Kaci Alvarez, sinh viên báo chí 20 tuổi sống ở Ontario (Canada), và bạn trai Ryan Klepacs sống cách nhau vài giờ chạy ôtô.
Mỗi tối, cặp tình nhân đều trò chuyện cùng nhau trên Skype. Nhưng khi cả hai rơi vào giấc ngủ, họ vẫn không kết thúc cuộc gọi. Và sáng hôm sau thức dậy, video chat vẫn đang chạy.
Với nhiều người, việc bị ghi hình trong lúc ngủ không dễ chịu và thiếu riêng tư. Nhưng với những cặp tình nhân như Alvarez và Klepacs, điều này hoàn toàn thoái mái. Sống ở 2 thành phố khác nhau, những đoạn video call như thế này đang giúp họ duy trì sự thân mật tối thiểu.
Gọi video cho nhau trong lúc ngủ cho các đôi yêu xa cảm giác thân mật hoặc chắc chắn về lòng chung thủy của đối phương.
Mỗi cặp yêu xa chọn cách "ngủ cùng nhau" qua video call có những lý do khác nhau, từ lãng mạn đến thực dụng. Đối với một số người, nó chỉ đơn giản để chắc chắn bạn đời của mình không lén lút ngoại tình mỗi đêm.
"Về cơ bản, anh ấy không thể lừa dối tôi khi tôi đang theo dõi cuộc trò chuyện", Krissy Cless, rapper đồng thời chủ salon 24 tuổi ở Miami (Mỹ), nói.
Cũng có những người nói rằng họ không thể ngủ được nếu không video call cho nửa kia mỗi tối. Khi Alvarez về thăm gia đình, nơi wifi hạn chế, cô và bạn trai sẽ tiết kiệm data bằng cách không gọi điện vào ban ngày, mà để dành ngủ cùng nhau vào buổi tối.
Thiếu đụng chạm cơ thể có thể khiến các video call ít thân mật hơn so với khi ngủ chung giường nhưng lại mang đến sự thân mật theo cách khác: Một người có thể lên giường với tình một đêm, nhưng sẽ không bao giờ ngủ với người lạ qua FaceTime.
Một người có thể lên giường với tình một đêm, nhưng sẽ không bao giờ ngủ với người lạ qua FaceTime.
Với Pia, 20 tuổi, làm việc tại bệnh viện thú y ở Florida (Mỹ), việc gọi video suốt đêm với chồng giúp cô yên tâm hơn khi xa anh. "Anh ấy luôn ở đó", cô nói về chồng là giám định viên đất đai ở bang New Jersey.
Ngủ cùng nhau qua video call đôi lúc mang đến cảm giác chân thực như việc ngủ chung một chiếc giường. Tiếng ngáy của người yêu và cả chuông báo thức của nửa kia vẫn có thể đánh thức bạn.
Thế nhưng, vẫn có những hạn chế về công nghệ như wifi chập chờn, gói dữ liệu giới hạn và cạn pin điện thoại.
Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả những yếu tố này đều hoàn hảo, theo Craig Heller - giáo sư sinh học tại Đại học Stanford, chuyên nghiên cứu về giấc ngủ, ngủ cùng nhau qua video call không hẳn là ý hay. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại có thể gây rối loạn giấc ngủ.
Hơn nữa, việc ngủ cùng nhau trên video call không bao giờ có thể thay thế cảm giác thân mật trực tiếp. Alvarez và Klepacs gần đây đã chuyển về sống chung và không còn cần phải dựa vào công nghệ mỗi đêm.
"Khi chúng tôi ngủ chung giường, điều đó rất tuyệt. Mỗi sáng trở nên đẹp hơn", Klepacs nói.
Theo Zing