"Ai đó đã giả mạo chữ ký của tôi"
Những ngày qua, Công an TPHCM đã tiếp nhận gần 150 đơn tố cáo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Công ty TNHH Manulife Việt Nam.
Trong dòng người xếp hàng tố cáo hôm 20/4, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (61 tuổi, quận 3, TPHCM) rưng rưng khi toàn bộ số tiền tích cóp tuổi già của bà như "ngàn cân treo sợi tóc".
Bà Hạnh rưng rưng khi số tiền dưỡng già đang đứng trước nguy cơ mất trắng (Ảnh: Hải Long).
Bà Hạnh chia sẻ, bản thân bà là khách hàng lâu năm của SCB và lập nhiều sổ tiết kiệm tại đây. Đến ngày đáo hạn sổ, bà đến làm thủ tục tiếp tục thì nhân viên SCB giới thiệu gói đầu tư mới sinh lãi tốt nên khuyên bà chuyển sang "Tâm an đầu tư".
"Lúc đó sổ đáo hạn của tôi chỉ có 50 triệu đồng, nhân viên SCB còn nói phải đóng gói 60 triệu đồng và làm thủ tục cho tôi vay 10 triệu đồng rồi trả dần dần.
Nhân viên ngân hàng tư vấn thì tôi tin tưởng, ai dè họ lại chuyển tôi sang bảo hiểm nhân thọ Manulife", bà Hạnh nghẹn ngào.
Người phụ nữ 61 tuổi còn cho biết, mỗi lần đến đáo hạn sổ tiết kiệm khác, nhân viên SCB lại giới thiệu cho bà Hạnh những sản phẩm mới.
Ngoài ký hợp đồng đầu tư 60 triệu đồng sang bảo hiểm Manulife, bà Hạnh được tư vấn khoảng 600 triệu đồng sang các loại trái phiếu khác của SCB.
"Tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không nơi nào nhận làm gì nên tôi mong có chút tiền lãi gửi ngân hàng sinh sống qua ngày.
Giờ toàn bộ tài sản cả cuộc đời chắt chiu của tôi đang không biết sẽ đi về đâu. Tôi cũng không biết làm đơn tố cáo như thế nào vì trình độ có hạn, viết không nổi", bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Minh Tâm (quận 6, TPHCM) cũng gặp kịch bản tương tự khi tháng 6/2020 đến SCB giao dịch và được nhân viên của SCB và Manulife giới thiệu sản phẩm "Tâm an đầu tư".
Tin vào nhiều lời giới thiệu lãi suất cao, linh hoạt, tính thanh khoản cao, 3 năm qua, ông Tâm đã đóng gần 150 triệu vào khoản gói này.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng ông Nguyễn Minh Tâm vẫn hàng ngày kiên trì gửi đơn mong nhận lại số tiền để chữa bệnh (Ảnh: Hải Long).
Đến giờ, ông vẫn không hiểu sao mình đã cắt túi mật năm 1997, nhập viện triền miên nhưng khi được nhân viên Manulife đưa đi khám sức khỏe thì hồ sơ sức khỏe không thể hiện điều này. Ông cho hay, chữ ký tên trong một số biên bản cũng bị giả mạo.
"Tôi nhìn thấy chữ ký là biết ngay không phải của mình. Ai đó đã giả mạo chữ ký của tôi", ông Tâm quả quyết.
Khóc ròng khi "nuốt trái đắng", ông Tâm và con trai cũng đã đầu tư 4 tỷ đồng vào trái phiếu An Đông của SCB và chưa biết kết cục sẽ như thế nào.
Ông Tâm cho biết chữ ký của ông bị giả mạo trên một số văn bản (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Nhân viên nghỉ việc, xóa kết nối
Bế trên tay con nhỏ mới 8 tháng để xếp hàng nộp đơn tố cáo lên công an, chị Nguyễn Thanh Xuân (phường 4, quận 3, TPHCM) cho biết, tháng 7/2021 chị đến Ngân hàng SCB chi nhánh Nam Sài Gòn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) để đáo hạn ngân hàng và được nhân viên của SCB tư vấn sản phẩm đầu tư mới với lãi suất cao hơn bình thường.
Người mua chỉ cần tham gia 3-8 năm là có thể linh hoạt rút sau 3 năm tham gia mà không bị mất vốn lẫn lãi.
"Tôi cũng muốn ủng hộ sản phẩm mới nên đã nghe lời nhân viên ngân hàng tham gia gói tiết kiệm đầu tư. Họ nói tôi sẽ được tặng gói bảo hiểm sức khỏe của Manulife miễn phí.
Gói bảo hiểm này sẽ bảo vệ tôi năm đầu tham gia, nếu tử vong vì Covid-19 sẽ được chi trả 9 tỷ đồng", chị Xuân kể lại.
Trong năm 2021 và 2022, chị Xuân đã đóng vào sản phẩm "Tâm an đầu tư" tổng cộng 200 triệu đồng.
Đến tháng 2 năm nay, khi xem các video trên mạng xã hội, chị Xuân mới biết mình đang mua bảo hiểm nhân thọ. Ngay lập tức, chị liên hệ với nhân viên ngân hàng thì được biết người này đã nghỉ việc ở SCB. Nhân viên trên cũng tắt điện thoại, hủy kết bạn với chị Xuân.
"Tôi cứ nghĩ gửi tiết kiệm để lúc sinh con có tiền lo cho con vậy mà giờ tiền không thấy đâu mà chỉ thấy nguy cơ mất trắng nếu không thể tiếp tục đóng. Vợ chồng tôi cũng vì thế mà lục đục, cãi nhau suốt", chị Xuân nói.
Chị Nguyễn Thanh Xuân bất ngờ khi số tiền mình gửi tiết kiệm lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (Ảnh: Hải Long).
Cũng theo chị Xuân, nhân viên ngân hàng đã có sai phạm khi kê khai không đúng thông tin trên phiếu "Yêu cầu bảo hiểm" như nghề nghiệp, thu nhập, sức khỏe và giả mạo chữ ký của chị.
Tương tự, anh Võ Sang Bảnh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, khoảng đầu tháng 8/2020, vợ anh có đến SCB chi nhánh Bến Thành để đáo hạn và tiếp tục gửi tiền tiết kiệm. Tại đây, Tuyết - nhân viên giao dịch của SCB - tư vấn gói tiết kiệm ưu đãi "Tâm an đầu tư" với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm.
"Trong quá trình tư vấn, nhân viên Tuyết không nói đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện chuyển số tiền hơn 403 triệu đồng đang gửi tiết kiệm đến thời gian đáo hạn sang sản phẩm 'Tâm an đầu tư' của Manulife và SCB", anh Bảnh chia sẻ.
Anh Bảnh bức xúc khi SCB đang chưa thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong vụ việc này mà luôn "đùn đẩy" khách hàng sang Manulife.
Người đàn ông này cho rằng gia đình anh bị "dụ" khi đến giao dịch tại SCB và nhân viên SCB khẳng định ngân hàng này sẽ chịu trách nhiệm.
"Nhân viên SCB nhấn mạnh nhiều lần với tôi là mọi trách nhiệm ngân hàng em (SCB) sẽ là người chịu trách nhiệm nhưng khi khiếu nại thì ngân hàng đẩy sang Manulife.
Ngân hàng nói nhân viên Tuyết này đã nghỉ việc. Người này cũng xóa liên lạc, chặn mọi thông tin trên Zalo đã trao đổi với khách hàng", anh Bảnh nói.
Nhiều người tố cáo khi đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB được nhận về bảo hiểm nhân thọ Manulife (Ảnh: Hải Long).
Hầu hết khách hàng gửi đơn tố cáo gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB biến thành bảo hiểm Manulife đều có kịch bản chung: Tham gia sản phẩm đầu tư sinh lời với lãi suất cao, tương tự như gửi tiết kiệm linh hoạt, sau 5 năm sẽ nhận được toàn bộ gốc và lãi, được tặng kèm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Sau khi khách đã "sập hố", nhân viên tư vấn đã nghỉ việc, xóa mọi liên lạc.
Theo Dân Trí