Ra mắt tại Trung Quốc hồi mùa hè 2019, Na Tra: Ma đồng giáng thế - phim hoạt hình 3D lấy cảm hứng từ huyền thoại về nhân vật Na Tra được kể trong bộ tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa - lập tức gây tiếng vang lớn và gặt hái thành công khổng lồ về mặt doanh thu.
Tác phẩm thu gần 750 triệu USD toàn cầu, vượt qua bom tấn giả tưởng Lưu lạc Địa cầu để trở thành phim có thành tích phòng vé cao thứ hai trong lịch sử Trung Quốc.
Phần kết của Na Tra: Ma đồng giáng hé lộ cho khán giả dự án tiếp theo về Khương Tử Nha - một nhân vật thần thoại khác thuộc Phong thần diễn nghĩa. Từ đây, công chúng chờ đợi sự mở rộng của vũ trụ điện ảnh Phong thần bảng.
Khương Tử Nha giống như phần hậu truyện về nhân vật khi so với nguyên tác. Song, nội dung phim tỏ ra mơ hồ, thiếu điểm nhấn.
Trên thực tế, Khương Tử Nha được thực hiện song song với Na Tra: Ma đồng giáng thế. Dù cùng được phóng tác dựa trên hệ thống nhân vật và cốt truyện của Phong thần diễn nghĩa, bộ phim mới không có sự liên kết chính thức nào với Na Tra, mà giống như dự án độc lập có cùng nền tảng nhưng được phóng tác, sáng tạo theo hướng khác.
Cốt truyện mới mẻ nhưng mơ hồ, thiếu điểm nhấn
Nội dung cốt truyện của Khương Tử Nha được phóng tác sau khi các sự kiện chính trong Phong thần diễn nghĩa đã diễn ra.
Thống lĩnh quần hùng đánh bại nhà Thương, trừ diệt Trụ vương vô đạo và Cửu Vỹ yêu hồ gian tà giúp đem lại thái bình cho Tam Giới, Khương Tử Nha (Trịnh Hi) - đại đệ tử xuất chúng của Tịnh Hư Cung - nay được phong làm lãnh đạo thần chúng, giữ gìn Thiên đạo, bảo vệ chúng sinh.
Nhưng trong buổi hành hình Cửu Vỹ (Quý Quan Lâm), Khương Tử Nha phát hiện ra có một sinh linh vô tội đang liên kết với sinh mệnh đối phương. Tiêu diệt Cửu Vỹ sẽ khiến sinh linh kia chết theo, nên ông đã không xuống tay. Hậu quả là nguyên thần của hồ yêu thoát khỏi phong ấn, chạy thoát xuống nhân gian.
Cho rằng Khương Tử Nha bị trúng huyễn thuật của Hồ yêu, Tịnh Hư cung phong ấn thần lực của ông và đày nhân vật xuống Bắc Hải xa xôi lạnh lẽo để tu luyện cho đến khi hoàn toàn tỉnh ngộ.
Bên cạnh ông lúc này chỉ có linh thú Tứ Bất Tượng (Diêm Yêu Yêu) trung thành, và người bạn đồng môn Thân Công Báo (Đồ Đặc Ha Mông).
Một ngày nọ, Khương Tử Nha tình cờ bắt gặp Tiểu Cửu (Dương Ngưng) - tiểu hồ ly có diện mạo giống hệt sinh linh bí ẩn liên kết với Cửu Vỹ mà mình nhìn thấy trước đây. Tiểu Cửu đang tìm đường đến núi U Đô - nơi đồn rằng có sự xuất hiện của Yêu hồ. Cả hai cùng nhau hướng đến ngọn núi nhằm khám phá bí ẩn của đại chiến Phong Thần ngày trước.
So với Na Tra, Khương Tử Nha có cốt truyện mới mẻ hơn, khi không chỉ phóng tác các sự kiện quen thuộc đã diễn ra trong Phong thần diễn nghĩa, mà còn mở rộng thành một bản hậu truyện trọn vẹn. Khán giả được trải nghiệm câu chuyện hoàn toàn mới, có liên kết chặt chẽ đến các nhân vật, sự kiện của Phong thần diễn nghĩa.
Dù nắm rõ Phong thần diễn nghĩa đến đâu, khán giả sẽ vẫn bị cuốn hút ngay từ những phân cảnh mở màn khi Khương Tử Nha đem đến một tiền đề trái ngược: người hùng của cuộc chiến Phong thần năm xưa giờ lại là tội nhân bị giáng thành người phàm bởi một sai lầm nhiều uẩn khúc.
Nhờ đó, hành trình của các nhân vật trở nên hấp dẫn và đáng theo dõi với một bí ẩn lớn cần được khám phá ngay từ ban đầu.
Đáng tiếc thay, sau khi nhá hàng cho khán giả tiền đề hấp dẫn, Khương Tử Nha lại chưa thực sự thành công trong việc khai thác và phát triển cốt truyện hiệu quả.
Xuyên suốt tác phẩm, bí mật của cuộc đại chiến năm xưa và âm mưu phía sau đều được hé lộ và làm rõ. Song, cách thức hé mở những nút thắt tỏ ra sơ sài, chưa được dẫn dắt hợp lý.
Tất cả gần như chỉ được thể hiện qua vài ba câu thoại đơn giản, chiếu lệ một cách vội vàng, không đủ để tạo cảm xúc phấn khích cần thiết khi những âm mưu bị bóc trần.
Cũng bởi sự sơ sài ấy mà lý tưởng của một số nhân vật còn mơ hồ, không đủ rõ ràng để khiến khán giả kịp thời nắm bắt hay đồng cảm. Hậu quả là tác phẩm về cơ bản không có gì quá cao siêu, bỗng nhiên lại trở nên rối rắm một cách không cần thiết.
Công bằng mà nói, cốt truyện và lý tưởng của Khương Tử Nha không quá đặc biệt, nhưng vẫn đặc sắc, không chỉ giúp mở rộng câu chuyện của Phong thần diễn nghĩa, mà còn đem đến những góc nhìn mới về văn hóa Thần truyền của Trung Quốc cổ đại.
Tuy nhiên, cách thể hiện sơ sài, mơ hồ khiến lý tưởng câu chuyện chưa được truyền đạt hiệu quả như mong đợi.
Thể loại kén khán giả, cấu trúc thiếu ổn định
Khương Tử Nha vẫn lấy bối cảnh Trung Quốc cổ đại với các yếu tố thần thoại đặc trưng thừa hưởng từ Phong thần diễn nghĩa như Na Tra. Nhưng bộ phim thiên về phiêu lưu, khám phá, với nhiều yếu tố tâm lý hơn là tình cảm gia đình, hành động hay hài hước.
Kết hợp với cốt truyện nhiều bí ẩn ngay từ ban đầu, lý tưởng của các nhân vật về vấn đề thiện-ác, chính-tà được cài cắm có phần mơ hồ, tổng thể Khương Tử Nha có phần kén khán giả hơn, chủ yếu hướng đến đối tượng trưởng thành.
Đề tài và sự thiếu ổn định về mặt cấu trúc sẽ gây khó khăn cho số đông người xem.
Bên cạnh đó, Khương Tử Nha còn khiến khán giả khó thưởng thức khi cách xử lý tiết tấu tổng thế chưa đủ tốt. Nhịp phim mở màn khá chậm rãi nhằm giới thiệu các nhân vật chính. Điều này có thể chấp nhận được để người xem bước đầu làm quen với hoàn cảnh trong phim.
Sau đó, khi Khương Tử Nha và Tiểu Cửu bắt đầu bước vào hành trình tìm đến U Đô, những tưởng bộ phim sẽ trở nên hấp dẫn, kịch tính hơn, thì đạo diễn và biên kịch lại không đem tới điều đó.
Khán giả tiếp tục phải theo dõi những đoạn hội thoại đơn điệu, những phân cảnh hành động kém hấp dẫn, những khoảng lặng không thực sự cần thiết giữa các nhân vật.
Dẫu biết rằng chuỗi chi tiết kể trên là nhằm phát triển hoàn cảnh nhân vật và xây dựng mối liên kết, nhưng việc sắp xếp các sự kiện, diễn biến một cách bất hợp lý khiến Khương Tử Nha đôi lúc trở nên lê thê.
Trong khi đó, nửa sau bộ phim lại diễn ra chóng vánh, khiến các cao trào, xung đột bùng nổ và cách giải quyết chưa đủ hấp dẫn.
Chất lượng kỹ thuật là điểm nhấn
Điểm nhấn lớn nhất của Khương Tử Nha là phần hiệu ứng hình ảnh - âm thanh ấn tượng. Bộ phim sở hữu phần hình ảnh bắt mắt, với các khung hình tuyệt mỹ, tổng thể hài hòa.
Phong cách mỹ thuật của Khương Tử Nha khá khác so với Na Tra nói riêng và các xuất phẩm Hoa ngữ cùng thể loại nói chung.
Tạo hình nhân vật, bối cảnh được tối giản, ít chi tiết hơn, sử dụng màu sắc cũng tiết chế. Bộ phim không có những phân cảnh sặc sỡ, đa sắc thái, giàu chi tiết. Bù lại, tất cả được phối kết một cách hài hòa, đồng điệu và đẹp mắt đến từng khung hình.
Chất lượng kỹ thuật của bộ phim vượt trội so với các tác phẩm Hoa ngữ cùng loại.
Tạo hình nhân vật cân đối, có điểm nhấn đặc trưng riêng. Cử động của các nhân vật mượt mà, tự nhiên, vượt qua những gì Na Tra đã làm được. Đây là điểm cộng rất đáng khen dành cho nỗ lực của đội ngũ sản xuất.
Phần âm nhạc của bộ phim đa dạng, được sử dụng hợp lý giúp tăng cường cảm xúc cho từng phân cảnh cụ thể. Tiếc rằng yếu tố hành động trong Khương Tử Nha không cao, với các phân cảnh ngắn được phân bố rải rác xuyên suốt chưa tạo được ấn tượng cụ thể. Do đó, tính giải trí của bộ phim chỉ ở mức vừa đủ.
Số lượng nhân vật trong Khương Tử Nha không lớn. Về cơ bản, các tuyến nhân vật được xây dựng trọn vẹn và tròn vai. Trong đó, được ưu tiên thời lượng nhiều nhất là hai nhân vật chính Khương Tử Nha và Tiểu Cửu, cũng là hai cái tên có điểm nhấn rõ ràng nhất về hoàn cảnh và cá tính.
Hình tượng nhân vật Khương Tử Nha được xây dựng khuôn mẫu và tương đối cứng nhắc, nên ít để lại ấn tượng hơn nếu so với cô bé tiểu hồ ly Tiểu Cửu thông minh, lanh lợi, nhưng luôn mang trong mình nỗi niềm về quá khứ nhiều bi kịch cùng tương lai mơ hồ.
Các kép phụ như linh thú Tứ Bất Tượng trung thành, quả cảm hay anh chàng đồng môn Thân Công Báo đầy nhiệt thành cũng để lại ấn tượng tốt cho khán giả.
Được kỳ vọng sẽ tái lặp thành công của Na Tra: Ma đồng giáng thế năm trước, nhưng Khương Tử Nha khó có thể đáp ứng được mong đợi của số đông. Sở hữu phần hiệu ứng hình ảnh và âm thanh đáng khen, nhưng câu chuyện mơ hồ, tiết tấu bất ổn khiến tổng thể tác phẩm còn gây nhiều hụt hẫng.
Dù sao, đây cũng là bước đệm tương đối vững chắc, giúp mở rộng câu chuyện về thế giới Phong thần bảng, và là tiền đề để các nhà làm phim tiếp tục khai thác vũ trụ thần thoại này một cách hiệu quả hơn.
Theo Zing