Chợ Ima Keithel, có nghĩa là “chợ của mẹ”, là khu chợ “tây lương nữ quốc” lớn nhất thế giới, nơi không có một bóng nam giới nào tìm đến để kinh doanh. Nằm ở trung tâm quận Imphal, bang Manipur, Ấn Độ, khu chợ có hơn 500 năm lịch sử này có khoảng 4.000 sạp bán hàng, toàn bộ chủ hàng đều là phụ nữ. Khu chợ cũng là nơi họp bàn những vấn đề chính trị, xã hội quan trọng của địa phương.

Chợ được thành lập từ vài thế kỉ trước, khi Manipur còn nằm dưới quyền cai trị của nhà vua. Thời điểm đó, theo một phong tục gọi là “lallup”, nam giới trong vùng đều phải sẵn sàng phục vụ đức vua mỗi khi được triệu tập.

Vì vậy, những người phụ nữ trong gia đình phải gánh trách nhiệm lao động, sản xuất và kinh doanh. Truyền thống này đã thấm nhuần trong tư tưởng của phụ nữ địa phương và truyền từ đời này qua đời khác. Cho đến nay, chỉ có phụ nữ đã lập gia đình mới được buôn bán tại đây.
 
Khu chợ có 4.000 gian buôn bán, toàn bộ đều là phụ nữ.

Năm 2003, chính quyền địa phương đề ra kế hoạch dỡ bỏ khi chợ và thay thế bằng một siêu thị hiện đại. Nhưng các nữ doanh nhân đã chung sức phản đối dự án này. Hiện nay, chợ Ima Keithel nằm trong bốn khu nhà được chính phủ xây cất. Đây là nơi hội tụ người dân ở mọi tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và thậm chí cả du khách nước ngoài.
 
Dù nhiều lần đối mặt với nguy cơ giải thể nhưng những người phụ nữ vẫn trụ vững.

Ở Ima Keithel, những người phụ nữ buôn bán nhiều loại hàng hóa khác nhau. Một khu được dành riêng để bán trái cây, hoa quả trong khi khu nhà khác lại là nơi bán đồ thủ công mỹ nghệ và trang sức. Ngoài ra trong chợ còn có sản phẩm may mặc truyền thống, mỹ phẩm và cả đặc sản địa phương.

Hầu hết các cửa hàng đều được truyền từ mẹ sang con gái hoặc con dâu. Bà Anoubi Devi, một chủ tiệm 81 tuổi trả lời báo Wadhwa Nilesh: “Gia đình tôi đã buôn bán ở đây nhiều thế hệ và tôi là đời thứ tư. Hầu hết các phụ nữ ở đây đều thừa kế cửa tiệm từ bà và mẹ mình”.
 
Những quầy hàng đều được truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ trong gia đình.

Nghiên cứu cho thấy hầu hết cửa hàng trong chợ đều có thu nhập chỉ khoảng 22 triệu đến 65 triệu đồng mỗi năm. Tiến sĩ Yumkhaibam Shyam Singh, Phó giáo sư sử học địa phương cho hay: “Dù bán được rất nhiều hàng nhưng thu nhập của các chủ tiệm không cao do phải thang toán số tiền nguyên vật liệu và chi phí gia công. Tiền vận chuyển cũng rất đắt, vì thế lợi nhuận không được là bao. Bên cạnh đó, khu chợ cũng đang bị đe dọa bởi cuộc xâm nhập quy mô lớn những mặt hàng giá rẻ từ các nơi khác ở Ấn Độ và cả nước ngoài".

Tiến sĩ Shristi Pukhrem chia sẻ trên tạp chí Nezine: “Sự xâm nhập của những mặt hàng giá rẻ nước ngoài sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Ngoài ra, những người phụ nữ cũng chịu thiệt thòi do sự bóc lột của những nhà vay vốn địa phương. Tuy nhiên tôi vẫn đặt niềm hy vọng lớn lao vào tương lai của Ima Keithel, biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ Manipur”.
 
Khu chợ là biểu tương cho sức mạnh của người phụ nữ Ấn Độ.

Bà cũng cho biết: “Những nữ chủ tiệm buôn ở Ima Keithel không chỉ là người tiên phong cho giới phụ nữ làm kinh doanh mà còn đóng góp vai trò to lớn trong nền kinh tế, văn hóa, chính trị của Manipur. Phụ nữ chúng tôi đã có khả năng tự mình làm chủ cuộc sống thay vì tuân theo lối sống phụ thuộc của những hủ tục trước kia. Những phụ nữ Manipur với tinh thần bất khuất sẽ chung tay để làm nên một quốc gia tiến bộ”.

Theo Tri Thức Trẻ