Không có tiền đưa con đi nghỉ lễ, tôi bị chồng đay nghiến là đàn bà vô dụng

Khi tôi nói không có tiền đưa con đi du lịch dịp lễ 30/4-1/5 này, chồng tôi sừng sộ quát: 'Cô quản lý tài chính gia đình kiểu gì thế, đàn bà mà đoảng, vô dụng'.

Đã chục ngày nay, gia đình tôi ở tình trạng cực kỳ căng thẳng. Vợ chồng tôi không nói chuyện với nhau. Con cái lấm lét nhìn bố mẹ. Ngày lễ đi ra đi vào nhìn nhau, ai cũng đằng đằng sát khí. Tất cả bắt nguồn từ câu chuyện nghỉ lễ đi đâu.

Chẳng là, khi lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay được thông báo là sẽ kéo dài 5 ngày thay vì 2 ngày như mọi người vẫn tưởng trước đó, chồng và các con tôi đều muốn đổi kế hoạch về quê bằng một chuyến đi chơi xa.

Trong khi tôi còn bận bịu với đủ thứ việc nhà, việc cơ quan, chưa kịp nghĩ đến những chuyện ấy thì ba bố con đã bàn bạc với nhau đủ kiểu, như thể mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ chờ đến giờ là lên đường. 

Có lẽ vì cả nhà đều đã coi việc đi chơi là đương nhiên nên khi vấn đề được nêu ra ở bữa cơm gia đình và tôi phản đối, cả ba bố con đều phản ứng cực kỳ gay gắt. Hai đứa trẻ thắc mắc rằng các con đã thi xong học kỳ 2, bố mẹ đều được nghỉ, tại sao không thể đi chơi.

Còn chồng tôi thì sửng cồ, gần như gào lên với tôi, rằng sao tôi có thể nói "không được" một cách đơn giản thế, rằng tôi làm mất hứng của các con, rằng "cô thích suốt ngày ru rú ở nhà tùy nhưng cũng phải cho các con thay đổi để chúng nó có những trải nghiệm mới chứ"....

Không có tiền đưa con đi nghỉ lễ, tôi bị chồng đay nghiến là đàn bà vô dụng-1
Không có tiền đưa con đi nghỉ lễ, chồng đay nghiến tôi là đàn bà đoảng. (Ảnh minh họa)

Sau hàng loạt câu hỏi tại sao, tôi chỉ có thể nói thẳng rằng nhà mình hết tiền rồi, hiện tại không còn khoản để dành nào cho việc đi chơi cả.

Tôi cứ tưởng lý do đó đủ để làm nguội ba cái đầu đang bốc hỏa kia, ít nhất là người đàn ông lớn nhất nhà, ai dè tình hình lại như lửa đổ thêm dầu. Hai đứa con đang học lớp 10 của tôi mặt nặng như đeo đá, hầm hầm bỏ lên phòng. Còn chồng gườm gườm nhìn tôi bằng "đôi mắt hình viên đạn" rồi gào lên: "Cô quản lý tài chính gia đình cái kiểu gì thế? Đàn bà gì mà đoảng, vô dụng! Mấy chục triệu một tháng mà không dằn lưng nổi một chuyến đi chơi".

Chồng tôi còn nói rất nhiều, nhưng sau đó tôi không còn nghe nổi nữa. Tai tôi đã ù đi ngay khi nghe thấy những từ đầu tiên mà anh ném vào mặt. Tôi thực sự choáng váng và buồn bã. 

Sau trận sỉ vả đó của chồng, chúng tôi không nói chuyện với nhau được nữa. Chục ngày nay, sau giờ làm, ngày nào chồng tôi cũng đi uống bia với bạn, nửa đêm mới về nhà, sáng sớm lại đi. Tôi một mình đối mặt với hai đứa con có lẽ đang oán trách mẹ, lòng vẫn đau vì những câu nói của chồng.

Tôi có đáng bị như vậy không?

Tôi đã lấy chồng 19 năm. Hai đứa đều là thanh niên quê ra tỉnh, bám trụ thủ đô, xây dựng được cuộc sống vừa vặn cũng không dễ dàng gì. Chúng tôi cưới nhau rồi sinh con đẻ con cái, ở nhà thuê 10 năm cho đến khi mua được cái chung cư nhỏ xíu ở năm thứ 11. Từ đó, gia đình tôi sống khá ổn.

Chồng tôi làm ở một đơn vị kế toán độc lập, có mức thu nhập khá. Mỗi tháng anh góp cùng tôi 15 triệu đồng cho các chi phí sinh hoạt chung của gia đình. Thời gian này, công việc làm truyền thông của tôi cũng khá tốt. Vì thế, ngoài việc chi tiêu gia đình ở mức khá, chúng tôi còn có khoản dành dụm đều đặn mỗi tháng. 

Đợt dịch COVID-19 vừa qua, vợ chồng con cái ở nhà nhiều, phát sinh nhiều nhu cầu về không gian, chúng tôi nhận thấy căn hộ hơn 50m2 không còn đủ đáp ứng nữa. Cùng bàn bạc, tính toán, hai năm trước, vợ chồng tôi quyết tâm vay ngân hàng, bán chung cư, dồn tất cả tiền tiết kiệm được đổi sang một căn nhà mặt đất, dự tính nếu thu nhập vẫn ổn như những năm qua thì 2-3 năm là hết nợ. 

Có điều, người tính không bằng trời tính, sau khi đổi nhà, công việc của tôi khó khăn hơn nhiều, hai đứa trẻ sinh đôi lại vào giai đoạn chuyển cấp. Tôi quyết định chấp nhận một công việc nhẹ nhàng hơn với mức lương thấp hơn.

Từ thời điểm này, tất cả thu nhập của tôi chỉ còn 10 triệu đồng, chồng tôi vẫn duy trì mức đóng góp 15 triệu đồng; cả gia đình 4 người có 25 triệu đồng mỗi tháng để trang trải mọi thứ.

Con số này nghe thì không nhỏ, nhưng gia đình tôi mỗi tháng trả ngân hàng mất 6 triệu đồng, điện - nước - internet 1 triệu, tiền xăng dầu, ăn trưa của tôi và chi phí điện thoại là 1 triệu, biếu bố mẹ hai bên 2 triệu; tiền học ở trường, học thêm của hai đứa trẻ 8 triệu. Còn 7 triệu đồng cho tất cả chi phí ăn uống, sức khỏe, ma chay hiếu hỉ, thăm hỏi... Thực sự tháng nào tôi cũng ở tình trạng co kéo ngang dọc mới tạm đủ. 

Những khoản như bảo hiểm nhân thọ, đi chơi hè cho con cái, tôi phải đổi hết từ những món trang sức đã mua ở giai đoạn trước và gom các khoản thưởng nho nhỏ các ngày lễ vào.

Chồng tôi khoán trắng cho tôi 15 triệu đồng/tháng dù lương anh cao gần gấp đôi; 15 năm nay anh chưa từng thêm đồng nào, cũng không giúp tôi việc gia đình hay con cái. Tôi vẫn âm thầm cố gắng xoay xở, chưa một lần kêu ca với chồng.

Bình thường, đối với việc đi chơi hè của con cái, kể cả hồi còn dư dả, đều là tôi lên kế hoạch và chuẩn bị tiền bạc. Ngoài việc sử dụng các loại tiền phúc lợi từ cơ quan mình, tôi còn trích phần chi tiêu gia đình hàng tháng bỏ riêng một quỹ. Nhưng hai năm nay, tôi không thể dành dụm được gì vì lúc nào cũng căng lên gồng gánh, nhất là vừa trải qua cái Tết Nguyên đán tốn kém.

Hơn nữa, kỳ nghỉ dài dịp 30/4-1/5 là một tình huống đốt xuất, không có trong kế hoạch của gia đình tôi.

Có thể nhiều anh chị nghĩ tôi đang ngụy biện cho sự vụng lo của mình. Nhưng quả thực tôi đã dồn tất cả khả năng. Tôi gần như không chi tiêu gì cho cá nhân. Tôi không làm thêm được  là bởi không có thời gian; hai năm nay cả ngày cứ xoay tròn đón bọn trẻ đi học thêm, học chính.... rồi lại lo việc cơm nước nhà cửa, cha mẹ già yếu đôi bên. 

Tôi tự thấy mình đâu có làm gì nên tội. 

Ấy vậy mà, chỉ một lần tôi nói "không" vì không thể gồng gánh thêm những khoản phát sinh được nữa, chồng tôi đã trở mặt với vợ như thế. Đã 10 ngày nay, anh không hề có động thái xin lỗi hay làm lành, nghĩa là anh hoàn toàn cho là mình đúng. Ngay cả bọn trẻ cũng bóng gió bố mỗi tháng đưa bao nhiêu tiền thế mà mẹ cũng tiêu hết....

Tôi không thể kể lể với con rằng mẹ đã nuôi các con tốn kém ra sao. Tôi cũng không thể nói với chúng rằng bố đưa mẹ 15 triệu đồng nhưng con số đó chẳng đáng gì so với những khoản chi một tháng cho cả nhà mình.

Là người quản lý gia đình, tôi có mua phần mềm thu chi nho nhỏ, đã xuất file gửi cho chồng, nhưng cũng không nhận được phản hồi. 

Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm và bàng hoàng nhận ra rằng, vấn đề giữa hai vợ chồng tôi không phải chuyện nhà còn tiền hay hết tiền, mà là sự tôn trọng, sự thấu hiểu, thông cảm của anh đối với tôi hoàn toàn không có. 

Chồng tôi đóng góp cho ngân sách gia đình, vì anh xác định đó là khoảng tiền phải chi. Còn lại, anh giữ riêng làm gì tôi không được biết, cũng chưa từng có ý nghĩ trích ra san sẻ với tôi trong giai đoạn khó khăn.

Tôi vô cùng đau lòng khi nhận ra những điều này. 

Cuộc sống rồi vẫn phải tiếp diễn. Tôi không phải kiểu gái trẻ hễ cãi nhau thì buông bỏ "vậy từ giờ anh tự lo, tự làm đi"...  hay động cái thì vùng vằng đòi ly hôn. Nhưng quả thực, lòng tôi đang tổn thương sâu sắc. 

Tôi nên nói gì, làm gì với chồng để anh hiểu những cố gắng của mình?  Tôi nên làm gì với cả những đứa con nông cạn, đã 16 tuổi nhưng quen sống ích kỷ chỉ biết nhận một chiều bây giờ đây?

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/khong-co-tien-dua-con-di-nghi-le-toi-bi-chong-day-nghien-la-dan-ba-vo-dung-ar867901.html

ly hôn hôn nhân

Tin tức mới nhất