Mấy ngày nay dư luận xôn xao về cái chết của em Ksor Sôn (lớp 6, Trường THCS Trần Phú, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) tự tử ngay ngày đầu của năm học mới. Dù có nguyên nhân gì, việc Sôn tự tử rất xót xa, nhưng đó là giọt nước làm tràn ly về một "căn bệnh" tự tử ở Gia Lai.

Những nơi "đội sổ" tự tử ở Gia Lai

Sáng nay nhằm tìm hiểu sự việc cho cặn kẻ, PV đã tìm gặp già làng. Vào làng uống rượu, một già làng được coi là cây đa cây đề bảo rằng: Nó tự tử, nguyên nhân không phải nghèo đâu, nhiều người còn nghèo hơn vẫn cắp sách đến trường. Và nhân đây cũng nói luôn, mấy năm nay các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đau đầu nghiên cứu về một vấn nạn khiến nhiều thiếu niên tự tử ở các địa phương vùng sâu.

Người Bahnar ở một số địa phương vùng sâu ở Gia Lai, đời sống, kinh tế đang dần ổn định, thoạt nhìn thì cuộc sống rất thanh bình yên ả nhưng bên trong đó luôn có tiềm ẩn những xích mích nhỏ trong các mối quan hệ. Với người dân nơi khác họ có thể tìm đến cái lý, cái tình để giải quyết, nhưng với nhiều người nơi đây họ hay tìm đến phương án tự tử thay cho mọi cách giải quyết khác.

Nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn khi trụ cột gia đình tự tử.

Nạn tự tử của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng chẳng phải chuyện mới mẻ gì. Thế nhưng trong những năm gần đây, số lượng những trường hợp tự tử của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây bỗng dưng tăng đột biến. Huyện Kông Chro được xem là "điểm nóng" của nạn tự tử ở Gia Lai.

Huyện Kông Chro là một huyện vùng sâu của tỉnh Gia Lai, người dân nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Không khó để trả lời cho câu hỏi "Vì sao tự tử được xem là vấn nạn ở huyện Kông Chro?" nếu tìm hiểu kỹ về tập quán của người dân tộc nơi đây.

Từ những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày như uống rượu say, buồn buồn thì tìm đến cái chết. Hay những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình và xã hội không giải quyết được cũng nghĩ đến cái chết. Đến cả những lý do rất nhỏ nhặt như: Xấu hổ, bị ai quở trách, thua trong cá độ… đều có thể là nguyên nhân của các vụ tự tử nơi đây.

Ngay tại TP Pleiku người dân cũng phải chứng kiến nhiều cảnh tự tử.

Trời mưa, khiến không khí làng T’Bưng, xã Đăk Pling, huyện Kông Chro ảm đạm khi chiều xuống. Những căn nhà sàn đơn sơ được làm bằng gỗ, những tốp trẻ tụm ba, tụm năm lấp ló sau cánh cửa khi nhìn thấy người lạ vào làng. Theo chỉ dẫn của già làng, chúng tôi tìm đến nhà chị Đinh Thị L. - chị đã mất cách đây hơn 4 năm, ngôi nhà giờ chỉ còn bà ngoại và 3 đứa cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Một người hàng xóm thông thạo tiếng Kinh cho chúng tôi biết: Năm đó gia đình chị và 3 người trong làng cùng nhau đi săn. Họ săn được một con thú về mổ thịt đem bán, tiền bán thịt được gần 1 triệu do chị L. cầm. Số tiền đó sẽ được chia cho 4 người cùng đi săn nhưng không may chị L. làm mất số tiền ấy. Vì sợ mọi người nghĩ xấu về mình và lại không biết lấy tiền đâu để trả, chị L. đã tìm đến cái chết. Chị đã ra sau vườn treo cổ mình lên trên ngọn cây, chị mất để lại 3 đứa con nhỏ bơ vơ vì thiếu mẹ.

Thương tâm hơn là trường hợp của Đinh Văn A. (38 tuổi), ở thị trấn Kông Chro. Hai vợ chồng A. đi làm rẫy, vợ A. là Đinh Thị T. (30 tuổi), bị trúng gió chết trên rẫy. Đau đớn trước cái chết bất ngờ của vợ, A. lẳng lặng ra sau ngôi nhà trên rẫy thắt cổ chết theo để lại hai đứa con nheo nhóc mồ côi cha mẹ. Một vụ "chết theo" khác là của Đinh C. (53 tuổi) ở làng Húp, xã Kông Yang. Cháu của ông C. do đau bệnh mà chết sớm. Đau buồn trước cái chết của cháu, sau khi uống rượu, ông thắt cổ chết để đi theo.

Ngay tại thành phố Pleiku, những vụ tự tử vẫn thường xuyên xảy ra. Vào ngày 26/11/2015, người dân phát hiện anh U. (30 tuổi, trú tại làng Plei Ngó, phường Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai) chết trong tư thế treo cổ tự tử. Được biết, chiều ngày 25/11, U. có đi nhậu với bạn về. Sau đó anh và vợ là H’Đ. xảy ra to tiếng với nhau. Đến tối, anh U. lấy xe bỏ đi tự tử mà không nói gì với vợ.

Tự tử vì những chuyện không đâu

Theo phân tích của những người dân nơi đây, mặc dù là nơi xảy ra nhiều cái chết thương tâm, nhưng chưa đầy nửa số vụ tự tử ấy có nguyên nhân, số này lại rơi vào người Kinh và người dân tộc khác. Còn lại hàng trăm người vợ, người chồng lẫn con cái của những người Bahnar trong mấy năm qua ở Kông Chro không hiểu sao lại quyên sinh.

Đặc điểm tính cách tâm lý của người miền núi là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm. Họ thiếu ngôn ngữ để biểu lộ cảm xúc, nhất là trước những sự việc tế nhị trong sinh hoạt gia đình. Do vậy, khi phát sinh mâu thuẫn không giải quyết được là họ nghĩ ngay đến cái chết. Hành vi tự tử được xem là một phản ứng có tính chống đối, hay để gây ra sự đau khổ cho người thân đã làm mình buồn cái bụng, theo suy nghĩ đó là cách trả thù.

Nỗi buồn của những ông bố bà mẹ khi con mình tự tử.

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Kông Chro, từ năm 2010 đến hết năm 2015, trên địa bàn huyện đã xảy ra hơn 400 vụ tự tử. Độ tuổi xảy ra tự tử nhiều nhất vẫn là từ 20 đến 35 tuổi. Tỷ lệ tự tử cũng chủ yếu rơi vào đàn ông. Những người tự tử chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều trường hợp trẻ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ vì cha mẹ của các em đều chết do tự tử sau những mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình.

Năm 2013, huyện Kông Chro đã thành lập Ban Chỉ đạo và tuyên truyền ngăn chặn nạn tự tử với mục đích giúp người dân hiểu và xoá bỏ dần những tư tưởng lạc hậu, những suy nghĩ nông cạn dẫn đến cái chết vô nghĩa. Lực lượng Công an xã cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động bà con xoá bỏ dần các tập tục lạc hậu, đặc biệt là vấn nạn tự tử.

Theo các già làng, do đặc tính cố hữu của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở đây có tính tự ái rất cao, nhiều mâu thuẫn chỉ xuất phát từ nội bộ gia đình nhưng không được tháo gỡ kịp thời nên họ tự tìm đến cái chết.
Theo Trí thức trẻ