đói khổ, thiếu thốn đủ bề, thiếu vắng cả bàn tay chăm sóc của cha mẹ... Nhiệt độ vùng cao Hà giang giờ đã rét, đêm ngủ phải đắp chăn bông, gió núi thổi hun hút, ngày mưa dốc đá tai mèo trơn trượt, đôi chân bé Dính nứt nẻ, không tất, phong phanh áo mỏng đến lớp học…
Ở vùng cao rét và tối rất nhanh. Chiều xuống, cô bé lại tất tả leo núi về nhà để kịp làm đủ các công việc nặng của một người trưởng thành như cõng ngô, xách nước…
Cô Vừ Thị Kía tâm sự, bây giờ bà nội kế cho bé Dính đi học, nhưng ít ngày nữa mưa phùn gió buốt, nhiệt độ chỉ 5 - 6 độ C mà bé cứ đi về như thế, rồi đau ốm, đi lại không an toàn. Dịp Tết nhiều việc, có khi bà lại bắt bé ở nhà làm việc.
Để bé được đi học tiếp, ngoài tấm lòng yêu thương giúp đỡ của các thầy cô, bé cần lắm sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để có quần áo, sách vở và những nhu yếu phẩm tối thiểu.
Khát vọng của cô bé nghèo là được học kiến thức để thoát nạn tảo hôn, kẻo cả đời mãi là “hòn đá kê chân cột nhà”.
Theo Gia Đình & Xã Hội