Dòng chữ tệ hại, không có tính người
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng Trung Quốc đang truyền tay nhau bức ảnh chụp một dòng khẩu hiệu được treo trước cửa nhà hàng ăn uống ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc với nội dung: "Chúc mừng Nhật Bản bị động đất. Tối nay ai ghé qua sẽ được mời uống bia và phần ăn miễn phí". Tấm băng rôn được bung ra chỉ vài giờ sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Kumamoto, Nhật Bản.
Quả thực là một điều không thể hiểu, không thể chấp nhận bởi khi cả thế giới đang hướng về đất nước mặt trời mọc với lời cầu nguyện không ngớt để những người dân ở đây đi tiếp con đường sống của mình thì bỗng dưng ở một vùng đất xa xôi, người ta lại có ý tưởng ăn mừng trên thảm họa.
Lại nói đến thiên tai ở Nhật Bản, ước tính, từ ngày 16 đến ngày 19/4, Nhật Bản đã phải hứng chịu tới 600 vụ động đất và dư chấn dẫn tới 48 người chết, hơn 1.000 người bị thương. Trong số đó, có tới 11 người chết do phải sống trong những nơi trú ngụ thiếu thốn điều kiện sống cơ bản sau động đất.
Sau khi cơn địa chấn qua đi, những gì còn lại với đất nước này là mặt đường nứt toác, bọt lạ sủi lên, nhà cửa sập nát... khiến cho mọi sự ứng cứu từ bên ngoài đều phải mất rất nhiều thời gian. Nhìn cảnh tượng những ông bà cụ nằm la liệt trên sàn, những em bé nheo nhóc vì khó ở, người ta lại chợt chạnh lòng nghĩ đến dòng chữ chúc mừng kia.
Nếu không giúp thì hãy im lặng, không đúng sao?
Thà rằng cứ ngồi ở yên đó, dù ghét cũng được, thù hằn cũng được nhưng chỉ cần lặng yên quan sát chứ đừng thốt lên những câu nói đau lòng thì có thể mọi chuyện sẽ khác. Thử hỏi, nếu trong trường hợp ngược lại, đất nước gặp nạn là Trung Quốc và lại có một quốc gia nào đó treo biển ăn mừng thì tâm can họ sẽ cảm thấy như thế nào?
Nơi đây đã chẳng còn gì ngoài đống tường đổ nát và mặt đường nứt rạn.
Người bị thương liên tục được sơ cứu đưa ra ngoài.
Còn nhớ, vào năm 2012, ở Trung Quốc thậm chí còn rộ lên phong trào săn lùng, thi nhau đập chết chó Nhật, chỉ vì chúng lỡ gắn với nguồn gốc đến từ Nhật. Vậy là một cơ số con vật nuôi vô tội phải rơi vào tình cảnh máu chảy đầu rơi không thương tiếc. Thêm vào đó, tình trạng kỳ thị những người khách du lịch đến từ Nhật cũng khiến nhiều người không khỏi bức xúc khi nhiều nhà hàng treo biển không tiếp người Nhật và...chó.
Điều đáng nói ở đây là cuộc sống này không ai hài lòng hết với những người mà mình quen biết. Bình thường có thể không chấp nhận những thứ thuộc về người kia nhưng trong những cơn hoạn nạn này, ít nhất nếu không cầu nguyện cho họ gặp được điều may mắn thì hãy lặng im không nói gì. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều lần việc cười ra tiếng trong nỗi đau của người khác.
Tại sao người ta lại chúc tụng nhau vì những hình ảnh như thế này chứ?
Những giọt nước mắt đau đớn vì mất người thân liệu có đáng để bị mang ra rêu rao, bàn tán?
Một số người cố gắng đào bới, tìm kiếm những gì còn sót lại xem có thể dùng được nữa hay không.
Hoặc còn có một cách giải thích khác nữa là tinh thần bài ngoại đã có từ lâu đời của người dân Trung Quốc, họ luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ và không chấp nhận bất cứ ai ngang hàng. Các chuyên gia cho rằng, chính giai cấp thống trị đã tạo nên điều này chứ dân thường thì không làm thế.
Tất nhiên, trong một xã hội sẽ không ai giống ai hoàn toàn, ý kiến chủ quan của người này có thể là điều người kia kịch liệt phản đối. Và tấm băng rôn kia cũng không phải tượng trưng cho tất cả người dân Trung Quốc mà chỉ đơn thuần là một bộ phận người nào đó mà thôi. Dẫu vậy, một thế giới thực sự hòa bình thì không nên có những hình ảnh xấu như vậy. Tranh chấp là việc chính trị nhưng xã hội thì nên được văn minh hóa ngay từ trong tâm thức của mỗi người.
Theo Trí thức trẻ