Vợ chồng tôi năm nay 33 tuổi, đều là công nhân cho một công ty sản xuất hàng gia dụng.

Dù ở tỉnh lẻ lên Hà Nội làm công nhân, nhờ thu nhập ổn định lại biết tính toán tiết kiệm nên chúng tôi đã mua được nhà để "an cư lạc nghiệp".

Cuộc sống gia đình tôi về cơ bản là ổn. Chỉ có điều chúng tôi sinh hai cô con gái và vợ tôi không hề có ý định sinh thêm, dù rằng tôi là con trai một và là cháu đích tôn trong nhà.

Tôi đã nhiều lần tỉ tê bàn với vợ cố gắng sinh thêm một thằng cu, trước hết là "có nếp có tẻ", sau nữa là đông con cho vui cửa vui nhà. Nhưng lần nào bàn tới chuyện này, vợ tôi cũng gạt đi, nói rằng "dù gái hay trai, chỉ hai là đủ".

Vợ tôi hai lần sinh con đều bị tiểu đường thai kỳ, lần sau nặng hơn lần trước. Trong suốt quá trình mang thai, có những thời điểm phải nằm viện hàng tháng liền để kiểm soát tình trạng bệnh.

Cô ấy phải ăn uống theo chỉ định của bác sĩ với thực đơn rất khắt khe. Vì không thể ăn uống và bổ sung dinh dưỡng thoải mái, đầy đủ như những thai phụ bình thường nên cô ấy hầu như không tăng cân và con rất nhẹ cân. Song cả hai lần sinh nở đều an toàn, thuận lợi.

Không muốn sinh thêm con, vợ còn đòi ly hôn sau câu nói của chồng-1
Vợ tôi không muốn sinh thêm con, còn đòi ly hôn nếu tôi cố ép (Ảnh minh họa: KBS).

Sau khi sinh con gái thứ hai, vợ tôi nói rằng sẽ không sinh thêm nữa. Nhưng vợ tôi nói là một chuyện, có cần sinh thêm hay không lại là chuyện khác.

Bố tôi là con cả trong nhà nên tôi là cháu đích tôn. Bố mẹ tôi chỉ có mỗi mình tôi là con trai, sau khi đã sinh ba cô con gái.

Dù thời đại có tiến bộ, chuyện trai gái không còn quá quan trọng như xưa. Nhưng ấy là người ta cứ nói thế thôi, thâm tâm ai chẳng muốn nhà "có nếp có tẻ".

Huống hồ ở quê tôi, chuyện phải có "thằng chống gậy" còn khá nặng nề, nhất là tư tưởng của các bậc ông bà, cha mẹ lớn tuổi.

Lần nào về quê, bố mẹ tôi cũng hỏi định lúc nào thì sinh nữa? Mẹ tôi nói, vợ tôi nhiều tuổi rồi, càng để muộn càng khó khăn.

Mà thời đại bây giờ muốn sinh con trai đâu khó khăn như xưa, nếu cần hỗ trợ từ những phương pháp tiến bộ của y học, bố mẹ sẵn sàng bán đất để cho vợ chồng tôi tiền kiếm người nối dõi.

Thấy bố mẹ tôi già rồi, lại còn mong mỏi cháu trai như vậy, phận làm con, tôi thật sự day dứt khi chưa làm cho các cụ yên lòng khi tuổi đã xế chiều.

Vài hôm trước, sau khi đi ăn đầy tháng con của một người bạn thân về, tôi nói với vợ rằng, chúng tôi nên có kế hoạch sinh con. Nếu cần, có thể tìm bác sĩ giỏi, theo bác sĩ để sinh con như ý muốn.

Nhưng vợ tôi vừa nghe đến chuyện này liền như "đỉa phải vôi". Cô ấy nói, nhà có hai đứa con gái thông minh, ngoan ngoãn thế kia là được rồi.

Với lại, mỗi lần mang thai, cô ấy đều bị tiểu đường thai kỳ, có thể nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Cô ấy không muốn mạo hiểm tính mạng mình chỉ để khiến người khác vui lòng.

Vợ tôi càng nói càng gay gắt, khó nghe khiến tôi nổi cáu:

- Em chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ gì cho anh, cho bố mẹ, cho gia đình dòng họ anh à?

- Hai lần em sinh nở, hai lần em đều phải nhập viện, vất vả, khổ sở và lo sợ thế nào anh cũng thấy rồi. Tiểu đường thai kỳ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Anh xem, nếu em mang thai rồi chẳng may có mệnh hệ gì thì anh một mình nuôi con được không hay lại lấy vợ khác? Rồi cuối cùng ai là người khổ?

- Nếu sinh, em có mệnh hệ gì hay không thì chưa chắc. Nhưng nếu em không sinh thì nhà anh chắc chắn "tuyệt tông tuyệt tự". Hơn nữa sống chết có số cả rồi, không phải cứ sợ chết là sẽ chết đâu.

Tôi vừa dứt lời, vợ tôi liền đỏ mặt rồi òa lên khóc. Cô ấy nói, tôi vô tâm vô tình, coi nhẹ sức khỏe và tính mạng của vợ.

Cô ấy cho rằng, tôi chỉ nghĩ đến việc phải có một đứa con trai chứ không hề lo lắng vợ mình có thể sẽ nguy hiểm, con mình có thể sẽ mồ côi.

Cuối cùng, cô ấy vừa khóc vừa hét lên: "Em đã bảo không đẻ là không đẻ nữa. Em cũng biết em quan trọng như thế nào với anh rồi.

Chúng ta ly hôn đi. Ly hôn rồi anh có thể tìm một người đẻ con theo ý muốn của anh. Em sẽ nuôi hai đứa con gái của em thành người".

Những lời nói của vợ khiến tôi giận càng thêm giận. Tại sao cô ấy cứ làm quá mọi chuyện lên rồi sau đó lại cho rằng tôi độc ác, nhẫn tâm?

Tôi không phải không lo lắng, không quan tâm. Tôi đã tìm hiểu rồi, người ta thống kê ở Việt Nam cứ trung bình 7 phụ nữ mang thai thì có một người mắc tiểu đường thai kỳ.

Các bà mẹ mang thai hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này bằng cách quản lý thai kỳ chặt chẽ, khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh đầy đủ.

Còn những tai biến gặp khi sinh nở là rủi ro, ai cũng có thể gặp, đâu riêng gì tiểu đường thai kỳ. Vậy mà vợ tôi cứ làm như thể tôi xui cô ấy đi vào cửa tử không chút xót thương.

Mấy hôm nay, vợ tôi không nói chuyện với tôi, chỉ trả lời khi tôi hỏi, ngoài ra không có ý muốn tương tác với chồng. Thậm chí, cô ấy còn nhắc đi nhắc lại việc tôi viết đơn ly hôn để cô ấy ký, hay là để cô ấy chủ động viết đơn.

Vợ chồng chúng tôi bên nhau đã 8 năm, cùng nhau vượt qua bao vất vả, đồng sức đồng lòng để vun vén, xây dựng gia đình như ngày hôm nay.

Bây giờ, tôi đang mắc kẹt ở giữa, một bên là bố mẹ, một bên là vợ. Ở vai trò là con hay là chồng, tôi đều rất khổ tâm.

Làm thế nào để có thể vừa là người con có hiếu, vừa là người chồng, người cha tốt?

Theo Dân trí