Huệ lần đầu làm mẹ. Con trai cô đã được 4 tháng tuổi. Hết thời gian ở cữ 1 tháng đầu cô ăn ở trong phòng, thì cô ra ngoài ăn chung với mọi người trong nhà. Nhưng vì con nhỏ, nên đến bữa cơm cô luôn một mình bế con, đợi khi mẹ chồng cô ăn xong, ra trông thay cho cô, thì cô mới được ngồi vào ăn.
Cô biết, cảnh con mọn là vậy, và cô cũng vui vẻ chấp nhận, dù trong nhà ngoài mẹ chồng thì bố chồng và em gái chồng không bao giờ là người bế thay con giúp cô, dù có ăn xong xuôi ngồi khểnh chân uống nước nhưng vẫn mặc cô bận bịu với con và cơm còn chưa có hạt nào vào bụng. Nhưng thôi, con mình thì mình trông, cô đâu dám đòi hỏi gì nhiều.
Chồng cô đi làm từ sáng tới tối mới về, nhưng buổi tối cô cũng vẫn phải ăn cơm sau cùng một mình, vì chồng cô chả đời nào chịu bế con cho cô ăn trước. Thôi Huệ cũng chẳng phàn nàn về chuyện đó làm gì, đàn ông mà, mong hòng gì họ tâm lí nhường nhịn phụ nữ ở khoản đó.
Ảnh minh họa
Nhưng, có một điều, đó là mỗi khi nhìn mâm cơm còn lại cả nhà phần cho mình, cô thật sự không thể tìm ra lí do gì để AQ mà vui vẻ chấp nhận nổi. Lúc đầu chồng cô nói phần thức ăn lại riêng cho cô, nhưng bố mẹ chồng cô gạt đi, nói ăn trước ăn sau luôn ấy chứ có phải đi vắng đâu mà cần phần. Và thế là, từ khi ra ăn chung với mọi người, Huệ lúc nào cũng phải ăn “cơm thừa canh cặn”, thật không ngoa chút nào.
Có hôm có canh móng giò nấu hạt sen, mẹ chồng cô đi khoe khoang với hàng xóm là nấu để con dâu ăn cho nhiều sữa, nhưng cuối cùng con dâu là cô chẳng được miếng nào, vì canh ngon quá nên cả nhà đã ăn hết trước. Đến khi mọi người đánh chén no nê, cũng là lúc cô được ngồi vào mâm cơm thì bát canh đã nhìn thấy rõ đáy. Có bữa nhà thịt gà, mà gà này là một người họ hàng đằng nhà cô cho để mẹ con cô tẩm bổ. Nhưng đến lúc cô được cầm đôi đũa lên gắp thì chỉ còn lại toàn miếng đầu cánh, cổ và chân, xương xẩu khó nhằn.
Những bữa phải ăn cơm rau và thịt mỡ thì là chuyện thường xuyên đối với Huệ. Một mâm cơm ngon nghẻ, nóng hôi hổi, thơm phưng phức là thế được dọn lên, bố mẹ chồng và em chồng Huệ coi như không cần biết đến vẫn còn một người ăn sau Huệ mà thản nhiên ăn theo sở thích, cứ miếng ngon miếng nạc mà gắp, và ăn thỏa thuê, có hết cũng… chẳng ảnh hưởng gì tới họ! Và Huệ - đang nuôi con nhỏ, nhưng còn gì thì ăn nấy, chứ chẳng bao giờ được ai thương tình nghĩ tới cả.
Ban đầu Huệ còn tưởng mình đưa ít tiền cơm canh cho mẹ chồng, nên cô đã chủ động đưa thêm, nhưng tình trạng vẫn chẳng cải thiện gì. Từ đấy cô mới biết, thật ra là do lòng quan tâm và ý thức của những người nhà chồng cô mà thôi.
Huệ thường xuyên phải bấm bụng, nuốt nước mắt vào trong mà ngồi ăn cơm. Không ăn thì mình đói, con mình không có sữa để bú. Mà chất lượng bữa ăn như thế, Huệ cũng thấy lo lắng cho nguồn sữa của con cô. Về lâu về dài thật không tốt chút nào.
Huệ quyết định, sẽ tranh thủ nhờ mẹ chồng trông hộ bé để lẻn ra ngoài ăn thêm. Nhưng được 1,2 lần, đến lần thứ 3 mẹ chồng cô đã thắc mắc ngay, rằng ra ngoài làm gì mà ngày nào cũng đi 2 bận thế, hay là lén gặp gỡ… tình nhân! Huệ choáng váng, đến lí do ấy mà mẹ chồng cô cũng nghĩ ra được. Mà đúng là cứ thế này cũng không phải cách hay. Nếu nhỡ có ai trông thấy cô đi ăn hàng, rồi tới tai bố mẹ chồng cô, thì nguy to! Do đó Huệ quyết định không đi nữa, chấp nhận những bữa cơm chẳng ra làm sao ở nhà chồng.
Có hôm Huệ đang ăn cơm, mẹ đẻ cô gọi điện đến, biết cô đang ăn cơm thì cũng tiện mồm hỏi hôm nay có món gì. Huệ tự dưng rơm rớm nước mắt, nào dám nói thật, chỉ trả lời qua loa vào câu rồi vội vã cúp máy. Nhìn mấy miếng thịt mỡ trắng hếu trong mâm và đĩa rau luộc còn nửa già, Huệ bỗng dưng cảm thấy thương mình, thương con trai vô hạn. Đúng là đừng trông chờ vào bất kì một ai, tự mình phải lo cho thân mình trước tiên.
Thôi mong sao nhanh chóng qua những ngày tháng này, đến lúc đi làm lại, cô sẽ không cần ăn cơm nhà, thoải mái muốn ăn gì thì ăn bên ngoài, tan làm về có thể mua đồ ăn về ăn đêm, tránh trường hợp tối ăn không đủ no vì toàn phải ăn cơm thừa canh cặn. Huệ ngậm ngùi đành tự an ủi mình như vậy, chứ thật sự cô cũng chẳng biết làm sao bây giờ nữa.
Theo Trí thức trẻ