Mới đây, Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội đăng tải bài viết công khai mọi hoạt động của nhóm, từ hình thức cứu hộ, tiêu chí tiếp nhận thú cưng, số hotline, chi phí hoạt động, phòng khám liên kết cho đến cách tìm chủ cho chó mèo...
"Phần lớn mọi người đều biết câu chuyện về Trạm thông tin và cứu hộ chó mèo Đà Nẵng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày gần đây.
Từ đó, bọn mình cũng nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh công việc đang làm cũng như nghi ngờ của những người không hiểu đặt ra" - nhóm chia sẻ.
Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội lên tiếng khi bị đồng đánh với hành động của Trạm cứu hộ Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình.
Bài viết nêu rõ Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội là tổ chức tự phát, không có tài trợ cố định, tình nguyện viên làm việc không lương. Tất cả đều tranh thủ ngoài thời gian học và làm việc để đi hỗ trợ.
"Người nghĩ mình có tâm nhiều vô kể, người thực sự hành động lại chẳng mấy. Mục đích của chúng mình là nhân rộng tình yêu thương, mong muốn thay đổi tư tưởng, chứ không phải ngày ngày chạy theo thương hại nửa vời.
Những bạn chưa từng tiếp xúc với trạm, chưa từng cứu một con mèo hay con chó xin đừng hùa vào nói", đại diện nhóm khẳng định.
Biết đặt niềm tin vào đâu?
Trước đó, ngày 14/4, một admin của Trạm thông tin và cứu hộ chó mèo Đà Nẵng bị tố có những hành động dã man với thú cưng sau khi được giải cứu. Chính người này thừa nhận, anh từng bán 20 chú chó cho lò mổ.
Ngày 1/4, trang Pet Foster House - Mái Ấm Cho Pet có thông báo khẩn về một người đàn ông lợi dụng sự cả tin của chủ mèo, xin mèo khắp nơi với số lượng lớn để bán cho lò thịt tại khu vực TP HCM.
Trong tháng 3, fanpage Beat.vn cũng đưa tin một bạn gái tố người đã nhận nuôi chó của mình mang nó đi bán lấy tiền. Khi cô muốn xin chuộc lại thì nhận được câu trả lời "đã bán, không giữ liên lạc với người mua".
Thành viên Trần Huyền Trang lên tiếng: "Không biết đặt niềm tin vào đâu nữa. Trước giờ, mình rất tin tưởng các trạm cứu hộ.
Bản thân chưa gặp chuyện này, nhưng từ giờ cũng phải kiểm tra kỹ trước khi liên lạc với trạm, không thể tin tưởng vô điều kiện như thế nữa".
Facebook Trương Linh cho hay: "Mình đã nhiều lần mua ủng hộ đồ do Trạm thông tin và cứu hộ chó mèo Đà Nẵng bán, cũng quyên góp tiền bạc, chuồng, thuốc cho thú cưng ở đây. Bây giờ xảy ra chuyện thế này, cảm giác như lòng tốt đã bị lợi dụng".
Chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh"
Cùng lúc đó, nhiều bạn trẻ cho rằng, đó chỉ là một vài trường hợp xấu. Họ mong mọi người không đánh đồng hành động của một người tại Trạm cứu hộ Đà Nẵng với những nơi khác.
Thành viên Hồ Anh Khang chia sẻ, Trạm cứu hộ Đà Nẵng cứu được rất nhiều chó mèo, tuy nhiên đã có số ít thành phần lợi dụng để trục lợi cá nhân. Tiếc là những người khác không sớm phát hiện hoặc không thông báo, có thể vì sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của trạm.
Anh Khang mong muốn trạm ở Đà Nẵng sớm ổn định, có thể hoạt động lại, bởi còn nhiều chó mèo hoang cần các bạn.
Trần Uyên Như (Bình Chánh, TP HCM) đã dành phần lớn tiền bạc, thời gian của mình chăm sóc cho 37 chú chó và 12 chú mèo bị khuyết tật, bỏ rơi. Ảnh: Hải An.
Quỳnh Thư - tình nguyện viên của Trạm cứu hộ chó mèo - cho biết, các thành viên thường làm việc không có lợi nhuận, hoàn toàn vì lòng yêu thương động vật.
"Nhiều lúc được thông báo đang có một em chó hoặc em mèo cần giải cứu, mắc việc chưa đi được, mình rất sốt ruột. Chỉ sợ vì chờ mình, em xảy ra chuyện gì.
Rồi nhiều khi có những em mắc bệnh cần khám chữa, admin và tình nguyên viên tự bỏ tiền túi ra, không thể chờ có người ủng hộ được" - Thư kể.
Thư nói thêm, tất cả thành viên và phòng khám liên kết với trạm đều được kiểm tra kỹ càng. Ngoài ra, cách liên lạc, chi phí, tình trạng của từng "người bạn nhỏ" tại trạm đều được công khai. Đây là vấn đề về lòng tin, điều trạm đã làm từ trước tới nay.
"Việc giải cứu và bảo vệ chó mèo cần sự tin tưởng và chung tay của nhiều người, đừng vì một trường hợp xấu mà đánh đồng các trạm khác", Thư khẳng định.
Cứu trợ chó mèo - công việc cần trái tim lớn
Còn nhớ tháng 7/2015, nhóm Gia đình của bé đã giải cứu thành công một chú chó bị buộc chặt mõm tại Bến Tre trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Hành trình tìm lại sự sống cho Lucky (tên được đặt cho "người bạn nhỏ" này) trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội.
Hình ảnh Lucky sau một tuần điều trị do Gia đình của bé gửi cho PV.
Hiện nay, tại hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam đều có các nhóm cứu hộ cho chó mèo, như Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội, Trạm cứu trợ động vật Hải Phòng, Yêu động vật Đà Lạt, Trạm cứu hộ chó mèo Hạ Long, Nhóm cứu hộ chó mèo Sài Gòn Time.
Dạo qua Fanpage các nhóm, sẽ thấy 100% công khai cách hoạt động, quy trình nhận nuôi, chi phí thu chi, tình trạng của mỗi thú cưng đang ở trạm, số điện thoại liên lạc, nơi tiếp nhận chó mèo... Thậm chí, các nhóm đều không nhận thêm tài trợ khi đã đủ kinh phí và liên lạc trả lại tiền cho các mạnh thường quân.
Với mỗi chó mèo, các trạm khi nhận đều đưa đi kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng, chữa hết bệnh rồi mới tìm chủ mới.
Mỗi nhóm đều có yêu cầu khắt khe với tình nguyện viên nhận chăm sóc chó mèo, vận chuyển, tìm chủ. Họ cần là người nghiêm túc, cẩn trọng, chịu được sức ép và giải quyết linh hoạt, nhanh chóng công việc.
Quan trọng nhất là cần suy nghĩ nghiêm túc, đảm bảo hết những yêu cầu khi nhận chó mèo, biết cách nói chuyện với người ở cùng nhà về việc đem thú cưng về và thật sự tâm huyết với công việc, chứ không chỉ thương cảm nhất thời.
Như vậy, có thể thấy, các nhóm cứu hộ đều làm việc có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, không có tình trạng như trạm ở Đà Nẵng.
Lan Anh - thành viên Trạm cứu hộ chó mèo Hạ Long - tâm sự, tình trạng chó mèo bị bỏ rơi, đi lạc ở Việt Nam rất nhiều. Không ít người nghĩ không nuôi được là bỏ, chó mèo ốm là bỏ, hoặc đánh đập, để cho đói...
Vì vậy, công việc của các trạm thật sự vất vả, không đơn giản, nhàn hạ, chỉ ngồi một chỗ gõ bàn phím, nhấc điện thoại...
"Mong mọi người đừng vì một trường hợp cá biệt mà nghĩ sai về ý nghĩa của các trạm khác. Niềm vui được nhìn thấy một em mèo khỏe mạnh, hay một em chó tìm được chủ tốt lớn hơn bất cứ số tiền nào" - Lan Anh nói.
Theo Zing