Chiều 26/7, thượng tá Lù Văn Lịch, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, đã ký quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự) để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La có dấu hiệu bị sửa điểm.
Quyết định khởi tố được cơ quan điều tra ban hành sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra Hội đồng thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.
Quyết định khởi tố vụ án.5 cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La liên quan sai phạm
Ngày 23/7, sau khi làm việc với các bên liên quan, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ GD&ĐT tại Sơn La đã công bố về những sai phạm sau kỳ thi THPT quốc gia ở tỉnh này.
Theo ông Trinh, bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm khâu chấm thi, sửa chữa bài thi trắc nghiệm của một số thí sinh. Cụ thể:
1. Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.
2. Tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định: Phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.
3. Quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định.
4. Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La.
5. Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.
6. Việc bàn giao bài thi giữa các Điểm thi với Hội đồng thi Sở GD&ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.
Xác minh ban đầu thấy những người liên quan vi phạm quy chế thi THPT quốc gia 2018 gồm: ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, Uỷ viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm và ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.
Nói về vụ việc, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay sẽ giải quyết triệt để vụ việc trên tinh thần cầu thị, không bao che, lỗi đến đâu xử lý đến đó. Xử lý nghiêm trách nhiệm của từng cấp, từng người có giải pháp xử lý đồng bộ.
42 bài thi Ngữ văn thay đổi điểm sau chấm thẩm định
Theo danh sách do Sở GD&ĐT Sơn La cung cấp, 42 bài thi Ngữ văn của thí sinh tỉnh này được điều chỉnh điểm sau khi chấm thẩm định. Số điểm chênh lệch so với điểm công bố hôm 11/7 từ 0,25 đến 4,5 điểm. Một số trường hợp điểm tăng so với điểm ban đầu.
Trước đó, tại buổi họp báo ngày 23/7, tổ công tác của Bộ GD&ĐT cho biết 17 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy (chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm).
Kết quả chấm thẩm định cho thấy có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có 1 bài có điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Như vậy, căn cứ danh sách trên, số lượng bài thi chênh từ 1 điểm trở lên khớp với thông báo của tổ công tác. Ngoài ra, một số bài có sự chênh lệch điểm trước - sau dưới 1 điểm.
Trao đổi với VietNamNet về việc tại sao số lượng bài chênh lệch điểm do tổ công tác cung cấp không khớp với con số do sở thống kê, ông Phạm Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - lý giải số bị lệch này là những bài thi bị lệch ít (dưới 1 điểm).
Theo ông, với môn Ngữ văn, chênh lệch 0,25 hay 0,5 giữa những người chấm khác nhau là điều bình thường do quan điểm, cảm nhận của người chấm.
Tướng công an và luật sư nói gì về vụ gian lận thi cử
Để điều tra việc này, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược, Bộ Công an cho rằng Bộ GD&ĐT cần mời chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ Công an và các tổ chức bên ngoài làm việc, quyết tâm tìm ra kết quả trả lại sự công bằng cho thí sinh, cũng như tìm ra căn nguyên để khắc phục, tránh lặp lại sai lầm.
Ông Cương nói việc điều tra là khó nhưng không thể vượt qua được các chuyên gia công nghệ thông tin, chắc chắn họ làm được. Ví dụ giữa vết tô trắc nghiệm cũ và mới, mắt thường không nhìn được, nhưng khi dùng hệ thống phóng đại thì sẽ tìm ra. Thậm chí, hệ trung cấp của công an có thể cho ra kết quả chứ không cần đến cao cấp. Nhiều vụ án còn khó hơn nhiều, chúng ta đều làm được.
"Tôi hoàn toàn tin việc điều tra này sẽ cho ra kết quả, vấn đề các bộ ngành liên quan có quyết tâm hay không", tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn về vụ sai phạm trên, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định việc sửa hoặc tẩy xóa bài thi của thí sinh là trái với quy chế của kỳ thi. Người trực tiếp can thiệp bài thi trắc nghiệm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Luật sư đánh giá việc điều chỉnh kết quả thi đã làm ảnh hưởng đến các thí sinh học tập, thi cử nghiêm túc và có kết quả cao theo thực lực. Từ đó, hành vi này gián tiếp tước đoạt và làm mất đi tương lai, mất đi cơ hội của những thí sinh nghiêm túc.
Trước mắt, cơ quan chức năng Sơn La cần nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Tiếp đó, cơ quan điều tra làm rõ, khởi tố bị can để xử lý nghiêm minh cá nhân sai phạm.
Người có hành vi sửa hay tẩy xóa bài thi phải là người có chức vụ, quyền hạn mới tiếp cận được các tài liệu mật đó. Hơn nữa, người đó đã lợi dụng trách nhiệm được giao để thực hiện hành vi sửa điểm, sửa bài thi nhiều khả năng vì động cơ vụ lợi.
Sơn La chỉ đứng sau Hà Giang về số bài thi đạt từ 27 điểm trở lên ở 5 khối xét tuyển đại học. Đồ họa: Nguyễn Sương.
Trao đổi với Zing.vn trước đó, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), cho biết dữ liệu điểm thi của 10.387 thí sinh ở Sơn La cho thấy kết quả đáng ngờ nhưng mức độ không nghiêm trọng như ở Hà Giang.
Theo thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018, tỉnh miền núi Sơn La có điểm trung bình các môn là 4,21 - thấp nhất cả nước. Thí sinh của cụm thi này đạt điểm trung bình thấp nhất nước ở 3/9 môn thi: Toán, Địa lý và Giáo dục Công dân.
Tuy vậy, thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi năm nay lại đến từ Sơn La, với tổng điểm 6 môn đạt 54,35. Cụm thi này đồng thời đóng góp 3 em trong top 50 thí sinh có điểm thi cao nhất nước.
Theo Zing