Ho là một triệu chứng phổ biến của các bệnh nhân Covid-19. Thậm chí, một số người có thể ho kéo dài nhiều tuần hoặc vài tháng sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Khoảng 2,5% số người từng nhiễm Covid-19 vẫn bị ho một năm sau đó.
Ho không ngừng sẽ làm suy giảm khả năng làm việc của bạn, khiến bạn tốn kém tiền thuốc và khiến bạn phải hạn chế tiếp xúc do không muốn người khác e ngại bạn lây lan Covid-19.
Ảnh minh họa: Times of India
Nguyên nhân gây ra cơn ho khi nhiễm Covid-19
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Covid-19 gây ra ho, vì virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến đường hô hấp, từ mũi xuống phổi.
Ho là một trong những cách cơ thể loại bỏ các tác nhân gây kích ứng không mong muốn như virus, bụi và chất nhầy. Khi phát hiện có gì đó lạ trong đường hô hấp, một phản xạ sẽ được kích hoạt để gây ho, giúp loại bỏ chất kích thích ra ngoài.
Mặc dù đây là một cơ chế bảo vệ hiệu quả nhưng cũng khiến virus SARS-CoV-2 lây lan. Đó là một trong những lý do khiến virus này đi khắp thế giới nhanh chóng.
Tại sao ho kéo dài dù đã âm tính?
Viêm là một quá trình phòng thủ mà hệ miễn dịch của chúng ta sử dụng để chống lại Covid-19. Các mô bị viêm sưng và tiết dịch, có nguy cơ kéo dài ngay cả sau khi virus đã biến mất.
Bốn lý do chính liên quan tới tình trạng ho dai dẳng, tất cả đều liên quan đến viêm:
- Nếu đường hô hấp trên (mũi và xoang) bị viêm, chất dịch tạo ra sẽ chảy xuống phía sau cổ họng. Điều này khiến bệnh nhân cảm thấy cần phải hắng giọng, nuốt và / hoặc ho.
- Nếu phổi và đường hô hấp dưới bị ảnh hưởng, ho là cách cơ thể cố gắng loại bỏ chất dịch. Đôi khi không có nhiều dịch nên người bệnh ho khan do mô phổi vẫn sưng gây ho.
- Các đường dẫn truyền thần kinh có thể là nơi viêm nhiễm ẩn náu. Do đó, ho liên quan tới hệ thần kinh trung ương (não) và / hoặc ngoại vi (dây thần kinh), không phải từ chính các mô hô hấp.
- Một nguyên nhân ít phổ biến nhưng nghiêm trọng hơn là mô phổi bị sẹo do viêm, tình trạng được gọi là bệnh phổi kẽ.
Mọi người có thể gặp một loạt các triệu chứng hậu Covid-19, bao gồm ho, bất kể mức độ bệnh nặng, nhẹ. Một số bệnh nhân không quá mệt trong thời gian nhiễm Covid-19, nhưng cơn ho sau khi âm tính khiến họ kiệt sức.
Thời điểm nên đi khám
Chúng ta cần thận trọng để không mặc định ho là là triệu chứng hậu Covid-19 và bỏ sót các nguyên nhân nghiêm trọng khác gây ho mạn tính.
Một điều cần chú ý là bệnh nhân có thể nhiễm vi khuẩn thứ cấp với các dấu hiệu:
- Ho nghe khác, thường xuyên hơn
- Đờm nhiều hơn, có máu
- Có các triệu chứng mới như sốt, đau ngực, tim đập nhanh hoặc nặng hơn là khó thở.
Các bệnh nghiêm trọng tiềm ẩn khác có thể gây ho mạn tính, bao gồm cả suy tim và ung thư phổi. Vì vậy nếu bạn còn nghi ngờ về nguyên nhân gây ho, hãy đi kiểm tra sức khỏe.
Theo Vietnamnet