Ngày 14/6, HK01 đưa tin show truyền hình lồng tiếng Dub of War của TVB chính thức khép lại. Trong đêm chung kết, Trần Tự Dao xuất sắc vượt qua hai người đồng nghiệp Phùng Doanh Doanh, Trương Chấn Lãng giành chức vô địch.

Theo công bố của nhà đài Hong Kong, tổng rating đạt được của Dub of War ở mùa một là 21%. Con số này dẫn đầu danh sách các show giải trí phát sóng cùng thời điểm, nhưng lại chỉ ở mức trung bình nếu so sánh với chương trình tạp kỹ vào thời hoàng kim của TVB.

Dấu ấn nghèo nàn của nhân tố mới

Theo Sina, một trong những nguyên nhất lớn nhất khiến TVB xuống dốc chính là tư duy già cỗi, thiếu sáng tạo của đội ngũ sản xuất.

Các sản phẩm của đài thường xuyên bị công chúng phàn nàn sao chép phim ảnh từ hãng khác và đi theo lối mòn "công thức TVB". Tác phẩm của hãng thường xuyên lặp mô-típ khiến công chúng dễ đoán được tiến triển và kết thúc.

Trong khi đó, chương trình giải trí bị chê bai nội dung phù phiếm, lợi dụng đời tư và cảnh quay phản cảm để câu khách.

Khủng hoảng tiếp diễn ở TVB-1

Bào Vỹ Thông, cựu biên kịch TVB chia sẻ: "Nhà đài Hong Kong làm việc như một dây chuyền sản xuất trong nhà máy, rất bảo thủ. Quản lý cấp cao mới là người có quyền hành nhất. Thể loại nào có tỷ suất lượt xem cao sẽ được ưu tiên sản xuất theo dạng 'con đàn cháu đống' chỉ vì họ nhận định đó là công thức bất bại".

Giữa tháng 1, TVB lần lượt bổ nhiệm Tăng Chí Vỹ và Vương Tổ Lam vào bộ máy quản lý đầu não. Trong đó, Tăng Chí Vỹ giữ chức Phó tổng giám đốc và cố vấn đặc biệt cho ủy ban hành chính. Nam diễn viên chịu trách nhiệm quản lý tất cả chương trình giải trí của TVB.

Vương Tổ Lam được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo, hỗ trợ Tăng Chí Vỹ thực hiện các chương trình. Hai nhân sự mới được kỳ vọng mang đến diện mạo mới cho đài nhằm lôi kéo khán giả và các nhà quảng cáo.

Tuy nhiên, tín hiệu họ mang đến sau 6 tháng nhậm chức không mấy khả quan. Chẳng những không cứu vãn được tình trạng ế ẩm, các chương trình do cả hai sản xuất còn bị khán giả chỉ trích dữ dội vì nội dung nhảm và lỗi thời.

Show truyền hình đầu tay trên cương vị lãnh đạo của cả hai nghệ sĩ là Have a Big Laugh bị tẩy chay, nhận về hàng trăm đơn khiếu nại sau khi lên sóng.

Trong tập phát sóng hôm 19/4, Vương Tổ Lam hóa thân thành bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Đặc khu trưởng Hong Kong, xuất hiện tại buổi họp báo liên quan đến Covid-19. Nam diễn viên bắt chước phong cách ăn mặc và biểu cảm của bà Lâm trên bục phát biểu với tấm biển đề dòng chữ châm chọc: Nhà sáng tạo rẻ tiền.

Diễn cùng anh là các học viên của lò đào tạo TVB trong hình ảnh nhà vi sinh vật học Viên Quốc Dũng và bác sĩ Trương Trúc Quân. Trên sân khấu, họ cùng nhau bàn luận về cách đối phó đại dịch.

Khủng hoảng tiếp diễn ở TVB-2
Vương Tổ Lam bị chỉ trích vì tiết mục có nội dung nhạo báng, thiếu đột phá trong Have a Big Laugh

Kết thúc tiết mục, trên mạng xã hội, khán giả phản đối kịch liệt cách xây dựng nội dung chương trình của TVB. Họ phê phán lối tấu hài nhảm, lỗi thời và xúc phạm đến lãnh đạo cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác.

Trong đó, với tư cách Giám đốc sáng tạo, Vương Tổ Lam bị công kích dữ dội. Theo HK01, nhà đài phải bỏ ra hơn 12 triệu USD để đầu tư cho các dự án của anh.

Bình luận về Have a Big Laugh, bà Grace Leung Lai Kuen, giảng viên chuyên ngành Báo chí và Truyền thông của Đại học Hong Kong, thẳng thắn phê bình TVB trên SCMP.

"Have a Big Laugh cho thấy sự bế tắc của đài trong khâu sáng tạo. Chiêu thức tấu hài nhảm nhí, đùa cợt rẻ tiền như trên đã có vào những năm 1980. Chúng đã không còn phù hợp với thời đại này. Để thu hút khán giả lẫn quảng cáo, TVB cần đổ nhiều hơn chất xám và công sức, mới mẻ nhưng phải đảm bảo chất lượng và văn minh", Grace Leung Lai Kuen nói.

Đối mặt với làn sóng chỉ trích, Vương Tổ Lam lên tiếng nhận sai và xin rút khỏi show Have a Big Laugh.

Không chỉ Have a Big Laugh có vấn đề, show Dub of War cũng bị chê đi sau thời đại. Chương trình thi thố kỹ năng lồng tiếng trong giới nghệ sĩ đã được các nhà đài Trung Quốc Đại lục phát triển cách đây 2 năm.

Trong khi đó, show truyền hình chơi khăm Just for Laughs: Gags bị đánh giá thiếu sức hút, nhạt nhẽo do dàn nghệ sĩ tuyến 3 của TVB cầm trịch.

Trên On, nói về sự đổi mới kém hiệu quả về mặt nội dung, đại diện của TVB chia sẻ: "Chúng tôi đang rất nỗ lực. Khởi đầu nào cũng có khó khăn. Nhà đài đang tìm hướng khai thác vừa bắt kịp các chủ đề nóng trong xã hội, vừa mang lại niềm vui cho khán giả".

Theo SCMP, doanh thu quảng cáo của TVB đã chạm mức báo động trong những năm gần đây. Năm 2020, thu nhập từ quảng cáo của đài giảm 54%, xuống còn 114 triệu USD. Nguồn thu từ bên ngoài quá thấp khiến đài lỗ hơn 36 triệu USD lợi nhuận ròng.

Vincent Tsui, chuyên gia marketing nổi tiếng ở Hong Kong, cho biết nhà quảng cáo tìm đến TVB thời gian qua là các nhãn hàng nhỏ lẻ, hướng đến bà nội trợ và người lớn tuổi. Điều này khiến nguồn thu quảng cáo giảm sút. Chưa kể, việc chương trình truyền hình thường xuyên vướng tai tiếng cũng khiến uy tín của đài giảm sút.

"Khách hàng của tôi rất e ngại về những lời kêu gọi tẩy chay TVB từ khán giả. Khi ký hợp đồng với đài, nhãn hàng phải suy nghĩ rất lâu", Vincent Tsui cho hay.

Tình cảnh rối ở cấp lãnh đạo

HK01 đưa tin sự trở lại TVB của Tăng Chí Vỹ và Vương Tổ Lam trong các vị trí lãnh đạo cấp cao đã khiến nội bộ hãng xáo trộn nghiêm trọng.

6 tháng sau ngày Tăng Chí Vỹ nhậm chức, 8 lãnh đạo cấp cao của TVB đã phải lần lượt rời ghế quyền lực như Hà Triết Đồ, Dư Vịnh San, Đỗ Chi Khắc. Hồi tháng 3, ông Lý Bảo An, CEO 65 tuổi của hãng, đã chủ động xin từ chức trong cuộc họp cổ đông.

Khủng hoảng tiếp diễn ở TVB-3
CEO Lý Bảo An rời ghế lãnh đạo chỉ 2 tháng sau khi Tăng Chí Vỹ nhậm chức

Ông Lý Bảo An từ chức trong hoàn cảnh TVB tiến hành cải tổ bộ máy dưới sự thúc ép của các cổ đông lớn, bao gồm cả Chủ tịch Hứa Đào và Phó chủ tịch hội đồng quản trị Lê Thụy Cương. Trong 5 năm giữ chức vụ dẫn dắt nhà đài, Lý Bảo An đã đưa ra nhiều biện pháp mở mở rộng mạng lưới phủ sóng của TVB.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực bắt kịp xu hướng nghe nhìn mới của vị giám đốc điều hành, giá cổ phiếu TVB vẫn giảm sâu và công ty ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp. Đến nay, vị trí CEO của TVB vẫn còn bỏ trống.

Theo On, việc Lý Bảo An và cánh tay đắc lực từ chức, đã cho công chúng một cái nhìn cận cảnh trong nội bộ hãng với đầy rẫy mâu thuẫn về công tác quản lý. Chính Tăng Chí Vỹ ngay khi vừa ngồi lên ghế Phó tổng cũng đã bắt đầu thao túng quyền lực trong đài.

"Sự sụp đổ của Lý Bảo An là kết quả của trò chơi quyền lực giữa những nhân vật chóp bu ở TVB", On bình luận.

Trong quá khứ, mâu thuẫn giữa cấp quản lý điều hành đã khiến TVB chảy máu chất xám nghiêm trọng. Cách đây hơn 10 năm, nhà đài Hong Kong từng chứng kiến cuộc đấu đá nảy lửa giữa Trần Chí Vân - Lạc Di Linh hay Tằng Lệ Trân - Lương Gia Thụ.

Năm 2010, Trần Chí Vân - cựu Tổng giám đốc TVB - bị bắt vì tham nhũng cát-xê diễn viên. Được tha bổng nhưng ông phải từ chức để đảm bảo hình ảnh cho đài. Lạc Di Linh nhiều năm qua bị chỉ trích vì nâng đỡ diễn viên kém tài, ruồng rẫy công thần.

Theo HK01, Lạc Di Linh là đại diện cho lớp lãnh đạo có tư duy mục ruỗng, tạo ra tư tưởng xấu ở đài là thói nịnh bợ. Hàng năm, cứ nhìn vào danh sách các diễn viên tới tiệc sinh nhật của bà sẽ biết được nghệ sĩ nào đang được TVB tích cực o bế và lăng xê.

Trên phương diện sản xuất, Tằng Lệ Trân và Lương Thụ Gia gây chia rẽ nội bộ với hai nhóm phe phái. Không chỉ vậy, họ còn khiến chất lượng phim ảnh đi xuống khi tranh đua sản xuất bất chấp chỉ vì muốn khẳng định bản thân giỏi hơn đối phương.

"Nội bộ trên dưới còn rối ren ngày nào, TVB ngày đó đừng mơ tưởng đến việc vực dậy nhà đài. Họ có nỗ lực đổi mới từ nhân sự đến các sản phẩm truyền hình, nhưng ở hãng tồn tại quá nhiều mối nguy hại, cần phải nhổ bỏ triệt để", On nhận định.

Theo Zing