Dịp thu đông này bạn bè tôi cưới khá nhiều, và một trong những chủ đề mà gia đình, nhóm bạn vẫn hay bàn luận là vàng cưới.
Không biết từ bao giờ, việc người thân, họ hàng, bạn bè đôi trẻ lên sân khấu trao vàng cho cô dâu trở thành một màn quan trọng trong hôn lễ, thậm chí nhiều người chờ đợi nó như một dấu hiệu để so sánh mức độ sang chảnh của đám cưới và gia thế của hai nhà.
Trên mạng xã hội, nhiều đám cưới trở nên nổi tiếng không phải vì cô dâu chú rể là người của công chúng mà vì số vàng lớn được trao, hay những bộ trang sức "khổng lồ" bằng vàng ta khiến cô dâu nặng trĩu cả tay lẫn cổ.
Mùa cưới năm nay diễn ra trong thời gian tin tức về giá vàng luôn là "kỷ lục", "kịch trần", "tăng dựng đứng"..., do đó chuyện sắm vàng cưới là nỗi lo của nhiều gia đình. Không phải nhà nào cũng giàu, nhưng nhà nào làm đám cưới cũng phải có màn trao vàng cho khỏi thua kém, vì thế mà ở nhiều hôn lễ, những dây vàng miếng hay bộ nữ trang "khủng" mà cô dâu được tặng trên sân khấu thực chất chỉ là "trao tượng trưng", là đồ thuê, cưới xong phải tháo ra trả.
Nhiều cô bạn tôi nói, họ thấy khổ sở khi phải đeo những bộ vòng cổ, vòng tay to đùng, vàng chóe, quê một cục, không ăn nhập gì với bộ đồ cưới tinh tế, hiện đại mà họ kỳ công chọn lựa.
Tuy nhiên, vì tôn trọng người lớn, tôn trọng món quà được tặng, họ chấp nhận đeo. Có điều, nếu đó chỉ là vàng đi thuê thì họ không hiểu nổi tại sao mình phải đeo, vì hình ảnh cô dâu kém đẹp, còn cha mẹ thì mất tiền thuê, lại còn nơm nớp lo phải đền nếu như bị gãy, hỏng hay mất.
Cô dâu được trao vàng trong ngày cưới. (Ảnh minh họa: Cưới hỏi Ngọc Linh)
Tôi hiểu, việc bố mẹ hai bên hay người thân, bạn bè trao vàng cho đôi trẻ trong hôn lễ xuất phát từ phong tục tốt đẹp. Vàng được coi là biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng và bền vững.
Trao vàng cho cô dâu chú rể là trao lời chúc phúc, mong muốn đôi trẻ có hôn nhân lâu bền, tình cảm sắt son, kinh tế sung túc. Vàng cũng được coi là chút tài sản để bố mẹ thể hiện sự quan tâm đối với con cái.
Tuy nhiên, vì đây là nghi thức nên chỉ cần mang tính tượng trưng, nhà có điều kiện đến đâu thì làm đến đó. Một chiếc nhẫn nho nhỏ hay chiếc dây chuyền mỏng thôi cũng đủ, đâu cần phải đeo cho cô dâu cái kiềng to tổ chảng để đến nỗi phải đi thuê!
Thậm chí, không có tiền mua vàng thì không trao cũng có sao đâu, sao cứ phải cố chỉ để "làm màu" trên sân khấu.
Là những cô dâu thế hệ Z, chúng tôi thà bỏ qua màn "biểu diễn" này còn hơn phải giả vờ mình là dâu nhà giàu với bộ nữ trang đi thuê, trừ khi nó rất đẹp, thời trang, phù hợp với bộ đồ cưới và được đeo hoàn toàn với mục đích làm đẹp.
Tôi nghĩ ít cô dâu thấy vui khi phải đeo bộ nữ trang hoành tráng để khách khứa tưởng rằng đó là quà bố mẹ chồng tặng. Kiểu "phông bạt" này khiến nghi thức trao quà cưới mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó, đem vật chất làm thước đo tình cảm gia đình, quá coi trọng sự giàu sang giả tạo, gây áp lực không cần thiết cho cả cô dâu chú rể và hai bên gia đình.
Và thú thật, việc gia đình thuê vàng cưới cũng khiến không ít đôi trẻ cảm thấy khó chịu, không thoải mái vì "có tiếng không có miếng". Trên sân khấu thì gây trầm trồ vì có số của hồi môn lớn, tối về phải tháo vàng ra trả rồi lo còng lưng trả nợ, ai mà không ấm ức cho được.
Chị bạn tôi từng tức giận khóc sưng mắt vì bị bà cô bên chồng mắng một trận rồi rêu rao nói xấu khắp nơi, chỉ vì bà hỏi vay vàng và chị ấy bảo không có. Bà cô đâu biết bộ kiềng, lắc "nặng đến gãy cổ, gãy tay" mà mẹ chồng đeo cho chị trong đám cưới đều là đồ thuê; nói ra thì làm mất mặt bố mẹ chồng, sau này khó sống nên đành ấm ức chịu tiếng xấu với họ hàng.
Năm sau đến lượt tôi lên xe hoa, tôi đã nói trước để bạn trai làm công tác tư tưởng với bố mẹ là bỏ màn trao vàng trên sân khấu. Khu vực đón khách có chỗ đặt quà cưới; ai thân muốn tặng đồ quý giá thì hoàn toàn có thể trao cho cô dâu trong không gian thân tình.
Không cần diễn trước mắt mọi người, cả bên nhận lẫn bên trao đều không bị áp lực. Nói cho cùng, ngoài mấy câu trầm trồ sẽ bay nhanh như gió, màn đeo vàng "nặng gãy cổ" cũng chẳng liên quan đến hạnh phúc sau này của tân lang, tân nương.
Theo VTC News