Vụ nổ kinh hoàng tại thủ đô Beirut của Liban khiến ít nhất 100 người chết, hơn 4.000 người bị thương, nhiều nhà cửa bị tàn phá nặng nề sau vụ nổ, trong đó có văn phòng Thủ tướng Hassan Diab.
Đã có rất nhiều giả thuyết đưa ra lý giải nguyên nhân dẫn đến vụ nổ. Người thì cho rằng vụ nổ do kho chứa chất hóa học, người nghĩ đến khả năng đây là một vụ tấn công.
Theo Dân Trí đưa tin, Thủ tướng Liban không nói vụ nổ tại bến cảng ở Beirut là một vụ tấn công quân sự hay khủng bố. Các tay súng Hezbollah và giới chức Israel cũng phủ nhận có liên quan tới vụ nổ. Tuy nhiên, ông Diab dường như xác nhận các báo cáo trước đó rằng vụ nổ tại Beirut bắt nguồn từ một nhà kho gần bến cảng - nơi lưu trữ các vật liệu nổ trong nhiều năm.
Thủ tướng Diab cũng cho biết: “Những thông tin về nhà kho nguy hiểm này, vốn được đưa ra kể từ năm 2014, sẽ được công bố và tôi sẽ không cản trở các cuộc điều tra”.
Văn phòng Thủ tướng Hassan Diab bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. (Ảnh: Twitter)
Ban đầu, nguyên nhân vụ nổ được cho là bắt nguồn từ đám cháy trên tàu chở pháo hoa. Sau đó, Giám đốc Hải quan Lebanon Badri Daher nói với truyền thông địa phương rằng một nhà kho chứa sodium nitrate đã phát nổ, song cũng không loại trừ khả năng một nhà kho khác chứa pháo hoa đã bị cháy trước.
Tuy nhiên, phát biểu trước truyền thông địa phương, Giám đốc An ninh Liban, ông Abbas Ibrahim xác định nguyên nhân dẫn tới vụ nổ là kho chứa 2.750 tấn ammonium nitrate, chủ yếu được sử dụng trong nông nhiệp để làm phân bón. Ammonium nitrate cũng là chất gây nổ mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả trong quá trình sản xuất và lưu trữ.
Bộ trưởng Nội vụ Liban, ông Mohammed Fahmi cho rằng vụ nổ có liên quan tới nhà kho chứa ammonium nitrate - chất có thể được sử dụng trong chế tạo bom.
Được biết, trước đó, vào năm 2015, tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc cũng xảy ra một vụ nổ kinh hoàng tương tự khiến ít nhất 170 người chết, hàng trăm người khác bị thương và nguyên nhận gây nổ được xác định cũng là do Ammonium nitrate. Tương tự, nó cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ nhà máy hóa chất Toulouse, Pháp khiến 29 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương vào năm 2001.
Những góc quay vụ nổ kinh hoàng ở Beirut. Nguồn RT
Qua những góc quay mà hãng tin RT của Nga tổng hợp có thể thấy sức nổ khủng khiếp của vụ nổ này. Nhiều người dân ở đảo Síp cách đó 250km vẫn nghe được tiếng nổ dữ dội.
Khoảnh khắc vụ nổ khủng khiếp ở Liban khiến nhiều khu vực xung quanh bị tàn phá nặng nề
Trước đó, 2 vụ nổ được xác định vào lúc 18h ngày 4/8 (theo giờ địa phương) chỉ cách nhau vài phút. Vụ nổ để lại hậu quả khủng khiếp và được giới truyền thông mô tả như khung cảnh "ngày tận thế".
Nhiều nhà cao tầng cách 4km tính từ trung tâm hiện trường cũng bị hư hỏng nặng. Hàng nghìn người bị thương nghiêm trọng, cây cối đổ rạp, xe hơi tan nát trên đường cùng với máu người vương vãi trên nhiều tuyến phố. Các cửa tiệm, nhà hàng hỏng hóc nghiêm trọng. Một câu lạc bộ đêm gần như bị thổi bay. Đám khói bốc lên sau vụ nổ nhuộm đen trông giống như một thảm họa hạt nhân vậy.
Nhiều người lớn và trẻ em hoảng loạn chạy thoát khỏi hiện trường, bất chấp bỏ lại mọi thứ phía sau, chạy đi trong vô định.
Nổ lớn rung chuyển Liban khiến ít nhất 78 người chết, hàng nghìn người bị thương
Khắp nơi xung quanh là tiếng còi hú của xe cứu thương, những người bị thương nặng đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhiều nhân chứng chứng kiến vụ việc vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ.
Hiện trường vụ nổ ở thủ đô Beirut
Vụ nổ bùng lên kèm theo khói đen nghi ngút bao kín cả một góc trời
Bane Fakih, một nhà làm phim ở phía Tây thành phố nói với CNN: "Tôi đang ở hiên nhà khi vụ việc xảy ra, cả khu phố hoảng loạn. Vụ nổ rất mạnh, tôi chưa từng sợ hãi như vậy".
Nhà hoạt động Maya Ammar cũng chia sẻ: "Tôi chưa từng thấy Beirut như vậy. Beirut hôm nay giống như trái tim chúng tôi. Chúng tôi không còn gì. Chúng tôi nghĩ rằng tình hình không thể tồi tệ hơn, nhưng rồi vụ việc xảy ra".
Hiếu Thảo (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet