Kiếp 'tòng phu' của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm

Vừa cưới nhau chưa kịp có con thì chồng tai nạn chấn thương sọ não, nằm liệt giường. Suốt 13 năm qua, người vợ chăm sóc chồng từng bữa ăn, giấc ngủ.

Trong căn phòng nhỏ trên tầng 2 một khu tập thể cũ kỹ, xập xệ trên đường Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội) thi thoảng lại vang lên tiếng hú hét, tiếng cười hềnh hệch của người đàn ông.

Đó đang là nơi trú ngụ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (41 tuổi, quê Phú Thọ) và anh Nguyễn Đăng Trung (41 tuổi, quê Yên Bái).

Anh Trung bị chấn thương sọ não, nằm liệt giường suốt 13 năm nay sau một vụ tai nạn tại Phú Thọ. Hoàn cảnh 2 bên gia đình cũng vô cùng éo le nên chỉ có vợ chồng anh chị chăm sóc lẫn nhau.

Mọi công việc từ kiếm tiền đến chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang… cho chồng đều một tay chị Trang tần tảo bao năm qua.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-1

Những ngày đầu tháng 10/2022, chúng tôi đến thăm anh chị. Căn phòng rộng chỉ khoảng 10m2 bởi căn hộ này được chủ nhà xây tường, ngăn làm 2 để cho thuê. Tuy nhỏ nhưng căn phòng rất thoáng, 2 cửa sổ mở toang khiến những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên của mùa thu Hà Nội tràn vào nhà.

Chị Trang tâm sự, chị chuyển đến khu tập thể này sinh sống khoảng 1 năm nay. Ngày trước, chị ở thuê trong một phòng trọ cấp 4 khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội). Nhà chật chội, ẩm thấp, bí bách… lại thêm chủ nhà khó tính nên cuộc sống chị thêm nhiều áp lực.

Căn phòng hiện tại anh chị thuê lại từ một người họ hàng xa. Nội thất trong nhà có một chiếc giường, một tủ quần áo và một chiếc tivi treo tường. Từ ngày chuyển đến đây, không gian thoáng đãng khiến chị không còn stress nhiều như trước.

Nói về cuộc đời đầy nỗi truân chuyên của mình, chị Trang chia sẻ, duyên số đẩy đưa anh chị gặp nhau năm 2009.

Khi đó, chị Trang xin vào làm thu ngân tại một tiệm ảnh viện áo cưới ở thị xã Việt Trì (nay là TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), còn anh Trung từ Yên Bái đến đây xin học nghề chụp ảnh.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-2

Người con gái nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng lại hoạt bát, nhanh nhẹn, còn chàng trai thì khôi ngô, tuấn tú và ăn nói duyên dáng. Hai người đang tuổi yêu đương đã va phải ánh mắt của nhau. Sau mấy tháng hẹn hò, hai anh chị dọn về chung một nhà.

Đám cưới nhỏ được tổ chức có sự chung vui của bạn bè, người thân. Do cả hai đều làm ở ảnh viện áo cưới nên quyết tâm thực hiện một bộ ảnh cưới thật đẹp để lưu giữ tình yêu. Bộ ảnh cưới mà đến giờ nhắc lại chị Trang vẫn tấm tắc khen.

Nói đến đây, anh Trung đang nằm trên giường bỗng nở nụ cười, tiếng cười hềnh hệch biểu hiện sự thích thú. Người anh rung lên bần bật. Chị Trang bóp chân, bóp tay cho chồng rồi quay sang nói với chúng tôi: “Anh ấy vẫn nghe thấy và hiểu hết những gì mình nói, chỉ là anh ấy không nói được, không cử động được thôi”.

Tiếng cười của anh Trung xua tan đi nét căng thẳng trên khuôn mặt chị Trang. Với chị, tiếng cười ấy đôi khi là niềm vui, nhưng cũng là nỗi buồn.

Chị bảo, có những lúc tinh thần phấn chấn, thấy chồng cười thì mình cũng vui lên. Nụ cười lúc ấy là nguồn động viên tinh thần to lớn để chị tiếp tục sống và che chở cho anh.

Tuy nhiên, những lúc mệt mỏi, nụ cười bất giác của chồng lại làm chị tủi thân ghê gớm. Chị thương chồng, thương cả cho phận mình. Khóc, chị đã khóc rất nhiều sau những nụ cười của chồng.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-3

Lấy tay kê lại đầu cho chồng, chị Trang kể tiếp. Thời điểm năm 2009, khi chị và anh Trung vừa tổ chức đám cưới được vài tháng thì tai họa ập đến. Trong một lần đi đón vợ tan làm, anh Trung bị một chiếc ô tô tông phải. Vụ tai nạn xảy ra ngay trước cửa tiệm ảnh viện áo cưới.

“Tôi có nghe thấy tiếng động mạnh, thấy mọi người xôn xao bảo có tai nạn nhưng đang mải làm nốt việc để chồng đến đón, không nghĩ là chồng mình bị tai nạn.

Một lát sau, tôi thấy lòng như lửa đốt, bứt rứt nên chạy ra xem, rồi ngã quỵ xuống khi thấy anh Trung nằm trên vũng máu”, chị Trang nhớ lại.

Bi kịch của cuộc đời chị bắt đầu từ đây. 3 tháng ròng ở viện chăm chồng, nhưng bác sĩ kết luận anh Trung bị chấn thương sọ não, tứ chi mất khả năng vận động.

Không khuất phục số phận, chị mang chồng đi nhiều nơi ở Phú Thọ, Yên Bái mong cứu vãn tình hình nhưng đều không khả quan.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-4

Khoảng hơn 1 năm sau, chị mang chồng xuống Hà Nội đến bệnh viện châm cứu trung ương với hy vọng cuối cùng có thể giúp chồng đi được vài bước hoặc nói được vài ba câu nhưng hy vọng bao nhiêu thì chị lại càng thất vọng bấy nhiêu.

Trong hoàn cảnh éo le ấy, cả hai lại chẳng có nơi để về nên chị Trang quyết định ở lại Hà Nội tìm việc, chăm chồng.

Câu chuyện của chị Trang với chúng tôi bị ngắt quãng bởi nói đến đây, anh Trung bỗng khóc rú lên, nấc liên tục.

Anh nghe được những lời chị Trang nói, nhớ lại khoảnh khắc mình bị tai nạn và dường như hiểu được nỗi vất vả mà vợ mình đang phải gánh vác.

Chị Trang vội quay sang dỗ chồng, 2 tay vuốt má: “Chồng ngoan, chồng ngoan, vợ thương, không khóc nữa”.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-5

Khoảnh khắc ấy, trong mắt chúng tôi thật ngưỡng mộ anh chị biết bao. Suốt bao năm vất vả, một mình tần tảo sớm hôm vừa kiếm sống vừa chăm chồng bại liệt, hai anh chị lại không có con nhưng chị vẫn dành cho anh một tình cảm thắm nồng.

“Vợ chồng người ta khỏe mạnh, bình thường ở với nhau hợp thì ở, không hợp thì thôi chứ vợ chồng tôi bây giờ trong hoàn cảnh thế này thì tôi không thể bỏ anh ấy được. Nếu bỏ mặc anh ấy thì sau này tôi có sống hạnh phúc, lương tâm cũng cắn rứt”, chị Trang bộc bạch.

Về phần người gây tai nạn, chị Trang cho biết, sau khi gây tai nạn, người điều khiển xe đã lo toàn bộ viện phí cho anh Trung nên chị không đề nghị truy cứu. Chị chỉ than phận mình sao kém may mắn chứ không trách người.

“Viện phí người ta lo hết. Giờ thỉnh thoảng người ta vẫn gọi điện hỏi thăm. Tai nạn là điều không ai mong muốn, thôi thì số mình thế rồi, truy cứu người ta cũng đâu được gì”, chị Trang thở dài.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-6

Quãng thời gian đầu đưa chồng xuống Hà Nội khám chữa bệnh, lúc thì chị Trang bán nước vỉa hè, lúc làm tạp vụ… Hiện tại, chị đang làm trong một công ty in ấn với mức lương gần 6 triệu đồng.

Trừ tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống và thuốc bổ cho chồng, số tiền ấy thật chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống đắt đỏ ở Thủ đô.

Từ một người phụ nữ xinh đẹp, giờ đây người chị gầy sọp chỉ còn hơn 30kg; làn da sạm và đã có vài nếp nhăn. Ấy thế nhưng ẩn chứa bên trong hình hài bé nhỏ ấy là một nghị lực phi thường của một người vợ hết lòng với chồng.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-7

Mỗi buổi sáng, chị Trang thức dậy rất sớm để chuẩn bị cơm nước hoặc mua đồ ăn sáng cho chồng. Trước khi đi làm, chị dùng hết sức để dựng người chồng nặng gấp rưỡi mình ra khỏi giường, dìu anh ra ghế sofa ngồi.

Chị sợ anh nằm nhiều bị thối thịt vì đã từng phải vào viện, khoét đến gần xương để điều trị.

Buổi trưa, chị về nhà nấu cơm cho chồng, đút từng thìa cho anh rồi lại vội vàng trở lại công ty cho kịp giờ làm buổi chiều. Tan ca chiều, chị lại về chuẩn bị cơm tối, thay bỉm, tắm rửa cho chồng…

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-8

“Những hôm phải tăng ca về muộn khoảng 9-10 giờ tối, tôi phải nhờ hàng xóm nấu thêm bát cơm hoặc đi mua gì về cho anh ăn. Hàng xóm ở đây biết hoàn cảnh của tôi nên cũng rất chia sẻ và giúp đỡ”, chị Trang nói.

Mỗi lần chị đi làm về, anh Trung đều ú ớ cười như mừng rỡ. Nhiều lúc mệt mỏi, chị ôm trầm lấy chồng và khóc như đứa trẻ.

Chị tâm sự với anh, kể về những áp lực, mệt mỏi mà mình phải trải qua. Anh Trung nằm bất động, nước mắt rơi theo nhưng chẳng thể làm gì để giúp được vợ mình.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-9

Không chỉ chồng bệnh, chị Trang cũng mang trong mình nhiều thứ bệnh. Trước Tết năm 2022, chị phải đi viện mổ polyp tử cung.

Nằm viện một mình, chị phải nhờ vả bác sĩ, điều dưỡng và người nhà các bệnh nhân khác chăm sóc hộ. Còn phần anh Trung, chị cũng đành gửi gắm cho hàng xóm.

Nằm viện được 2 ngày thì chị xin về sớm, phần vì lo không đủ viện phí, phần vì không an tâm để chồng ở nhà một mình. Do không được tĩnh dưỡng và tẩm bổ nên sau mổ, sức khỏe chị giảm sút nhiều.

Thêm nữa, bên gối chân trái của chị còn đang có một mảnh xương nhỏ bị vỡ găm vào thịt. Khoảng 2 năm trước, trong một lần dìu chồng đi vệ sinh chị bị trượt chân ngã đập gối xuống sàn nhà.

Chị đi chụp chiếu thì bác sĩ yêu cầu mổ nhưng chi phí lớn, chị đành sống chung với chiếc chân đau.

“Bây giờ cứ trở trời là chân đau buốt hoặc nếu đi làm ngồi lâu đứng lên không nổi. Có hôm tôi tan làm mà cả tiếng không về nhà được vì chân đau phải ngồi một chỗ.

Kiếp tòng phu của người vợ chăm chồng bại liệt 13 năm-10

Nhiều hôm trở trời, chồng tôi cũng đau đầu, đau người kêu gào cả đêm làm cả 2 mất ngủ. Thế là hôm sau tôi phải xin nghỉ việc vì mệt mỏi và ở nhà chăm chồng”, chị Trang chia sẻ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị Trang luôn bên cạnh bóp chân, bóp tay cho chồng. Thi thoảng, chị lại vuốt má, đưa mắt nhìn chồng âu yếm khi kể về những kỷ niệm đẹp.

Đôi lúc, tôi thấy mắt chị ngấn lệ nhưng chị không khóc. Có lẽ, cảm xúc này chị đã trải qua suốt 13 năm qua, thời gian tuy không dài nhưng cũng không còn quá ngắn, nó đủ để làm chị chai sạn dần và chấp nhận sống chung với thực tại.

Trên đường ra cầu thang tiễn chúng tôi về, chị Trang tâm sự: “Thấy người ta bảo khu tập thể này cũng sắp dỡ rồi, chẳng biết khi nào dỡ nữa. Mỗi lần chuyển nhà lại phải tìm chỗ ở mới, tìm việc mới mệt mỏi lắm các chú ạ”.

Chị cười nhưng tôi biết trong lòng chị đầy những chất chứa. Cuộc sống cơm áo gạo tiền với một người bình thường ở Hà Nội đã khó khăn nữa là với một người còn phải chăm chồng nằm liệt giường như chị.

Theo Arttimes

Xem link gốc Ẩn link gốc https://arttimes.vn/xa-hoi/kiep-tong-phu-cua-nguoi-vo-cham-chong-bai-liet-suot-13-nam-c46a15090.html

chăm chồng

Tin tức mới nhất