Nguồn tin của VietNamNet chiều 22/4 cho hay, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến đơn tố cáo của các cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
CQĐT khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Trước đó, Công an TP.HCM cũng khởi tố bị can đối với bà Hằng để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Như vậy, liên quan đến Bà Hằng, cơ quan tố tụng của hai tỉnh đều khởi tố, điều tra cùng một tội danh.
Bà Nguyễn Phương Hằng
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trường hợp bị can bị khởi tố về nhiều tội danh hoặc phạm nhiều tội, CQĐT có thể nhập vụ án hình sự để giải quyết trong cùng một vụ án.
Theo luật sư, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Nếu một người thực hiện 1 hành vi vi phạm pháp luật đã bị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra thì các cơ quan khác sẽ không xử lý, trừ trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, mỗi hành vi đều thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Nguyên tắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự là hành vi phạm tội xảy ra ở địa phương nào, địa bàn nào thì cơ quan tố tụng ở địa phương đó, địa bàn đó có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn thì nơi nào phát hiện đầu tiên, nơi đó sẽ giải quyết. Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm pháp luật thực hiện trên không gian mạng, cơ quan nào phát hiện trước tiên, cơ quan đó sẽ giải quyết mà không phụ thuộc vào việc người vi phạm cư trú ở đâu hoặc nạn nhân cư trú ở đâu, hay hậu quả xảy ra ở đâu.
Việc này được quy định cụ thể tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Về nguyên tắc, trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương, hành vi xảy ra ở mỗi địa phương đều cấu thành tội phạm thì có thể sẽ có nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cùng xem xét xử lý.
Trường hợp một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội thực hiện những những hành vi livestream, chửi bới xúc phạm người khác trên mạng xã hội, đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý sức khỏe của nhiều cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức nhiều lần, mỗi lần đều thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về một tội danh với tình tiết là phạm tội nhiều lần.
Hoặc cũng có thể người này sẽ bị khởi tố về nhiều tội danh khác (như Làm nhục người khác, Vu khống, Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân) khi cơ quan tố tụng có căn cứ cho rằng, chủ thể đó có nhiều hành vi vi phạm và xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ.
Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm ở nhiều địa phương thì có thể sẽ bị khởi tố ở nhiều địa phương, nhưng sau đó cơ quan tố tụng cũng có thể nhập vụ án hình sự để một CQĐT xử lý theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Bởi vậy, trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP. HCM và Công an tỉnh Bình Dương cùng khởi tố về một tội danh mà không bị xử lý thêm về tội danh nào khác thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhập vụ án hình sự để cùng điều tra.
“Rất có thể Công an tỉnh Bình Dương và Công an thành TP. HCM sẽ thống nhất để nhập vụ án hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự. Trừ trường hợp bị can phạm nhiều tội, việc nhập vụ án hình sự sẽ gây khó khăn cho CQĐT, hoặc gây khó khăn cho những người bị hại”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.
Theo VietNamNet