Khủng hoảng đe dọa diễn viên

Nhiều nghệ sĩ trong ngành giải trí Hàn Quốc bày tỏ sự thất vọng, coi ảnh hưởng của Netflix là yếu tố chính dẫn đến việc diễn viên khó tìm vai trên truyền hình. Một số người cho biết họ đang trải qua tình hình tồi tệ nhất trong 10 năm qua.

"Trước đây, tôi nhận được rất nhiều lời mời đóng phim đến nỗi tôi phải nói 'Làm ơn, để tôi nghỉ ngơi một chút' hoặc 'Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi thôi'. Nhưng giờ đây, số lượng cơ hội đã giảm đi đáng kể. Tôi nhận ra việc có được kịch bản mới quý giá đến nhường nào" - nữ diễn viên Kim Ha Neul chia sẻ suy nghĩ của cô về tình hình hiện tại của ngành giải trí Hàn Quốc.

Những người trong ngành bày tỏ sự thất vọng, coi ảnh hưởng của Netflix là yếu tố chính. "Chúng ta đang trải qua tình hình tồi tệ nhất trong 10 năm qua", một số người ám chỉ đến những thách thức mà “gã khổng lồ” ngành dịch vụ truyền hình trực tuyến đặt ra.

Dàn diễn viên mất việc vì Netflix?

Ngân sách sản xuất lớn của Netflix đã khiến số lượng phim truyền hình tại nước này giảm mạnh. Ngay cả những diễn viên nổi tiếng cũng đang phải vật lộn để tìm vai diễn, vì cơ hội trở nên khan hiếm.

Là tam đại Ảnh hậu, từng thắng Nữ chính xuất sắc ở Baeksang, Rồng Xanh lẫn Chuông Vàng, Kim Ha Neul chua xót khi nói hiện tại cô chỉ cần nhận được một kịch bản thôi cũng thấy đáng giá. Nữ diễn viên Go Hyun Jung bày tỏ mối quan tâm tương tự: "Tôi không nhận được bất kỳ lời mời đóng phim nào. Tôi không cần phải là vai chính và tôi thậm chí còn sẵn sàng giảm cát-xê".

Khủng hoảng đe dọa diễn viên-1Khủng hoảng đe dọa diễn viên-2
Kim Ha Neul (trái) và Go Hyun Jung cho biết tài nguyên phim ảnh của họ đều khan hiếm.

Số lượng phim truyền hình được sản xuất đã giảm đáng kể, từ 135 phim năm 2022 xuống còn 125 phim năm 2023. Con số này dự giảm xuống dưới 100 phim khi kết thúc năm 2024. Ngành công nghiệp điện ảnh đang gặp khó khăn khi còn 100 bộ phim đã hoàn thành đang nằm trong kho, không thể đảm bảo được các suất chiếu.

Năm 2023, doanh thu phát sóng tại Hàn giảm 4,7% so với năm trước, xuống còn 1,897 nghìn tỷ won (1,4 tỷ USD). Đây là lần đầu doanh thu giảm trong một thập kỷ. Doanh thu truyền hình mặt đất giảm 10,2%, truyền hình cáp giảm 3,9%, phát sóng vệ tinh giảm 2,7%, mua sắm tại nhà giảm 5,9% và các nhà cung cấp chương trình chung giảm 7,7%.

Với thị trường phát sóng trong nước ghi nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên trong 10 năm, các chuyên gia trong ngành cảnh báo ngành truyền thông đang bên bờ vực sụp đổ.

Trong hội thảo chung được tổ chức từ ngày 26-27/9 về "Nguyên nhân và giải pháp cho cuộc khủng hoảng thị trường phát thanh truyền hình", Hiệp hội Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông Hàn Quốc, Hiệp hội Phát thanh truyền hình Hàn Quốc và Hiệp hội Chính sách Truyền thông Hàn Quốc tuyên bố "thị trường truyền thông trong nước đang trong tình trạng khẩn cấp".

Giáo sư Lee Heon Yul từ Đại học Hàn Quốc giải thích: "Ngân sách sản xuất khổng lồ do các nền tảng OTT toàn cầu như Netflix đặt ra đã buộc các đài truyền hình phải cắt giảm việc sáng tạo nội dung để tồn tại. Kết quả là chúng ta đang chứng kiến ​​sự sụt giảm mạnh về số lượng phim truyền hình được sản xuất và chỉ một số ít diễn viên được các nền tảng này lựa chọn mới kiếm được tiền". OTT là dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet, như các ứng dụng gọi điện, nhắn tin, xem truyền hình.

Khủng hoảng đe dọa diễn viên-3Khủng hoảng đe dọa diễn viên-4
Năm 2023, Netflix đầu tư 2,5 tỷ USD vào Hàn Quốc trong vòng 4 năm tới để sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh và show thực tế.

Giáo sư Lee Sang Won của Đại học Kyung Hee cũng nêu lên mối lo ngại bởi tác động của Netflix đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh thu phát sóng, trong khi chi phí sản xuất nội dung lại tăng cao. Sự sụp đổ này trong hệ sinh thái phát sóng có thể sớm trở thành một cuộc khủng hoảng đối với Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu).

Các chuyên gia nhấn mạnh đến nhu cầu giải quyết tình trạng mất cân bằng do các nền tảng toàn cầu này gây ra. Họ cho rằng các đài truyền hình trong nước nên ít phải đối mặt với các quy định hơn, trong khi các dịch vụ OTT toàn cầu như Netflix nên chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát sát sao hơn để khôi phục lại sự công bằng trong ngành.

Chi phí cho diễn viên hạng A quá đắt đỏ

Trái với những sự lo ngại của giới diễn viên lẫn các chuyên gia về sự đe dọa của Netflix, số đông khán giả cho rằng việc sản xuất phim truyền hình khó khăn do tiền cát-xê phải trả cho diễn viên hạng A quá đắt đỏ.

"Trước hết, chúng ta nên nói về việc hạ giá cho các diễn viên nổi tiếng. Họ kiếm được hàng tỷ USD cho một lần xuất hiện, họ có thực sự nghĩ mình đáng giá đến vậy không? Hãy ngừng đổ lỗi cho Netflix và hiểu gốc rễ của vấn đề. Tôi cho rằng ngay cả 100 triệu won cho mỗi tập phim cũng là quá nhiều”, "Chính các diễn viên đã tăng chi phí sản xuất cho đoàn phim, vậy họ đang muốn nói về điều gì?", "Netflix liên quan gì đến chuyện này? Chỉ cần hai diễn viên chính giảm thù lao thì vấn đề sẽ được giải quyết”, "Ngay cả trước khi Netflix xuất hiện, phần lớn ngân sách sản xuất đều dành cho việc trả lương cho diễn viên” - khán giả để lại bình luận.

Khủng hoảng đe dọa diễn viên-5
Kim Soo Hyun đứng đầu danh sách diễn viên Hàn Quốc có cát-xê đắt giá nhất.

Đóng chính trong Queen of Tears, Kim Soo Hyun được trả cát-xê 5 tỷ won (khoảng 3,7 triệu USD) cho 16 tập phim, tương đương với khoảng 300 triệu won cho mỗi tập, trang Korea Times ngày 27/3 cho biết. Khoản chi phí này bằng một phần tám chi phí sản xuất của series.

Bên cạnh đó, nhiều cái tên như Song Joong Ki, Song Hye Kyo, Lee Jung Jae, Hyun Bin, Lee Min Ho… đều là có mặt trong danh sách sao Hàn được trả thù lao cao ngất ngưởng.

Bất chấp gánh nặng tài chính mà các công ty sản xuất phải gánh chịu, khoản đầu tư vào những tài năng hàng đầu thường được biện minh bằng tác động đáng kể đến tỷ suất người xem và thành công chung của tác phẩm.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/khung-hoang-de-doa-dien-vien-post1678096.tpo

Go Hyun Jung Kim Ha Neul Kim Soo Hyun

Tin tức mới nhất