Những ngày qua, mạng xã hội trong nước tràn ngập hình ảnh, bài viết về U23 Việt Nam. Ngoài lòng tự hào, những khoảnh khắc đẹp, Facebook tại Việt Nam cũng chứng kiến những chiêu trò ăn theo, thậm chí quá đà của những người hâm mộ.
Đó là những màn live stream "cởi hết mình" sau chiến thắng của đội tuyển, hay ồ ạt tràn vào Facbook của trọng tài người Singapore để thóa mạ. Gần đây nhất, trang Beatvn, một cộng đồng có ảnh hưởng lớn, đã kích động nhiều người vào Facebook của cầu thủ Uzbekistan để chửi bới, xúc phạm.
"Việt Nam nói là làm"
Phong trào "Việt Nam nói là làm" đã xuất hiện từ giữa 2017, và có cơ hội tái xuất sau những chiến thắng của U23 Việt Nam. Trước trận bán kết, hàng loạt status tuyên bố "Nếu U23 thắng tôi sẽ...". Kết thúc của dòng trạng thái sẽ là "Việt Nam nói là làm" như một lời cam kết.
Sau trận đấu, mạng xã hội tràn ngập video khỏa thân ăn mừng phản cảm.
Trong số đó, có những tuyên bố vui vẻ, hài hước như nhuộm tóc, cạo trọc, tắm sông.... và cũng không ít những hành động phản cảm, dung tục như trần truồng hoặc tuyên bố cho nhiều người sờ mó nơi công cộng. Thậm chí, một số nhóm quá khích còn mang TV, bình ga ra đường để đập phá.
Sau trận tứ kết và bán kết, nhiều người đổ ra đường ăn mừng đã chứng kiến những màn thoát y, nhảy múa. Chính những nhóm người này cũng sử dụng Facebook để livestream những hành động phản cảm của mình nhằm lôi kéo sự chú ý, tạo trào lưu "U23 thắng là cởi" trên mạng xã hội.
Tấn công cá nhân
Đây là hiện tượng không mới và luôn xuất hiện sau những trận cầu căng thẳng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, đặc biệt khi có những tình huống gây tranh cãi. Ngay sau trận đấu, Facbook cá nhân của trọng tài, cầu thủ đội bạn có thể bị những fanpage lớn công khai, khích tướng những người hâm mộ quá khích vào chửi bới.
Cách đây ít ngày, những "Hooligan trên Facebook" đã điên cuồng truy tìm Facebook của trọng tài Muhammad Taqi người Singapore, bị cho là thổi quả luân lưu không rõ ràng trong trận U23 Việt Nam gặp Qatar. Khi Facebook của trọng tài này đóng cửa, nhóm cổ động viên quá khích này đã trút giận lên hàng chục trang Facebook giả mạo vừa lập nên.
Nhiều cổ động viên quá khích ghép ảnh phản cảm trọng tài để sẵn sàng phê phán sau những trận đấu căng thẳng.
Chưa dừng lại ở đó, sau trận chung kết ở Thường Châu, Trung Quốc, nhiều dân mạng Việt Nam đã ồ ạt tràn vào Facebook cá nhân của cầu thủ số 11 phía Uzbekistan để chửi bới. Nguyên nhân được cho là do màn kích động của trang Beatvn, khi công khai ảnh chụp trang Facebook cầu thủ Sidorov. Sau đó, Beatvn đã bị cộng đồng Voz phản đối và phát động "thánh chiến" đánh sập hàng loạt Facebook của Beatvn.
Tấn công bắt nạt qua mạng (Cyberbullying) phát triển song song với sự lớn mạnh của Internet. Không chỉ có Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng xảy ra hành vi kém văn minh này. Phương pháp tấn công chủ yếu thể hiện qua bình luận thóa mạ cá nhân. Vì vậy, môi trường "tự do ngôn luận" như Facebook thường là nơi xảy ra Cyberbullying.
Không chỉ có bình luận, hình ảnh của các vị trọng tài, cầu thủ còn được sử dụng để các "thánh chế" đưa lên bàn thờ thắp hương. Thậm chí trước trận đấu chung kết giữa U23 Việt Nam - Uzbekistan, các "thánh chế" còn chuẩn bị sẵn những hình ảnh, có thể "sử dụng ngay" phòng khi trọng tài có biểu hiện bắt ép.
Facebook giả, tin tức giả tràn lan
Sau mỗi trận đấu, các trang Facebook giả mạo ăn theo U23 Việt Nam mọc lên như nấm. Nhiều Facebook giả mạo thủ môn Bùi Tiến Dũng, trọng tài Singapore, liên đoàn bóng đá... được lập ra để thu hút lượng like, sau đó đổi tên, nhập page và bán lại với giá 200 đồng/like/page, có trang nhiều like được bán với giá vài chục triệu đồng.
Những trang này về sau sẽ dùng để bán hàng online, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến thể thao.
Tin tức giả mạo (fake news) trên Facebook ăn theo U23 Việt Nam.
Cùng Facebook giả, nhiều "thông tấn xã con vịt" trên Facebook cũng tận dụng thời cơ để đăng tin giả về U23 Việt Nam, hoặc cắt ghép các đoạn video để giả dạng một bản tin thời sự.
YouTube ngập tràn video vi phạm
Trong thời gian diễn ra sự kiện, hàng ngàn video được đăng tải bên lề mỗi ngày. Mạng xã hội về video lớn nhất hiện nay dường như không thể kiểm soát nổi nội dung vi phạm bản quyền. Các nội dung phỏng vấn, gia cảnh từng cầu thủ được báo chí thực hiện cũng bị những "nhà sản xuất nội dung" vô tư tải về và re-up.
Thậm chí một số video chỉ trong một ngày đăng tải đã đạt vài triệu lượt xem, lọt thẳng vào top xu hướng trên YouTube. "Với quy định về thời gian xem, lượt theo dõi tối thiểu để bật kiếm tiền của YouTube hiện nay thì chỉ cần một pha re-up có từ khóa U23 Việt Nam là đủ", anh Văn Khải, một người làm nội dung YouTube ở TP.HCM, cho biết.
Theo Zing