Khán giả đang ngóng theo từng tập Về nhà đi con với đầy đủ cung bậc “hỉ nộ ái ố”, có căm phẫn, tức giận, cũng có cả thương xót, đồng cảm, buồn đau.

Vừa xem, vừa bàn luận, vừa thao thao bất tuyệt bình phẩm, vừa dự đoán kết quả và so sánh chuyện phim với hàng loạt sự vụ có thật ngoài đời.

Sao Vũ giống chồng đứa bạn tôi thế, cũng đào hoa, lăng nhăng, bồ bịch”, “Cạnh nhà tôi có một ông giống hệt ông Sơn, cũng hiền lành, sinh con một bề, gà trống nuôi con”… là chia sẻ của đông đảo khán giả.

Khi ly hôn, bồ bịch và những câu chuyện từ nhà hàng xóm lên phim-1
Hình ảnh người cha nuốt nước mắt vào trong gây xúc động mạnh với khán giả.

Tất cả nhân vật trong phim bỗng trở nên gần gũi như một người họ hàng xa, một bà hàng xóm, một chị đồng nghiệp. Và chẳng phải chuyện nhà ông Sơn, ông Luật nữa mà nội dung phim trở nên gần gũi như chuyện của láng giếng, ngoài phố hay nhà bên cạnh, chứng kiến từ cửa sổ phòng mình.

Về nhà đi con đang đi vào từng bữa cơm gia đình, trong từng câu chuyện “buôn bán” nơi công sở, trong những cuộc “chát chít” đời thường.

Chuyện của chúng ta và chuyện nhà hàng xóm

Những ngày gần đây, câu chuyện về cuộc hôn nhân hợp đồng đầy sóng gió của nhân vật Vũ - Thư đang len lỏi vào khắp các câu chuyện trên bàn ăn, quán trà đá vỉa hè hoặc những hội nhóm mạng xã hội. Cùng với tình tiết trên phim, nhiều câu chuyện có thật ngoài đời cũng đã được chia sẻ.

Chị Ngọc Lê (Hà Nội), một khán giả trung thành của phim không ngại bày tỏ, bản thân từng có người chồng như Vũ. Khi bị bồ của chồng gọi điện “ghen ngược”, chị Lê mới sững sờ, cay đắng. Chị chọn cách ôm con rời khỏi nhà, chấm dứt cuộc hôn nhân đầy nước mắt.

Khi xem phim, chị như bắt gặp lại câu chuyện của mình. Hình ảnh của Vũ như hình ảnh của người chồng cũ năm nào, cũng bảnh bao, thành đạt, “sát gái” nhưng lăng nhăng.

Thấy lại cuộc sống của mình trong đó, chị rơi nước mắt. Chỉ giận bản thân đã không thể có được sự đáp trả lạnh lùng như Thư, đã không thể nói với người tình của chồng những câu sắc sảo như thế, rằng chị cũng "ghê tởm mùi nhân cách rẻ tiền".

Nhưng khác với chị Thư, ở một góc nhìn khác, Thanh Hoài (23 tuổi) lại thấy thương Nhã. Hoài cho rằng cuộc hôn nhân của Thư - Vũ chỉ là bản hợp đồng, đầy tính toán vụ lợi, không được xây dựng từ tình yêu thì việc có người khác xen vào là bình thường.

Thanh Hoài thương cảm cho Nhã vì cô đã bị phụ tình trước đây, mãi không thể quên được người đàn ông cũ. Theo quan điểm của Thanh Hoài, phụ nữ muôn đời bi kịch, chỉ có đàn ông là bạc bẽo nhưng vẫn luôn hưởng lợi từ các mối quan hệ, dù với vợ hay với bồ. “Nhã đáng trách nhưng cũng thực sự đáng thương, cô không đáng bị Linh chửi bới như vậy”, Hoài chia sẻ.

Dạo một vòng mạng xã hội hoặc lắng nghe trực tiếp những ý kiến của khán giả, không khó để nhận ra những quan điểm khác nhau về các nhân vật. Có người đứng về phía nhân vật này, có người lại đồng cảm với nhân vật kia. Âu đó cũng là sự đa dạng vốn có của cuộc sống thực ngoài đời vì “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”.

Khi ly hôn, bồ bịch và những câu chuyện từ nhà hàng xóm lên phim-2
Nhiều khán giả chia sẻ rằng họ đã gặp những người giống Vũ và Nhã ở ngoài đời.

Từ câu chuyện phim, đông đảo khán giả đang kể câu chuyện cuộc đời, giống như thế. Có thể là họ từng chứng kiến hoặc từng trải qua.

Vì từng chứng kiến, từng trải qua, nên họ muốn câu chuyện trên phim sẽ có kết quả theo ý mình, theo cách mà cuộc đời đã diễn ra - như họ thấy. Khắp các trang diễn đàn, mạng xã hội, những cuộc bình luận, tranh cãi diễn ra gay gắt, không hồi kết.

Nhiều người mong Thư - Vũ về bên nhau, nhiều người muốn Thư bỏ Vũ để gặp người đàn ông xứng đáng hơn… Cứ như thế, diễn biến của từng tập phim cũng được chờ đợi, khán giả xem phim như xem chuyện của mình hoặc “hóng chuyện” nhà hàng xóm, bên kia cửa sổ. Do vậy, cảm thấy đầy hấp dẫn, đầy tò mò, đầy chờ đợi.

Lý do phim gia đình có thể gây bão

Những bộ phim lấy đề tài gia đình như Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con đều được xếp lịch lên sóng với các “bom tấn” được hứa hẹn có sức công phá màn ảnh như Người phán xử, Mê cung nhưng không hề bị “chèn ép”, thậm chí còn tạo được “cơn bão” riêng.

Đứng chung “giờ vàng” với Người phán xử, trước sự tung hoành của bộ phim này, Sống chung với mẹ chồng của đạo diễn Vũ Trường Khoa vẫn có được được sức hút khủng khiếp, cũng “làm mưa làm gió” khắp mạng xã hội, không thua kém “bom tấn”.

Những câu chuyện đời thường, giản dị về mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, giữa vợ và chồng trong đời sống hôn nhân phức tạp của bộ phim đã tìm thấy sự đồng cảm mãnh liệt từ khán giả.

Xem phim, khán giả như bắt gặp chính mình, chính câu chuyện của những người xung quanh mình trong từng nhân vật, từng tình tiết.

Khi bàn tán về bộ phim, đông đảo khán giả bình luận về bà mẹ chồng mà họ đang sống chung, hay họ từng gặp, có tính cách tiết kiệm như thế, khắc nghiệt như thế, bênh con trai chằm chặp y hệt như thế.

Trước sự chèn ép của mẹ chồng, khi Minh Vân phản pháo: “Bà động đến ai thì được, nhưng bà đừng động đến mẹ tôi” - câu thoại được chia sẻ khắp mạng xã hội với sự tâm đắc, pha lẫn “hả hê” của biết bao cô con dâu cùng hoàn cảnh.

Cũng với công thức ấy, lấy chất liệu từ đời sống, đưa những nhân vật đời nhất lên phim, Về nhà đi con của đạo diễn Danh Dũng tiếp tục gây bão dù lên sóng cùng một bom tấn khác là Mê cung.

Mê cung được đánh giá cao về kịch bản, được đầu tư, được kỳ vọng và được chờ đợi khi dòng phim cảnh sát hình sự vắng bóng đã lâu. Xem Mê cung có thể nhận thấy, phim được xử lý chắc tay, từng chi tiết được chau chuốt, cách cài cắm, kể chuyện theo lớp lang hấp dẫn, dàn diễn viên hùng hậu, diễn xuất với kỹ thuật tinh tế khi tâm lý, thân phận là trùng điệp bí mật… Thế nhưng, bộ phim gây bão vẫn là Về nhà đi con.

Về nhà đi con đến với khán giả bằng cách làm phim đơn giản, không lớp lang, không hiệu ứng cầu kỳ. Phim thật như chính bản thân câu chuyện, kịch bản, như đời sống đang chảy tràn trên màn ảnh, không màu mè, tô vẽ.

Xem Về nhà đi con, khán giả có thể bắt gặp trong lời nói, trong tính cách, trong dáng ngồi của ông Sơn, có hình ảnh của bố mình trong đó.

Khi ly hôn, bồ bịch và những câu chuyện từ nhà hàng xóm lên phim-3
Dù phát sóng cùng thời điểm với Mê cung, Về nhà đi con không lép vế, thậm chí vẫn gây bão.

Khán giả có thể thấy một chị Huệ nhẫn nhịn, lấy chồng cờ bạc, vũ phu nhưng mãi không thể dứt bỏ được. Chị Huệ ấy cũng giống như một chị nào đó chúng ta quen, chị ấy sống bên kia đường, ngay cạnh nhà.

Khán giả cũng có thể nhìn thấy trong Khải sự nhu nhược, trong cô Xuyến sự lẳng lơ, trong Liễu sự tai quái, trong Linh sự tốt bụng, trượng nghĩa. Và đó cũng là những tính cách của bạn bè, của người thân, của người quen hoặc trong chính mỗi người.

Ngay với nhân vật Dương, với phân cảnh khóc dưới mưa vì thất tình, rất đông khán giả đã thấy thanh xuân của mình ở đó. Ai trong thanh xuân chẳng khóc một lần dưới mưa vì thất tình?

Chính chất liệu đời thường, cách kể chuyện giản dị, đánh vào tâm lý khán giả, dễ lấy nước mắt và sự đồng cảm từ số đông là “bí quyết” giúp những bộ phim như Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con “tạo” bão, chiếm sóng mãnh liệt trên màn ảnh và trong lòng khán giả.

Theo Zing