Trưa 3/7, bão số 2 đã nằm trên khu vực phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc) và cách huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 180 km/h. Chiều và đêm nay, bão giữ hướng di chuyển tây tây bắc với tốc độ 10-15 km/h.
"Với tình hình này, khả năng bão sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình vào 4h sáng 4/7. Tâm bão nằm ở Hải Phòng", ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay.
Bắc Bộ mưa lớn từ chiều 3/7
Theo kịch bản đổ bộ của bão số 2 được cơ quan khí tượng đưa ra, bão vào khu vực vịnh Bắc Bộ từ chiều 3/7. Ngay sau đó, bão Mun tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên với sức gió mạnh cấp 8.
Đến 4h sáng 4/7, bão đổ bộ vào khu vực đất liền thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Lúc này, sức gió được dự báo mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Ngay sau khi di chuyển vào khu vực đất liền, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành áp thấp khi di chuyển lên vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Một số đài khí tượng trên thế giới như Hong Kong, Nhật Bản cũng có dự báo tương tự với cơ quan khí tượng Việt Nam.
Với diễn biến cụ thể của bão số 2, cơ quan khí tượng cảnh báo khu vực vịnh Bắc Bộ bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn sẽ có gió mạnh dần lên đến cấp 8, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Khi tiến sâu vào đất liền, bão ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Từ tối 3/7 đến 4/7, đồng bằng Bắc Bộ có mưa lớn diện rộng. Đến đêm 4/7, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão di chuyển lên vùng núi phía Bắc gây mưa lớn, khu vực đồng bằng giảm mưa.
Dự báo đường đi của bão số 2 - Mun trong bản tin trưa 3/7 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: NCHMF.
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rất lớn trong 3 ngày, từ 3/7 đến 5/7. Theo ghi nhận của cơ quan khí tượng, nhiều huyện tại Sơn La đã có mưa lớn kéo dài suốt 3 giờ đồng hồ vào rạng sáng nay, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực.
Khu vực Hà Nội sẽ có mưa lớn kèm theo dông lốc từ chiều 3/7 và kéo dài đến hết ngày 4/7.
Quảng Ninh cấm biển, yêu cầu đảm bảo an toàn cho 1.600 khách du lịch trên đảo Cô Tô
Trước tình hình bão đang tiến rất gần với đất liền, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn triển khai kế hoạch ứng phó với bão số 2.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tuy là cơn đầu tiên trong năm 2019 (bão số 1 được tính là cơn rơi rớt từ năm 2018), nhưng bão số 2 là bão đầu mùa và tập trung đổ bộ vào các tỉnh có vùng kinh tế biển phát triển.
"Trước những diễn biến của bão số 2, các bộ, ngành các tỉnh, thành phố đều không được chủ quan mà phải chủ động mọi phương án ứng phó với bão", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan và các tỉnh bị ảnh hưởng của bão tăng cường hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, duy trì liên lạc, sẵn sàng xử lý sự cố.
Ngày 3/7, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh lập 3 đoàn công tác phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại cơ sở; thường xuyên liên lạc phối hợp với đơn vị quân đội sẵn sàng xử lý các tình huống. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Trong khi đó, hiện trên đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) vẫn còn hơn 1.600 khách du lịch kẹt lại. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu đảm bảo các phương án an toàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Trước tình hình bão có khả năng đổ bộ vào vùng biển và đất liền, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 11h. Riêng tàu ra đảo Cô Tô đã được yêu cầu dừng cấp phép từ 6h ngày 3/7.
Ngoài Quảng Ninh, các tỉnh Ninh Bình và Nam Định cũng đang gấp rút thực hiện các phương án di dời, sơ tán và chuẩn bị tốt công tác cứu hộ cứu nạn trước khi bão số 2 tiến vào đất liền Việt Nam.
Theo Zing