Đánh ghen là chuyện xưa nay không hiếm, nhưng đánh ghen tàn khốc nhất và để lại tiếng vang muôn đời ở Việt Nam thì đến nay chắc chỉ có hai vụ: một là gáo axit hủy hoại dung nhan của nàng vũ nữ bậc nhất Sài thành những năm 60, đánh dấu cho sự đánh ghen ác liệt của đàn bà.

Vụ còn lại, dù chỉ qua những dòng mô tả bằng thơ lục bát nhưng ghê gớm đến độ được dân gian truyền miệng để cảnh tỉnh các ông chồng hay dùng ví von các bà vợ bằng 4 chữ “ghen như Hoạn Thư”.

Vậy Hoạn Thư thực sự đã đánh ghen tình địch như thế nào đến nỗi được nhớ mặt đặt tên trong dân gian đến vậy? Thời điểm Truyện Kiều ra đời, nào đã có axit để hủy hoại hồng nhan, nhưng cái tên này lại được khắc ghi hơn cả?

Và ắt hẳn không ít người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng Hoạn Thư không hề dùng vũ lực để đánh ghen. Mà bà cũng không làm tổn hại tình địch hay giày vò đức lang quân của mình. Cái ghen của Hoạn Thư như mặt nước hồ sâu vậy, bề mặt tĩnh lặng là thế nhưng sóng ngầm gào thét cuồn cuộn dưới đáy chẳng ai hay.

Không đánh đập, không mắng nhiếc tình địch nhưng sao ngàn đời người ta vẫn ví ghen như Hoạn Thư?-1

Hoạn Thư đã ghen và xử lí cơn ghen của mình cao tay đến độ người đời nghe xong cũng phải nghiêng mình nể phục. Bởi cuộc đánh ghen này không làm tổn hại thân xác ai, làm cho cả “tiểu tam” và người đầu gối tay ấp của mình phải run sợ tự từ bỏ mối tình ngang trái. Và đây là cuộc đánh ghen rất nhân từ, độ lượng, trí tuệ và độc đáo.

Thời nay, thực lòng mà nói không còn quá nhiều người có thể đọc hết 3254 câu thơ lục bát Truyện Kiều (Đoạn trường Tân Thanh) mà hiểu hết tâm tư nhân vật.

Vậy nên, chúng ta thường hiểu không rõ về “vai phụ” Hoạn Thư, mà chỉ suy đoán rằng đây là người hiểm độc khi đối phó với “tiểu tam”. Nhưng thực sự đây là vai nữ phụ “vô cùng đặc sắc” với trí tuệ khó lường đặc biệt là trong việc giữ chồng, dằn mặt người thứ 3.

Việt Nam thời phong kiến, với lễ giáo Nho học thì nam có quyền “năm thê bảy thiếp”, nhưng gái chỉ “chính chuyên một chồng”, thế nên việc chồng mình có lập phòng nhì cũng là lẽ thường tình, Hoạn Thư không có quyền ghen hay ngăn cấm.

Tuy vậy, nếu đàn ông muốn nạp thiếp, thì cần phải thông báo với vợ chính của mình. Đó là lí do vì sao Thúy Kiều dù đã se duyên cùng Thúc Sinh ở Lâm Truy, nhưng vẫn biết điều khuyên Thúc về thông báo cho vợ cả ở nhà là Hoạn Thư biết, rồi hãy đến đón nàng về để đúng nếp lễ nghi.

Vậy mà không ngờ Thúc Sinh lại quá nhu nhược, về nhà không dám nửa lời thừa nhận có thiếp bên ngoài, dù vợ ông - tức Hoạn Thư đã năm lần bảy lượt gợi ý.

Đàn bà mấy ai vui vẻ chịu kiếp chồng chung, nhưng theo quy tắc xã hội thời bấy giờ, nếu Thúc Sinh quyết lập thiếp thì Hoạn Thư dù ghen bao nhiêu cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi. Nhưng Thúc Sinh cứ im ỉm không một lời, rồi lại vui vẻ tới lui với tình nhân thì có người vợ nào không dậy sóng trong lòng cho được?

Không đánh đập, không mắng nhiếc tình địch nhưng sao ngàn đời người ta vẫn ví ghen như Hoạn Thư?-2

Chẳng khác nào quan tòa đã nắm được chứng cứ, muốn phạm nhân thừa nhận để được khoan hồng nhưng họ từ chối và lại tiếp tục phạm sai lầm để tội ngày nặng thêm.

Con giun xéo lắm cũng oằn, vì chồng phụ mình trước nên Hoạn Thư đã vận hết tâm tư để trả thù một phen. Có điều, người bà muốn nhắm đến, không phải là tình địch Thúy Kiều, mà chính là chồng bà - Thúc Sinh.

Quan điểm này được Hoạn Thư xác định rõ ngay từ đầu, bà chỉ giận chồng chứ không hề thù ghét tình địch, cũng không muốn "rước" lấy tiếng ghen vào mình qua hai câu: "Dại chi chẳng giữ lấy nền/ Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình".

Đây là điểm vô cùng đặc biệt trong cái ghen của Hoạn Thư, phụ nữ khi phát hiện phản bội thường một mực đổ lỗi cho người thứ 3 dụ dỗ chồng mình, chứ hiếm ai thấy được, nếu đàn ông không muốn thì làm sao có thể mồi chài thành công. Qua điểm này thôi cũng cho thấy được rằng Hoạn Thư là người sáng suốt, yêu ghét phân minh.

Luân lí đạo thường thời phong kiến không cho phép vợ được hỗn láo với chồng nên Hoạn Thư đã rất cao tay khi biết bắt cóc Thúy Kiều về làm nô tỳ trong phủ, bắt hầu hạ, dày vò Kiều trước mặt chồng, để Thúc Sinh đau đớn khi thấy người mình yêu khổ sở mà không thể ra tay bảo vệ.

Không đánh đập, không mắng nhiếc tình địch nhưng sao ngàn đời người ta vẫn ví ghen như Hoạn Thư?-3

Đặc sắc nhất trong suốt cuộc đánh ghen, Hoạn Thư đã bắt Thúy Kiều đàn hát, hầu rượu cho chồng mình, để hai con người một phụ bạc, một tiểu tam, mặt đối mặt nhau, tình trong đáy mắt nhưng chẳng thể chạm tay. Quả thực, người ta có câu, màn đánh ghen hay nhất chính là cho hai kẻ phản bội sống cùng nhau. Nhưng Hoạn Thư còn cao tay hơn nữa khi cho hai kẻ ấy “sống cùng nhau nhưng chẳng thể chạm vào nhau”.

Và cơn “cuồng ghen” này cùng màn dằn mặt không bạo lực, không chửi bới, móc mỉa tổn thương ai của Hoạn Thư đã thành công như mong đợi, nhất là khi nghe lén Thúc Sinh khuyên Kiều trốn đi: "Liệu mà xa chạy cao bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi..." thì bà càng yên tâm, không còn sợ mất chồng nữa. Thế nên dù biết Kiều lấy trộm chuông vàng khánh bạc đem đi Hoạn Thư cũng không sai người đuổi bắt.

Không đánh đập, không mắng nhiếc tình địch nhưng sao ngàn đời người ta vẫn ví ghen như Hoạn Thư?-4

So với những vụ đánh ghen tập thể, lột đồ đánh đập nhân tình của phụ nữ ngày nay mới thấy Hoạn Thư đánh ghen “nhân từ và độ lượng” như thế nào. Không làm tổn hại ai, lại khiến cho chồng và tình địch tự hối cải ăn năn, vừa giữ được gia đạo êm ấm, lại khiến “tiểu tam” sợ cuống cuồng.

Vậy nên, không quá khó hiểu khi dân gian lại ví cơn cuồng ghen với Hoạn Thư, “ớt nào mà ớt chẳng cay - gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”, có trăm ngàn kiểu ghen, nhưng hãy ghen sao cho sáng suốt, cho đời nể phục như Hoạn Thư.

 

Theo Thời Đại