Để tổ chức một đám cưới diễn ra ý nghĩa, vẹn cả đôi đường không phải điều đơn giản. Có nhiều cặp uyên ương trước đó mặn nồng bao nhiêu nhưng lại "toang" tức khắc chỉ không thống nhất được chuyện cưới xin, tiêu biểu như câu chuyện của cô gái này.
Theo đó, ở nơi nữ chính sống có phong tục thách cưới, nhà trai phải theo nhà gái. Có nhà ít thì 10 triệu mà nhiều 20-30 triệu.
Sợ nhà trai nghĩ "này nọ" nên nhà gái chỉ thách cưới 5 triệu nhưng vẫn bị chê trách đòi hỏi. (Ảnh minh họa).
"Bố mẹ em sợ nhà trai nghĩ nhà gái này nọ nên chỉ yêu cầu 5 triệu. Thế mà nhà trai lại cho rằng nhà em đòi hỏi, đưa ra yêu cầu vô lý và nhất quyết không đi tiền dẫn lễ.
Bố mẹ em thấy vậy cũng tức lắm nhưng vì thương con cái nên chịu thiệt, chủ động nói sẽ tự bỏ tiền ra cho vào lễ. Lúc này, nhà trai lại nhảy dựng lên trách bố mẹ xem thường họ, 'tưởng có tí tiền là hay'. Thế rồi cả hai nhà lời qua tiếng lại.
Hôm nay, bố mẹ anh gọi cho nhà em bảo từ hôn, không cưới xin gì hết, còn nói thời buổi này không cưới người này cưới người khác, cứ làm như mình nhà em có con gái không bằng".
Thách cưới được xem như phong tục truyền thống ở nhiều địa phương.
Xưa nay, theo phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt, trước khi về chung một nhà, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau trải qua 3 nghi lễ quan trọng, đó là dạm ngõ, ăn hỏi và đón dâu. Trong đó, lễ dạm ngõ là nghi thức đánh dấu buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa 2 gia đình. Đôi bên sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh, điều kiện và gia phong mỗi nhà, từ đó đưa ra quyết định về chuyện hôn nhân.
Trong lễ dạm ngõ, các thủ tục và lễ vật cần thiết và có tính chất vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trai cũng cần chuẩn bị một số tiền gọi là tiền dẫn cưới (hay còn gọi là nạp tài, lễ đen hay tiền thách cưới...) mang ý nghĩa như một món quà, thay lời cảm ơn dành cho nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu.
Vốn không có quy định nào chỉ rõ số lượng tiền thách cưới mà thường do sự thỏa thuận của hai bên thông gia. Hãy tùy thuộc kinh tế của mỗi gia đình để cân nhắc sao cho vẹn tình trọn nghĩa.
Ngoài ra, các cặp uyên ương cũng nên là cầu nối giữa hai nhà, hoặc hai gia đình thẳng thắn trao đổi, tìm ra quan điểm chung nhất. Vì điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm giữa hai bạn trẻ và cuộc sống hạnh phúc sau này chứ không phải là những vật chất bên ngoài.
Tình huống này khiến dân mạng bức xúc, để lại nhiều bình luận trái chiều:
- Tiền thách cưới là phong tục, nếu đã là phong tục thì nên tôn trọng, 5 triệu đáng mấy đâu ạ, nhà bác lấy được cả con gái nhà người ta về làm dâu nuôi bao nhiêu năm
- Nhà trai ích kỉ quá, không biết tục lệ mà theo, sao cố chấp vậy
- Tiền 5 triệu đáng giá vậy sao?
- Thực sự không hiểu tại sao nhà trai lại hành xử như vậy, mà chồng bạn cũng không nói gì thì nhu nhược quá bạn ạ
- Hủy là đúng, không hạnh phúc đươc đâu
Ying Ying
Theo Vietnamnet