Khi nào Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19?

Theo chuyên gia, chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường khi 60-75% dân số trong cộng đồng có miễn dịch với Covid-19.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trung bình một bệnh nhân mắc Covid-19 có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 cho khoảng 2,5-4 người. Do đó, với khoảng 60-75% người có miễn dịch trong cộng đồng, chúng ta đã có thể đẩy lùi và kiểm soát được Covid-19 trên toàn bộ quần thể. 25-40% dân số còn lại sẽ hưởng lợi nhờ miễn dịch người khác đã có.

"Khi số lượng người nhiễm virus tăng lên, số người có miễn dịch để khống chế, kiểm soát bệnh cũng tăng. Việc lây nhiễm tự nhiên cũng giúp chúng ta thu được kháng thể. Tuy nhiên, việc này mang đến nguy cơ rủi ro khi người bệnh có khả năng nhiễm thể bệnh nặng, nguy kịch, thậm chí đe dọa tính mạng", thạc sĩ Thái nhận định.

Khi nào Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19?-1
Những nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trang.

Do đó, vị chuyên gia này đánh giá vaccine là chìa khóa để chúng ta tiến đến đủ số lượng người trong quần thể có miễn dịch, qua đó khống chế, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Thạc sĩ Thái giải thích: "Sau khi tiêm vaccine Covid-19, cơ thể sẽ sinh ra nhiều kháng thể, ngăn chặn sự hoạt động của các protein nhú gai (trên bề mặt virus SARS-CoV-2). Lúc này, dù có thể xâm nhập vào cơ thể, chúng cũng không thể hoạt động và phát huy tác dụng lây nhiễm của mình".

Hiệu quả của các loại vaccine Covid-19 trên thế giới hiện rất tốt với tỷ lệ phòng bệnh thấp nhất đạt khoảng 60% như vaccine của hãng Johnson&Johnson (Mỹ). Trong khi đó, vaccine của Công ty AstraZeneca đang được triển khai tiêm tại Việt Nam có hiệu quả phòng bệnh tới khoảng 81%. Ngoài ra, hầu hết loại vaccine Covid-19 hiện này đang tiến tới hiệu quả ngăn ngừa trường hợp bệnh nặng 100%.

Với những lý do trên, thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái nhận định ngoài bảo vệ chính bản thân người được tiêm, việc tiêm phòng vaccine Covid-19 lúc này còn thể hiện trách nhiệm với xã hội, giúp chúng ta nhanh chóng đạt số lượng người cần thiết để có miễn dịch cộng đồng.

"Thông qua con đường vaccine, chúng ta có thể hy vọng tới viễn cảnh quay về cuộc sống trước khi SARS-CoV-2 xuất hiện, bình thường hóa thay vì trạng thái bình thường mới như hiện nay", ông nói.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia, sau một tuần triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19, tổng cộng 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố gồm: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà.

Đối tượng được tiêm bao gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/khi-nao-viet-nam-dat-mien-dich-cong-dong-voi-covid-19-post1193705.html

SARS-CoV-2 COVID-19 vaccine

Tin tức mới nhất